Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giác Lâm cổ tự

Bàn thờ Phật trong chánh điện có các bao lam chạm gỗ quý rất tinh xảo. - tinkinhte.com
Bàn thờ Phật trong chánh điện có các bao lam chạm gỗ quý rất tinh xảo.

Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của thành phố Hồ Chí Minh (số 118 đường Lạc Long Quân, phường 23, quận Tân Bình) đã được công nhận là một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (1988). Đây là điểm đến không thể thiếu đối với du khách hành hương và với du khách quốc tế muốn tìm hiểu về Phật Giáo Việt Nam.

Xưa, chùa vốn tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, nên còn gọi là Cẩm Đệm hay Sơn Can, xây dựng vào năm 1744 (Giáp Tý), đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến năm 1772, chùa có tên Giác Lâm từ khi hòa thượng Viên Quang thuộc dòng Lâm tế tới trụ trì.  

Khuôn viên chùa khá rộng, ngày nay nằm lọt vào khu dân cư đông đúc bao quanh. Giữa sân có tượng bồ - tát Quan Thế Âm dưới bóng cây bồ đề tán lá xanh tốt. Cây bồ đề này do đại đức Narada mang từ SriLanca sang trồng ngày 18-6-1953.  

Vị trí đặt quảng cáo

Ngôi chùa có hình chữ nhật, dài 65m, rộng 22m, gồm 3 lớp nhà chính: chánh điện, giảng đường và nhà trai, không kể các dãy nhà phụ.

Chùa có tất cả 98 cột. Trên cột có khắc 86 câu đối dính liền, chữ thếp vàng, khung viền chung quanh được trạm trổ rất công phu. Các đầu kèo đều tạc hình đầu rồng. Các bàn thờ trong chánh điện đều được làm bằng gỗ quý nên rất chắc chắn. Gian giữa có ba tấm bao lam hình tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), tứ linh (long, lân, qui, phụng) và cửu long.  

Các đầu kèo mái chùa đều chạm hình đầu rồng.
Bộ tượng gỗ sơn son thếp vàng.

Chùa Giác Lâm có 113 pho tượng cổ tạc bằng gỗ quý sơn son thếp vàng và 7 pho tượng đồng. Toàn bộ tượng, bao lam, ghế bàn, bảo tháp đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Pho tượng phật cổ nhất ở chùa là tượng đức phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa sen, bằng gỗ cao 0,65m; bề ngang hai gối 0,38m, tọa ở giảng đường, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII.

Toà Cửu long mô tả sự tích đức phật Thích Ca đản sinh, được đúc bằng đồng, tọa ở chánh điện. Có đến hai bộ tượng Thập bát la hán. Bộ tượng la hán nhỏ, mỗi pho tượng cao nửa mét được tạo tác vào đầu thế kỷ XIX; bộ la-hán lớn, mỗi pho tượng cao khoảng 0,80m (không tính phần đế tượng) được tạo tác vào những năm đầu thế kỷ XX, đặt trong chánh điện. 

Trong chánh điện còn có bàn thờ Ngọc Hoàng. Chùa là nơi thờ Phật, nhưng có một thực tế ở Việt Nam là người sùng mộ Phật giáo vẫn có đức tin vào triết lý đạo Lão, thờ phượng thần, thánh, các sức mạnh tồn tại trong thế giới siêu nhiên dưới quyền Ngọc Hoàng thượng đế.

Bảo tháp xá lợi chùa Giác Lâm.

 Bảo tháp xá lợi chùa Giác Lâm hình lục giác, cao 32m, gồm 7 tầng; khởi công xây dựng từ năm 1970, đến năm 1975 việc thi công gián đoạn đến năm 1993 mới được tiếp tục và hoàn thành vào tháng 6 năm 1994.  

Khu mộ tháp.

Bên trái khuôn viên chùa có khu mộ tháp của các vị Tổ đã trụ trì ở đây.  

Cây bồ đề này do đại đức Narada mang từ SriLanca sang trồng vào năm 1953.

Dù thăm chùa vào lúc hoàng hôn hay giấc tinh sương, dạo bước trong khuôn viên rộng và nhiều cây xanh đem lại cho khách nhàn du cảm giác thư thái an bình, tạm quên đi những xô bồ vội vã trong đời sống thường nhật. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Đi Gò Công xem nhà cổ nghe chuyện "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà"
  • Cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú
  • Thứ nhì... phố Hiến
  • Hang động kỳ ảo ở Sơn La
  • Thắng cảnh Quan Sơn
  • Làng biển Sơn Đừng
  • “Thiên đường” của vịnh Nha Trang
  • Du lịch dưới tán rừng Đà Lạt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com