Những ngày này, lữ khách phương xa đến Xuân Đỉnh (Hà Nội) sẽ không khỏi bị hút hồn bởi những cánh đồng ngập tràn sắc hoa, xen lẫn những cây quất cảnh, đào phai, đào bích chúm chím...
Trước khi rẽ vào Xuân Đỉnh, hai bên đường xã Xuân La trắng màu mứt bí, mà Tết năm nào đài, báo... cũng nhắc tới. Những mẻ mứt bí, mứt cà rốt, mứt gừng... bập bùng trên bếp lửa toả hương thơm dịu ngọt như Tết đang đến rất gần. Hiện Xuân La vẫn còn khoảng 50 hộ gia đình lưu giữ và phát triển nghề làm bánh kẹo mứt của cha ông để lại.
Từ đường lớn dềnh dang bụi công trường hối hả, lấp ló những khu chung cư, biệt thự lô nhô. Vòng vèo qua dăm con ngõ uốn lượn, tôi cũng tìm được nhà bạn nằm sâu trong ngõ 4, xóm Thượng. Mẹ bạn thấy khách đến cười đôn hậu mời tôi vào ngôi nhà ngang 3 gian, cột kèo được làm từ gỗ xoan đào, với lớp ngói đỏ sẫm hơn 200 năm tuổi.
Chủ nhà cởi mở thân thiện như tính cách của ngôi nhà. Bác kể: "Trong khi phần lớn người dân chạy theo tốc độ đô thị hóa của ngôi làng, nhiều người xây nhà dựng cửa khang trang, thì tôi lại làm ngược lại. Tôi đã gắn bó với ngôi nhà này hơn 60 năm rồi, bao kỷ niệm vui buồn đều ở đây, nên quyết định giữ lại cho con cháu. Nom thì cũ kỹ, rêu phong thế thôi, nhưng mùa hè thì mát, mùa đông rất ấm áp".
Ngôi nhà treo nhiều câu đối, hoành phi, cái còn nguyên màu sơn son thiếp vàng, cái mất góc chữ, cái bị lũ mọt phá như đưa tôi về một thời xa xưa, thời mà theo gia chủ cho biết: "Qua 6 đời, chủ nhà đều là nhà nho, kiêm nghề bốc thuốc". 4 chữ khắc trên hoành phi "Nho y thế hưng" (có nghĩa là nghề dạy học và cứu người luôn hưng thịnh) đã nói lên điều ấy. Và cho đến giờ, những người con thế hệ thứ 7 của ngôi nhà vẫn lưu giữ, bảo tồn nghề bốc thuốc cứu người.
Đối diện ngôi nhà là gian bếp khá khiêm tốn, chừng chục mét vuông. Nhìn bác bưng nồi cá kho vào bếp giống hệt nội tôi sớm chiều hai bữa cơm đỏ lửa. Bạn tôi xôm chuyện: "Khách nước ngoài đến đây thích lắm. Phần lớn họ đều muốn tự tay vào bếp nhóm lửa nấu nướng. Năm ngoái, cứ khoảng 1 - 2 tháng nhà mình lại đón một đoàn khách nước ngoài. Họ đến để "mục sở thị" cuộc sống bình dị của người dân làng quê, nhất là được nói chuyện với những người già chít khăn mỏ quạ, bỏm bẻm nhai trầu. Mình đang định vay thêm ít tiền tu sửa lại ngôi nhà để mở tour du lịch, thu hút những ai yêu và muốn tìm về vốn cổ".
Đi thăm làng hồng, tôi còn được biết thêm về sự tích của thứ quả mang đậm hồn quê này. Tương truyền: Cây hồng xiêm tổ được cụ Đỗ Đình Duyên (người làng Xuân Đỉnh) cất công mang từ Thái Lan về trồng. Sau vài năm, cây bói quả, ăn ngọt và thơm, nên cụ Duyên chiết ra trồng khắp vườn nhà. Bà con hàng xóm thấy lạ, đã xin giống mang về trồng. Từ đó, cây hồng xiêm gốc từ vườn nhà cụ Duyên nhân rộng trong toàn xã. Tính đến nay, cây hồng xiêm tổ đã trải qua hơn một thế kỷ.
(Theo travel)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com