Một quán phở nằm ven biển ở thành phố Kep. Ảnh: Lâm Văn Sơn |
Sau khi làm thủ tục cửa khẩu Xà Xía, tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) giáp với cửa khẩu Prek Chak của Campuchia, chúng tôi khởi hành đi tỉnh Kep. Đây là một trong bốn tỉnh duyên hải của Campuchia (Kokong, Kampot, Kep, Sihanoukville) bên bờ vịnh Thái Lan.
Kep nằm cách thủ đô Phnom Penh chừng 173km theo quốc lộ số 3 về phía tây nam, cách Hà Tiên (Việt Nam) khoảng 20km. Dọc đường đến Kep có nhiều ruộng muối, nhiều kho chứa muối dọc theo quốc lộ. Có nhiều doanh nghiệp khai thác muối với diện tích sản xuất lên đến 422 ngàn hecta, đạt sản lượng hàng năm khoảng 900 ngàn tấn, thay vì phải nhập khẩu muối từ Việt Nam ở những năm trước 1960.
Bãi biển ở Kep dài sạch và thoai thoải. Cát pha lẫn nhiều phù sa nên không trắng nhưng cũng không đến nỗi đen. Vùng biển này có nhiều cua, ghẹ và các loại hải sản cung cấp cho một vùng rộng lớn trong đất liền.
Thành phố Kep được đặt tên theo tiếng Pháp là Le Cap - nghĩa là mũi đất nhô ra biển - xây dựng từ năm 1908 thời Pháp thuộc, sau thập niên 1960 hình thành nhiểu khu resort ven biển. Trong thời kỳ Khmer đỏ, các công trình xây dựng, resort của người Pháp ở thành phố Kep bị phá hủy rất nhiều, nhưng vẫn không mất hẳn dấu vết thời kỳ vàng son của thành phố biển xinh đẹp ngày nào. Đó đây, chúng tôi thấy còn những biểu tượng, bảng hiệu và kiến trúc từ thời Pháp còn sót lại.
Ná ná như đoạn bãi Dứa ở Vũng Tàu trước đây. Nhiều resort cặp triền núi và chỗ ngồi nghỉ sau khi tắm biển mọc lên với nhiều dáng dấp xinh xắn bằng rơm, lá dọc theo biển. Khung cảnh thật yên bình, nhẹ nhàng. Chúng tôi đi vào cuối năm nên không khí mát mẻ, dễ chịu. Người dân ở đây bán hàng mỹ nghệ làm từ ốc biển, bán các loại thức ăn, bánh địa phương. Nhiều nhất là các cô gái, phụ nữ mang bánh lá đi bán rong. Chúng tôi bắt gặp một quán phở Việt Nam nằm trong một dãy phố bình dị ở ngay bãi biển. Có nhiều khách du lịch châu Âu đi lẻ cùng gia đình đến đây nghỉ dưỡng.
Một khu resort nằm trên sườn núi ven biển ở tỉnh Kep. Ảnh: Lâm Văn Sơn |
Cũng như nhiều thành phố trong vùng Đông Nam Á, chúng tôi nhìn thấy nhiều biểu tượng của thành phố ở nội ô cũng như ở các cửa ngõ ra vào thành phố Kep. Xa xa là tượng thiếu nữ khỏa thân đang ngồi ngắm biển; biểu tượng con ghẹ đặc trưng của tỉnh Kep; tượng thần cầm nỏ... Dọc theo con đường ra vào thành phố là tượng đôi trai gái đang gánh muối với ý nghĩa tôn vinh giá trị đặc sản địa phương.
Chùa Samot Reangsey là điểm đến không thể bỏ qua khi tham quan thành phố Kep. Chùa nằm ngay ở làng Kep, xã Kep chỉ cách hai cây số từ trung tâm thành phố. Đây cũng là điểm văn hóa có kiến trúc đặc trưng chùa Campuchia độc đáo. Kep còn có đảo “Con thỏ” cách thành phố khoảng 30 phút đi tàu. Đảo này có bãi tắm đẹp, du khách có thể bơi lội và lặn biển trong vùng nước biển ấm.
