Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư có diện tích 845 ha ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nơi đây có 70 loài chim cò, trong đó có 2 loài quý hiếm là nhan sen và điêng điểng với số lượng đàn lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn con.
Ngoài ra còn có 11 loài thú, nhiều nhất là đàn dơi quạ khoảng 30.000 con. Rái cá và loài mèo cá trong sách đỏ cũng được thả nuôi bảo tồn ở nơi này. Những ngày đầu năm con cọp, hàng trăm du khách đã đến tham quan, thưởng ngoạn và đắm mình với thiên nhiên tươi đẹp.
Tác ráng gắn máy đuôi tôm đưa du khách tham quan rừng tràm
Chiếc tác ráng gắn máy đuôi tôm đưa chúng tôi xuất phát từ trạm kiểm lâm rồi lao vun vút giữa những dòng kênh xẻ dọc cánh rừng già. Điểm đến đầu tiên của đoàn là vạt rừng ken đầy loài còng cọc trên diện tích 3ha ở khoảnh 2B, tiểu khu 6.
Sáng tinh mơ, khi ánh nắng mặt trời còn yếu ớt, hàng trăm ngàn con còng cọc siêng năng đã trầm mình dưới nước lặn mò cua óc đen ngòm cả mặt nước. Chiếc tác ráng phóng đến, hàng trăm ngàn cánh chim tung bay tứ tán cùng với tiếng kêu vang vội làm vỡ òa sự yên tĩnh của buổi bình minh.
Lũ còng cọc tung bay khi tác rang lao vút đến
Cả đàn còng cọc bị đánh thức bay đi nơi khác kiếm ăn
Những chú chim trích hết sức dạn dĩ ở rừng tràm Trà Sư
Cách đó không xa là đàn nhan sen đã thức dậy đi kiếm ăn từ sáng sớm. Trên những ngọn tràm già chỉ còn lại hơn chục cánh chim “khổng lồ” nương náu. Anh Nguyễn Văn Ngời, cán bộ kỹ thuật trạm kiểm lâm cho biết, loài chim quý hiếm này chỉ có mặt trong mùa nước nổi.
“Trọng lượng của nhan sen trưởng thành lên đến trên 10kg/con. Đây là loại chim di trú, chúng thường xuất hiện ở rừng tràm Trà Sư vào đầu mùa nước nổi rồi lại bay đi khi những bờ đất cuối cùng trên cánh đồng Bảy Núi trơ cạn đáy. Đây là những chú chim cuối cùng di trú muộn trong số hơn 40.000 con nhan sen tìm đến Trà Sư mỗi năm”, anh Ngời tiết lộ.
Những con nhan sen ở rừng tràm Trà Sư di trú muộn
Nhan sen là một trong hai loài chim quý hiếm ở rừng tràm Trà Sư
Tiếng máy nổ giòn giã tiếp tục đưa chúng tôi khám phá khắp khu rừng. Đến khoảnh 3B với hai cánh rừng rộng hơn 23 ha là vương quốc của loài cò trắng và vạc. Anh Ngời cho hay cò trắng là loài chim lớn nhất với số lượng nhiều gấp năm lần các loài khác, lên đến cả triệu con.
Cách chiêm ngưỡng lý thú nhất là bơi xuồng dạo quanh cánh rừng cò để du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn và chụp ảnh những cánh cò dạn dĩ, vẫn thản nhiên mò tôm, bắt óc, mớm mồi. Nhưng càng hấp dẫn hơn khi cả đoàn được hướng dẫn lên đài gác (chốt canh lửa, canh chim – PV) cao 24 m. Tại đây được bố trí một ống nhòm và du khách có thể phóng tầm mắt ra xa hàng chục km ngắm toàn cảnh khu rừng.
“Nơi vạt rừng với những chấm đen li ti trải dài là nơi cư trú của loài còng cọc. Cạnh đó là cả vạt rừng trắng xóa - vương quốc của loài cò trắng, nơi chúng ta vừa bơi xuồng ngoạn cảnh”, người hướng dẫn giải thích.
Bơi xuồng vào vương quốc của đàn cò trắng
Rời đài gác, tác ráng lại đưa đoàn khách đến khu vực của hơn 30.000 con dơi quạ. Lũ dơi rất nhát người. Nghe tiếng máy nổ từ xa, hàng loạt cánh dơi buông mình tung cánh giữa bầu trời xanh như ong vỡ tổ.
Hành trình của chúng tôi được tiếp tục tham quan khu bảo vệ nghiêm ngặt ở khoảnh 6A, tiểu khu 7, là đại bản doanh của loài điêng điểng, đi bằng xuồng ba lá.
Đây là khu vực còn rất hoang sơ, không có lối đi riêng biệt. Những người bơi xuồng phải dùng cánh tay lực lưỡng đẩy xuồng qua những giề cỏ tranh dày. Sau hơn một giờ vật lộn với cung đường đầy gian khó, đã nghe tiếng kêu inh ỏi của loài điêng điểng mỗi lúc càng gần.
Người bơi xuồng nhắc nhở: “Sắp tới khu sinh sống của chúng rồi, mấy anh cẩn thận máy móc và phải đội nón để ngừa “ kẻ địch” … bỏ bom (loài điêng điểng thường thả phân và thức ăn từ trên ngọn cây xuống gốc – PV). Chim này dạn lắm, chúng không sợ con người”.
Trước mắt chúng tôi là cả khu rừng tràm đặc sệt những con điêng điểng. Trên mỗi cây tràm hơn 20 năm tuổi có đến hơn chục chú chim to tướng. Theo tính toán của anh Ngời, trên diện tích 3 ha này có khoảng 250.000 con.
Cả một chòm cây đặc sệt tổ và chim điêng điểng
Một gia đình chim điêng điểng
“Điêng điểng là loài chim quý hiếm, trọng lượng cơ thể trưởng thành có thể đạt từ 3-5kg/con. Chúng sinh sống quanh năm ở rừng tràm Trà Sư nhưng có thể bay đi kiếm ăn hàng trăm km và quay về trong ngày”.
Quan sát trên mỗi cây tràm chúng tôi nhận thấy có 2 tầng tổ. Ở những nhánh cây dưới thắp là khu vực của những chú điêng điểng non, lông màu trắng đen, cổ ngắn nhưng trọng lượng vẫn từ hơn 1kg/con.
Trên ngọn cây là khu vực của chim trưởng thành, toàn thân lông đen, cổ rất dài. Chúng thường xuyên di chuyển từ cành này sang cành khác và lao mình xuống nước bắt cá cho lũ chim con ăn.
Rừng tràm Trà Sư một màu xanh biếc
Đến đây du khách thật sự không muốn rời chân, như lạc giữa thiên đường đầy thơ mộng với chim ca múa hót và không khí trong lành của tán rừng xanh biếc một màu.
Sau buổi sáng khám phá thú vị và hấp dẫn, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản đồng quê tại các láng trại giữa rừng. Đó là các món cá rô đồng kho tộ, nấu canh chua rau muống đồng; cá lóc đồng nướng trui rơm … rồi nghỉ ngơi thư giãn lấy lại sức, kết thúc hành trình.
Nơi đây quả thật là khu nghỉ dưỡng, tham quan lý tưởng với những ai muốn tìm về với thiên nhiên sau những ngày dài căng thẳng, ồn ào ở chốn phồn hoa đô thị.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com