Ðúng 8 giờ 30 phút, con tàu Tiên Sa rời bến Hàn Giang (thành phố Ðà Nẵng) trong âm vang tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn tàu, từ từ chạy về hướng cội nguồn dòng sông.
Tàu chạy đến địa phận thôn Bồ Bản dòng nước trong xanh, đôi bờ có hàng tre rủ bóng. Ðây là vùng đất trù phú thuộc xã Hòa Phong (Hòa Vang), ngoài nghề trồng lúa ra, bà con còn sống với nghề trồng rau các loại, bầu bí, cà, ớt... nổi tiếng một vùng.
Chúng tôi lên bờ, ghé thăm đình làng Bồ Bản. Theo một số bô lão trong làng cho biết: Ðình được xây dựng giữa năm cái gò cao của làng tượng trưng cho Ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, đó là Gò Làng, Gò Dinh Ông, Gò Chùa, Gò Miếu và Gò Ổi. Lưng đình dựa vào Gò Miếu cao trong tư thế bền vững với thời gian, bên phải có gò Chùa, gò Miếu Tam vị hay còn gọi là Quần Hổ, bên trái có Gò Ổi còn gọi là Tả Thanh Long hay Long Hổ Hội. Trước đình (phía nam) có đồng ruộng bao la tiếp giáp với làng Cẩm Toại, nơi có Cấm Mít - lãnh địa của người Chăm, lại thêm dòng sông Yên hiền hòa uốn khúc ẩn hiện sau những rặng tre xanh, bao bọc những xóm làng yên ả...
Ðình được xây theo dạng ba gian, hai chái, bên trong được bố trí hài hòa. Ở giữa là hương án thờ Thành Hoàng và các vị thần có sắc vua phong. Bàn thờ bên tả có hai chữ "Quan tiền" để thờ Tiền Hiền, còn bàn thờ bên hữu có hai chữ "Dũ Hậu" để thờ các vị Hậu Hiền.
Ngoài ra, hai bên tả hữu còn đặt cái long đỉnh chạm trổ rất công phu dùng để thỉnh sắc vua ban và một cái trang rất cổ, là nơi thờ Quan Thánh Ðế Quân.
Ðặc biệt, nơi đây từng là phòng phiếu để bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng từng là nơi tổ chức mít-tinh hội họp của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Hằng năm, rằm tháng hai là buổi lễ chạp mộ Tiền Hiền, rằm tháng tám là lễ tế Thu, giỗ Hậu Hiền và 21 tháng chạp là lễ cúng Âm linh.
Tàu lại tiếp tục cuộc hành trình qua khu vực chợ cũ trên sông Túy Loan, đến đình làng Túy Loan có cây đa cổ kính hơn 100 năm tuổi.
Ông Ðặng Khôi, Trưởng ban trùng tu đình Túy Loan cho biết: Ðình làng Túy Loan là nơi thờ tự năm vị tiền hiền Ðặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Năm vị tuân chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam (năm Hồng Ðức nguyên niên 1470), thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ, chư vị dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên là làng Túy Loan, thuộc xã Hòa Phong (Hòa Vang - thành phố Ðà Nẵng).
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đình cổ Túy Loan vẫn giữ được nét uy nghi trầm mặc, cổ kính rêu phong. Ðình làng Túy Loan được xây dựng lần cuối cùng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) với diện tích hơn 100 m2 trong khuôn viên rộng hơn 8.000 m2.
Hằng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về, cả hai ngôi đình đều tổ chức lễ, hội với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như đua thuyền, đẩy gậy, kéo co... Lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức ở sân đình với những làn điệu dân ca trữ tình như: bài chòi, hò khoan, đạp nước... bên những món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tét, bánh tráng, bánh khô... thơm ngon nổi tiếng trong vùng. Năm 1999, đình Bồ Bản và Túy Loan được Bộ Văn hóa - Du lịch và Thể thao công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Cách đình Túy Loan khoảng 2 km theo đường sông, là "Khu vườn Cổ tích" của anh Ðỗ Hữu Minh. Tàu cập bến đá xanh, theo con đường nhỏ đầy lá tre rơi rụng, qua những hàng dâm bụt, chè tàu là đến cổng khu vườn.
Từ nhiều năm qua, khu vườn khoảng 3.500 m2, nằm sâu trong rặng tre um tùm dọc bờ sông thuộc thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn (Hòa Vang - thành phố Ðà Nẵng), là một điểm thu hút nhiều khách đến tham quan, nghỉ ngơi vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Ðộc đáo nhất là ngôi nhà cổ, với chiều dài 14 mét, chiều rộng 10 mét, thiết kế kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương đã lên mầu rêu phong cổ kính, bờ tường dày gần 0,5 mét. Nhà có 36 cây cột to, hệ thống kèo, đà được chạm trổ hoa văn họa tiết cổ xưa, tinh xảo đã lên mầu cánh gián.
Chủ nhân cho biết, đây là ngôi nhà từ thời ông cố (một nhà nho) để lại, khoảng hơn 100 tuổi, có thể đây là ngôi nhà cổ đẹp và ít bị hư hại nhất trong vùng. Trong vườn, cây cối rợp bóng mát, có nhiều nhà bát giác, lục giác... cho khách ngồi uống trà, uống rượu, phục dựng hòn non bộ với non xanh, thủy tú. Trong vườn, du khách còn bắt gặp những nông cụ như: cối xay lúa bằng tre, cối giã gạo, gàu dai, gàu sòng, nhủi cá, cái nơm, áo tơi... làm sống lại nét văn hóa đặc sắc của ngàn năm cư dân lúa nước. Khách phương xa sau khi tham quan, có thể ngồi câu cá dọc bờ sông, hoặc nằm trên mấy chục cái võng bằng tre, được buộc trên những thân cây sát bờ sông.
Chiều xuống, ráng hoàng hôn in bóng xuống dòng sông Túy mầu tím đỏ, nhuốm cả đất trời, sông nước mênh mông, con tàu xuôi theo dòng nước quay về bến cũ.