Bảy giờ sáng, chúng tôi bắt đầu rời Phan Thiết. Đến Phú Long (Hàm Thuận Bắc) cậu lái xe đề nghị dừng lại ăn bánh hỏi vì ai đi qua đây cũng đều làm thế. Bánh hỏi Phú Long được coi như đặc sản của Bình Thuận và nó được duy trì từ nhiều năm nay. Bánh hỏi là một thứ sợi làm bằng bột gạo trắng, nhỏ khoảng bằng 1/3 sợi bún. Ăn kèm với rau thơm, lòng heo luộc và bánh tráng mỏng. Rau thơm ở Phú Long cũng khác lạ vì không chỉ có húng lủi, húng quế, diếp cá, bèo…mà còn có rau cúc. Loại cúc hoa nhỏ rí vàng đậm. Lá không có vị mấy nhưng thơm dìu dịu. Nơi khác nghe nói ăn lá hoa cúc chắc mất hồn nhưng dân Bình Thuận ăn đều. Bánh tráng mới là thứ đáng nói. Chúng mỏng tang, mềm dịu, đều đặn, không có lợn cợn gạo, không có vành bánh cứng ngắc. Bánh tráng này đều được làm ra từ làng nghề bánh tráng Phú Long nên ngon là điều tất nhiên.
Ăn xong chúng tôi lại hướng phía Bắc mà tiến. Đi quá Phú Long là gặp những quán bên đường bán thanh long và mãng cầu ta. Thanh long Bình Thuận ngon thế nào thôi không cần nói vì nó chiếm đến 60% sản lượng thanh long toàn quốc. Nhưng mãng cầu ta (quả na) thì phải giới thiệu đôi nét. Ở vùng này phần lớn trồng mãng cầu dai. Trái không lớn lắm, cỡ trái cam giấy thôi nhưng mắt rất đều, khi chúng mở mắt ta sẽ thấy những trái tròn trịa màu xanh ngọc phớt trắng. Mãng cầu ta Hàm Thuận Bắc nổi tiếng vỏ mỏng, thịt nhiều, hạt bé, thơm và ngon. Mãng cầu ở đây giá rất mềm, khoảng 15.000đ đến 20.000đ, bằng một nửa thành phố Hồ Chí Minh. Tiếc rằng mãng cầu vận chuyển khó vì rất dễ dập nát.
…Nắng nóng còn hơn Bắc Bình nên Tuy Phong (huyện đầu tiên của Bình Thuận về phía Bắc) ít bày bán trái cây. Bên đường là những sạp bán san hô biển. Nhiều người vẫn bảo mua cây san hô, nhưng thực ra chúng là con. Mỗi năm san hô chỉ lớn lên được 1 cm, vì thế một cây bé tí bán 3000đ cũng có tuổi thọ vài trăm năm. Nơi nào bảo san hô dùng trong y học giá cả triệu một ký, ở đây chỉ cần 10.000đ là có một cây san hô đẹp long lanh. Tôi rất hay mua san hô vì chưa từng thấy cây nào giống cây nào và vì cây nào cũng đẹp. Khai thác san hô là trái phép, mua bán cũng thế vì vậy khi nhìn chúng bị bày bán rẻ như cho tôi thấy xót xa vô cùng. Tiếc rằng Bình Thuận chưa làm gì mạnh để dẹp những điểm bán này.
Tuy Phong còn là đất bằng lăng. Gần đến tết Katê là chúng nở tím núi tím đồi, ngắm mãi không chán. Người Chăm gọi hoa bằng lăng là Tagulau và có hẳn những bài hát về chúng. Bằng lăng núi cũng chủ yếu là tím, trắng pha tím nhưng khi chúng đứng cạnh nhau làm thành một rừng thì người ta có thể hiểu là trên thế gian này các màu đều có lý do để tồn tại.
Vùng đất đầu tiên của Tuy Phong và cũng của Bình Thuận từ phía Bắc vào là Cà Ná. Một khoảng cách độ 50 mét ngang bạn có thể thấy 3 loại giao thông là đường thủy, đường bộ và đường sắt. Đôi khi một con tàu xình xịch đi qua hú còi tha thiết lẫn với tiếng ô tô bim bim sẽ khiến bạn quên nhìn con tàu đang rẽ sóng ngay dưới chân bạn, bởi chúng diễn ra cùng một lúc. Tôi đi dọc Việt Nam và nghĩ có lẽ đây là nơi 3 loại đường ở gần nhau nhất.
...Rời Tuy Phong, chúng tôi bước chân sang mảnh đất Ninh Thuận “nắng như rang, gió như phang” với dự định về làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Bình Thuận lùi xa dần, qua ô cửa kính. Dù thế nào tôi vẫn cứ yêu Bình Thuận và khi vừa ra khỏi mảnh đất này trong tôi thoáng một chút buồn nhè nhẹ.
(Theo Hoàng Oanh // Báo Bình Thuận )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com