Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổ chức lễ tế Xã Tắc vào ngày 8.4

Đàn Xã Tắc thời xưa. Ảnh tư liệu

Lễ tế Xã Tắc tại Thừa Thiên - Huế sẽ diễn ra vào ngày 8.4.2010 (nhằm ngày 24.2 âm lịch), hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và Festival Huế 2010.

Lễ tế Xã Tắc năm nay sẽ gồm hai phần chính: lễ xuất cung và lễ tế, được phục dựng đầy đủ theo quy cách xưa. Lễ xuất cung của đoàn Ngự đạo sẽ bắt đầu lúc 19g45 phút, gồm 510 người với đầy đủ các nghi vệ, quan văn võ, binh lính, đội nghi trượng, đội nhã nhạc, vũ công Bát dật, voi, ngựa, chuông trống, võng lọng, cờ quạt... Đến 20g05 phút đoàn Ngự đạo đến đàn tế. Lúc này, ở đàn Xã Tắc được trang hoàng lộng lẫy, với cờ quạt, đèn lồng, điểm giữa là hai trụ cờ Quốc thái dân an cao 6m, ở tầng thượng đặt hai án thờ lớn, phía Bắc tầng hạ cũng đặt hương án, thiết 8 bàn tế ở hai bên có lọng tàn đầy đủ.

Ngay sau lễ tế chính thức, khi đoàn của vua đã hồi cung, dân chúng và du khách thập phương sẽ được phép lên đàn dâng hương và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đời đời no ấm.

Tập luyện cho lễ tế. Ảnh chụp sáng 4.4.2010

Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ sử học Phan Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: lễ tế Xã Tắc năm 2010 được phục dựng gần với nguyên bản và chuẩn xác hơn so với hai lần tổ chức trước. Năm nay lộ trình đoàn đi sẽ không rẽ vào đường Trần Nguyễn Hãn như trước mà theo đường Lê Huân để rẽ vào đường Ngô Thì Nhậm vào cổng chính của đàn Xã Tắc ở hướng Nam để làm lễ tế. Đây là hướng đi nguyên thủy của lễ tế Xã Tắc. Ngoài ra, trang phục, lễ phục cũng thực hiện chuẩn xác hơn, đặc biệt là trang phục của đội nhã nhạc và vũ công Bát dật được phục dựng nguyên bản từ cách thức, màu sắc cho đến hoa văn. Điểm đặc biệt của lễ tế Xã Tắc năm nay là sự tham gia góp mặt của 100 bô lão Thừa Thiên - Huế đại diện cho trăm họ (bách tính) tham gia. Hiện nay, công tác chuẩn bị tổ chức lễ tế Xã Tắc đã được trung tâm triển khai, hàng trăm cán bộ, viên chức cùng voi, ngựa đã tập luyện nhuần nhuyễn.

Lễ tế năm 2008

Lễ tế Xã Tắc thời Nguyễn ở kinh đô Huế là một lễ tế quan trọng xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam giao. Với ý nghĩa là lễ tế thần Đất và thần Lúa, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt nên bản thân các tôn vương nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng lễ tế này. Từ năm 1806, vua Gia Long đã cho xây dựng Đàn tế Xã Tắc ở phía tây hoàng thành (gọi là đàn Xã Tắc), theo nguyên tắc "tả Tổ, hữu Xã" (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương đông truyền thống.

Triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng việc cúng tế ở đàn này. Theo qui định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, vua “ngự giá” làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Cả 13 đời vua Nguyễn đa phần đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc.

Sau năm 1945, đàn Xã Tắc không còn được sử dụng đúng như chức năng vốn có. Mãi đến đầu năm 2008, công tác thám sát khảo cổ học mới cơ bản hoàn thành và dự án tu bổ, phục hồi đàn Xã Tắc được triển khai và đến nay đã phục hồi tầng đàn thượng và tầng đàn hạ.

Dương Trần

Đoàn ngự đạo xuất cung. Ảnh chụp năm 2009
Người dân vào dâng hương cầu mưa thuận gió hòa trong lễ tế. Ảnh chụp năm 2008

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Ngắm đồng quê từ trực thăng
  • Hào khí Hoa Lư gắn liền với sự phát triển của dân tộc
  • Tuần văn hóa du lịch Sapa năm 2010 từ 30/4
  • Thăm chùa Đồng – Yên Tử nhớ Phật Hoàng
  • Vị biển ở Sóng
  • PHÚ QUÝ - đảo ngọc
  • Bên tháp cổ Vĩnh Hưng
  • Đi trên hoang đảo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com