Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch bụi: thoả mãn và tiết kiệm

Mặc dù các tour của doanh nghiệp du lịch vẫn đang được chào bán liên tục hàng ngày với nhiều khuyến mãi hấp dẫn nhưng với giới mê thích du lịch, những thông tin đó dường như vẫn chưa đủ hấp dẫn. Mùa này, những lịch trình đã được vạch sẵn, chỉ chờ tết đến là họ sẵn sàng vác balô lên đường.

Đi để được trải nghiệm

Anh Bùi Đức Minh, giám đốc điều hành mạng thông tin du lịch Skydoor.net cho biết: “Xu hướng du lịch bụi của các bạn trẻ ngày càng gia tăng. Họ muốn chủ động và linh hoạt về thời gian, điểm đến... trong hành trình của mình.

Du lịch bụi là hình thức khám phá những nét đẹp ở những vùng xa xôi của đất nước và sự khác biệt văn hoá của từng vùng một cách sâu sát nhất mà du lịch theo tour không đáp ứng được. Một số vùng đang được giới du lịch bụi quan tâm là Tây Bắc – Hà Giang, Mộc Châu, Tây Nguyên – Buôn Ma Thuột, đảo Phú Quý...”.

Minh Đức, người từng có những hành trình bụi lên điểm cực Bắc và xuống điểm cực Nam của tổ quốc tâm sự: “Mỗi chuyến đi cho tôi những trải nghiệm, có cái nhìn khác về cuộc sống và mở rộng lòng mình hơn”.

Minh Đức kể có lần gặp rắc rối trong công việc, chán nản anh liền vác balô lên đường, trên hành trình ra Tây Bắc, anh đã tận mắt chứng kiến người dân tộc H’mông phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, những em bé chỉ độ tuổi lớp một nhưng phải lao động vào rừng cắt cỏ và đào củ mài về ăn.

Lúc này, anh mới thấy những khó khăn của mình không thấm vào đâu so với người dân tộc vùng cao nhưng họ vẫn sống rất lạc quan.

Chuẩn bị kỹ trước khi đi

Điểm đến của những người du lịch bụi không phải là những điểm du lịch quen thuộc mà là hành trình khám phá những nơi ít người đến. Bởi vậy, trong suốt hành trình luôn có những khó khăn rình rập. Vì vậy cần phải chuẩn bị thật kỹ càng và đừng bao giờ mạo hiểm đi nếu chưa biết gì về điểm đến.

Hồng Lân chia sẻ trước khi đi xác định trên bản đồ điểm cần đến, sau đó tìm tất cả những thông tin liên quan bằng mọi cách: internet, sách báo, bạn bè… Đặc biệt là phải biết được đường đi tốt hay xấu, có đèo hay không, nếu gặp sự cố phải xử lý ra sao, dọc đường đi có những bệnh viện nào, số điện thoại cần giúp đỡ.

Những vật dụng tối thiểu phải chuẩn bị như thuốc tây, đèn pin, bật lửa… Đức Minh lưu ý thêm: “Một yếu tố cần được đặt lên hàng đầu là an toàn, và thậm chí nên tập cả thói quen mua bảo hiểm du lịch trước khi đi để hạn chế rủi ro nếu có”.

Trong hành trình lên Tây Nguyên vào mùa mưa vừa rồi, nhóm của Hồng Lân đã phải băng qua cung đường 14C, kéo dài từ Dăk Nông qua Dăk Lăk, Gia Lai.

Đây là cung đường trắc trở, lầy lội ngập tới nửa xe máy, có đoạn suốt mấy chục cây số nhưng không hề có một mái nhà, không một chỗ đổ xăng. Nhờ tìm hiểu và biết trước được đoạn đường nên đoàn đã mang theo xăng dự phòng và đồ nghề có thể tự sửa xe khi gặp sự cố.

Cũng nhờ tham khảo kỹ nên trước mỗi chuyến đi, nhóm của Hồng Lân có những địa chỉ ăn ở rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tiết kiệm được một phần chi phí.

Một tour từ TP.HCM đi Hà Giang 16 ngày, ra Hà Nội và về bằng máy bay, xe máy gửi tàu lửa nhưng mỗi thành viên chi phí hết 7,2 triệu đồng. Mặt khác những người du lịch bụi với mục đích là khám phá nên có thể chấp nhận những điều kiện ăn ở tối thiểu và đa phần đi bằng xe máy nên dù tiền ít vẫn có thể đi được.

Lộ trình tham khảo một tour du lịch bụi được nhiều người ưa thích: Hà Nội – thị xã Hà Giang – huyện Quản Bạ (thị trấn Tam Sơn) – Phó Bản – xã Lũng Cú – Đồng Văn

Có hai cách đi là xe khách (ôtô) và xe máy Hà Nội – Hà Giang: Xe khách từ Hà Nội đến thị xã Hà Giang theo đường bộ là 318km. Bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Gia Lâm. Mua vé xe đi đêm từ Hà Nội. Xe máy: Nếu yêu thích hành trình bụi bặm, có thể đi xe máy. Tuy nhiên, đi xe máy cũng có nhiều khó khăn, dễ gặp rủi ro nơi đèo cao, vực sâu.

Hà Giang – Quản Bạ: Từ Hà Giang đón xe khách đi Quản Bạ (thị trấn Tam Sơn, đường đi rất tốt. Tại Quản Bạ có thể ở nhà nghỉ Tam Sơn của huyện, giá rẻ, chất lượng tốt. Ở Quản Bạ phải ngủ qua đêm thì buổi sáng mới thưởng thức được hết vẻ đẹp, một số thắng cảnh là Cổng Trời và Núi Đôi.

Quản Bạ – Phó Bản: Có xe khách chuyến 7g sáng từ Quản Bạ đi Phó Bản, xe sẽ dừng tại ngã ba cách thị trấn Phó Bản 7km, bạn có thể quyết định đi tiếp lên thị trấn Đồng Văn (nổi tiếng với chợ phiên Đồng Văn) hoặc xuống xe đi vào thị trấn Phó Bản ở lại một đêm, bất cứ nhà dân nào cũng sẵn sàng cho bạn nghỉ qua đêm.

Phó Bản – Lũng Cú – Đồng Văn: Từ Phó Bản nên đi xe ôm, mất khoảng 26km từ Phó Bản đến cột cờ Lũng Cú nơi điạ đầu của tổ quốc, sau đó xuôi về Đồng Văn nghỉ, nên tính toán thời gian đi sao cho nghỉ ở Đồng Văn vào tối thứ bảy để sáng chủ nhật có thể thăm thú chợ phiên Đồng Văn, sau đó tham quan khu phố cổ Đồng Văn.

Đồng Văn – Mèo Vạc: Từ thị trấn Đồng Văn có thể đi xe ôm hay xe khách về thị trấn Mèo Vạc sẽ đi qua tuyến đuờng núi Mã Pí Lèng là một trong những tuyến đuờng núi đẹp và hiểm trở nhất Việt Nam. Từ Mèo Vạc sẽ quay về Quản Bạ – Hà Giang – Hà Nội: phuơng tiện di chuyển là xe khách.

 
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Trốn phố, vào rừng... tìm chim
  • Chợ Đà Lạt có… nét duyên thầm
  • Trải nghiệm sông Đà
  • Tươi như nụ cười mùa đông Sapa
  • Về làng cổ Phước Tích nghe kể chuyện xưa
  • Sapa êm đềm
  • Thác Giang Điền và chuyến picnic cuối tuần
  • Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com