Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đền Thái Vi - dấu tích vua Trần Thái Tông

Đền Thái Vi. Ảnh: Vũ Đức Phương.
Đền Thái Vi. Ảnh: Vũ Đức Phương.

Đền Thái Vi nằm trong quần thể Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Đến đây, du khách sẽ được hoài niệm về một triều đại hào hùng trong lịch sử dân tộc - triều đại nhà Trần, thế kỷ thứ XIII, ngắm nhìn nét đặc sắc của văn hoá dân gian và nghệ thuật độc đáo trong lối kiến trúc đình chùa…

Đền Thái Vi được xây dựng trên mảnh đất hình đầu rồng, với thế tiền Ngọc tĩnh, hậu Cấm Sơn, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ… Sử sách ghi rằng, sau chiến thắng quân Mông Cổ năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng và về vùng núi Vũ Lâm dựng hành cung Vũ Lâm, lập am Thái Vi tu hành.

Khi bắt đầu đến Vũ Lâm, cả hành cung là rừng già rậm rạp, hoang vu, nhà vua đã chiêu mộ dân binh, trai tráng khẩn hoang lập làng xóm. Sau này, vào năm 1285, chính nơi đây đã trở thành căn cứ của cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 của nhà Trần.

Để tưởng nhớ công ơn của vua Trần Thái Tông, sau khi vua mất nhân dân đã xây dựng trên nền am cũ đền Thái Vi thờ vua. Trải qua những thăng trầm lịch sử, khu đền luôn được gìn giữ và tôn tạo. 

Đền Thái Vi còn đó, mãi âm vang tinh thần đoàn kết, truyền thống kiên cường, sự đồng thuận giữa ý nguyện của toàn dân và vua tôi nhà Trần trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Điều đó luôn được khẳng định trên bức hoành phi với 4 đại tự “Hào khí Đông A” như một lời hiệu triệu treo trang trọng ở giữa chính cung đền Thái Vi. Không chỉ có thế, đến đây, du khách còn được nghe những giai thoại đẹp về các vị danh tướng kiệt xuất như Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.

Bên cạnh những giá trị lịch sử, đền Thái Vi có lối kiến trúc rất riêng. Khu đền được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc. Gác chuông được xây dựng bằng gỗ lim. Toàn bộ kiến trúc chính của đền xây bằng đá, ngay cả những ban thờ, đồ thờ, bát nhang đều được làm từ đá xanh nguyên khối. Nhờ đó đã tạo cho ngôi đền dáng vẻ nguy nga, kiên cố, vững chãi.

Trước cổng vào đền có 2 cặp ngựa đá được khắc với những đường nét tinh xảo, gợi nhớ về thuở “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Trong sân rồng đền Thái Vi điêu khắc 2 đầu rồng cùng những con rùa đá ở hai bên. Nâng đỡ mái hiên đền là 6 hàng cột đá xanh nguyên khối có chạm hình rồng uốn lượn mềm mại.

Trên các cột đá bên trong đền, các nhang án, bệ thờ được tạc nhiều hình trang trí uyển chuyển, thanh tú như tùng, cúc, trúc, mai, bầu rượu, túi thơ, cầm - kỳ - thi - họa… Trong điện thờ của đền có 3 toà và các gian thờ tượng Đức Thái thượng hoàng Trần Thái Tông, Đức vua Trần Thánh Tông, Đức Hiển Từ Hoàng Thái hậu…

Hàng năm, từ ngày 14 đến 17-3 Âm lịch, nhân dân thôn Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư) đều tổ chức lễ hội đền Thái Vi. Lễ hội được diễn ra long trọng, có rước kiệu, tế lễ và phần hội tưng bừng với nhiều trò chơi dân gian như múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, bơi thuyền…

(Theo Hoàng Tâm // Báo Ninh Bình Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Đình thần Thắng Tam ở Vũng Tàu
  • Phóng sự ảnh: Chợ tình Châu Mộc ai 'mua bán tình'?
  • Nhà thờ đá Phát Diệm
  • Sơn thủy Cao Bằng
  • Thảnh thơi bên lầu Tứ phương vô sự
  • Độc đáo Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn
  • Thăm làng cổ Đường Lâm
  • Viên ngọc xanh giữa núi rừng Việt Bắc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com