Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thăm làng cổ Đường Lâm

Lăng vua Ngô Quyền. Ảnh: Th. Hương

Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có lẽ là một trong số rất ít nơi còn giữ được nét đặc trưng của ngôi làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh… Tới đây ta có cảm giác như trở về một không gian thời quá khứ với nền nếp văn hóa sinh hoạt của thế hệ cha ông xưa kia.

Đường Lâm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 2006. Ngôi làng cổ này còn được gọi là đất "hai vua", nghĩa là vùng đất có hai người làm vua. Một là Ngô Quyền (898 – 944), cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng (năm 938) xưng vương lập nên nhà Ngô, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam. Và thứ hai là Phùng Hưng (? - 791), người khởi nghĩa đánh đuổi quan lại nhà Đường (thời Bắc thuộc lần thứ ba, 602-905) và cầm quyền cai trị một thời gian, nhân dân suy tôn, gọi ông là Bố Cái Đại vương.

Bây giờ muốn vào thăm làng phải mua vé (giá 15.000 đồng/người). Nhìn từ xa cổng làng có nét gì đó vừa cổ xưa, lại vừa quen thuộc, gợi nhớ về cảnh làng quê yên bình, êm ả, vắng hẳn tiếng xe cộ nhộn nhịp ồn ào chốn thị thành.

Chúng tôi đi trên những con đường đá nhỏ chạy dài theo các con hẻm, bên đường những bụi ngô đã thu hoạch được phơi khô xếp thành từng dãy dài, thay bằng mùi khói bụi là mùi ngai ngái của đất ruộng, của rơm rạ, hay nói cách khác là mùi của đồng quê.

Gọi Đường Lâm là làng cổ là cách nói về một điểm đến du lịch; về hành chính, đó là một xã gồm 9 thôn, trong đó 5 thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, gắn kết chặt chẽ thành một cộng đồng thống nhất về phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Mọi con đường làng đều rất sạch sẽ và thoáng đãng. Những bức tường đá có hàng trăm năm nay bao quanh các ngôi nhà, tạo không gian biệt lập và bình yên cho mỗi gia đình. Trong làng còn một số giếng nước đã vài trăm năm tuổi, thành giếng xây đá vững chãi với thời gian.

Hiện nay, Đường Lâm có 956 ngôi nhà đã hơn 150 năm tuổi. Trong đó, thôn Đông Sàng có 441 nhà, Mông Phụ có 350 nhà và Cam Thịnh có 165 nhà. Một số nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850...) đến nay vẫn còn nguyên hệ thống cột kèo, giàn mái với hoa văn trang trí cầu kỳ. Chỉ nhìn cái cổng nhà, người ta có thể phân biệt đó là nhà quan hay nhà dân và phần nào thể hiện phong cách của chủ nhà. Điều giống nhau là hầu như nhà nào cũng có cây xanh tán rộng che mát khoảng sân trước nhà.

Cổng làng Đường Lâm. Ảnh: Th. Hương

Mông Phụ là thôn lớn nhất của Đường Lâm, ngoài việc đồng áng, chăn nuôi, dân Mông Phụ còn có nghề dệt vải nuôi tằm. Thôn này hiện còn gìn giữ cái cổng làng có từ rất xưa, xây dựng rất đơn giản, trông như một ngôi nhà nhỏ có hai mái đốc.

Đình Mông Phụ xây dựng cách đây gần 400 năm, mặt chính quay hướng nhìn về phía đồi Dum. Người dân nơi đây tin rằng do nguồn nước từ đồi Dum luôn chảy về làng nên người Mông Phụ thường thuận đường hoạn lộ, khoa cử hanh thông.

Giai thoại kể rằng: Đình Mông Phụ đặt trên đầu một con rồng mà giếng làng chảy tràn toả ra hai bên là hai mắt, sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, có vẻ như là một nghịch lý so với kiến trúc hiện đại, song thực ra đó lại là một dụng ý của người xưa. Khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào, từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình, từ xa nhìn lại, trong mưa hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng vừa thật lại vừa ảo, thể hiện ý tưởng sinh tài lộc theo triết lý “tụ thủy sinh tài” của người xưa...

Trước cửa đình là một cái sân rộng, thường là nơi diễn ra các trò chơi khi làng vào hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng. Khoảng sân này còn có đặc điểm như một giao lộ trung tâm, từ đó tỏa ra các lối đi dẫn đến các xóm; ngược lại, mọi ngõ ngách trong làng đều tụ về sân đình như một quảng trường trung tâm.

Đến Đường Lâm, du khách nên vãn cảnh chùa Mía (tên chữ là Sùng Nghiêm tự), có tòa bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa; viếng đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; lăng Ngô Quyền. Tại đây chúng tôi được giới thiệu rặng duối - được cho là để buộc voi chiến của Ngô Quyền và ngắm cảnh đồi Hùm nơi Phùng Hưng đánh hổ cứu dân.

Chuyến tham quan trở nên thú vị hơn khi du khách thưởng thức những đặc sản dân dã, ngon miệng như bánh giò Phù Nhi ở thị trấn Phùng, bánh tẻ, bánh đúc ở chợ Mía, bún chấm lá tương... do các mẹ các chị ở đây làm từ chính hạt gạo họ gieo trồng. Những món đồng quê như gà quê luộc, mướp hương xào lòng gà, rau muống vừa hái vườn luộc chấm tương ở đây vừa rẻ lại vừa ngon, khó kiếm ở chốn thị thành.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Viên ngọc xanh giữa núi rừng Việt Bắc
  • Mê ly gành Đá Dĩa
  • Vẻ đẹp thác Bản Giốc
  • Say tình ở Vàng Pheo
  • Hương xạ được mùa
  • Tỉ mỉ dệt lanh trên cao nguyên đá
  • Xa xôi đảo Quan Lạn
  • Miền đất áo xanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com