Rời Kep, chúng tôi tiếp tục đi tỉnh Kampot cách thành phố Kep khoảng 25km về phía tây và cách Phnom Penh 148km về phía tây nam. Con đường nối hai thành phố tỉnh lỵ tỉnh Kep và tỉnh Kampot chạy giữa khu rừng đước và đá đen xen kẽ.
Tỉnh lỵ Kampot là một thành phố cổ nhỏ nằm bên bờ sông Teuk Chhou, hiện còn giữ được nhiều di tích kiến trúc từ thời Pháp thuộc có tuổi thọ trên 100 năm. Vịnh Prek Kampong hay là con sông của vịnh Kampong phân chia tỉnh Kampot thành hai phần và được nối liền nhau bởi một chiếc cầu Kampot với dáng xưa cổ kính và một chiếc cầu khác mới vừa hoàn thành được đặt tên là Vịnh Kampong.
Hoàng hôn trên sông Prek Kampong. Ảnh: Lâm Văn Sơn |
Người dân Kampot sinh sống chủ yếu là làm ruộng, trồng sầu riêng, các loại trái cây khác, trồng tiêu và khai thác muối. Cảnh quan ở đây còn hoang sơ và yên bình. Chúng tôi hoàn toàn không nghe một tiếng ồn nào từ xe cộ đến con người. Tiêu ở Kampot cũng nổi tiếng về chất lượng. Tiêu được trồng nhiều ở huyện Kampong Trach, khỏang 36km về phía bắc tỉnh Kampot. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì nếu nghỉ ngơi ở khu trồng tiêu sẽ điều trị tốt căn bệnh cảm cúm.
Hướng dẫn viên địa phương còn cho biết là ở Kampot còn có vườn quốc gia Bokor nơi có nhiều loài động vật hoang dã như cọp, gấu, chim mỏ sừng, voi, bò rừng… cũng đang thu hút khách du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm. Du khách có thể đến tỉnh Kampot bằng đường biển cặp theo bờ biển, hoặc bằng đường hàng không đến sân bay Sihanoukville và dễ dàng nhất là bằng đường bộ từ Việt Nam hay Phnôm Pênh.
Một người dân địa phương nói rằng, từ năm 1920 người Pháp đã cho xây dựng nhà thờ, bệnh viện, trường học và các khách sạn sang trọng trên vùng núi ở tỉnh Kampot thành vùng đô thị nghỉ mát, tránh cái nóng bỏng rát vào mùa hè nhiệt đới; nhưng nơi đó đã bị bỏ hoang phế từ lâu. Chính quyền địa phương giờ đây đang có kế hoạch phục hồi lại như cũ.
Chúng tôi đi dọc theo con suối Teuk Chhou khoảng 12km cách tỉnh Kampot. Teuk Chhou theo tiếng Campuchia là dòng nước chảy - "Teuk" có nghĩa là nước, "Chhou" là chảy. Con suối rộng, kéo dài tạo thành những mảng rừng và cây xanh hai bên suối nên cảnh quan luôn tươi mát và là điểm lý tưởng để thu hút khách du lịch. Đây cũng là một điểm du lịch nghỉ ngơi, khám phá của tỉnh Kampot vào mùa nóng. Dọc theo suối là hàng quán và là điểm nghỉ chân cho du khách sau khi tắm suối.
Suối Teuk Chhou ở tỉnh Kampot. Ảnh: Lâm Văn Sơn |
Đặc sản trái cây chính của tỉnh Kampot là sầu riêng và dưa hấu. Du khách sẽ nhìn thấy biểu tượng trái sầu riêng trên con đường khi đi vào thành phố. Sầu riêng tỉnh Kampot thơm ngon và vì vậy loại trái cây này ở Campuchia được gọi là vua của các loại trái cây có ở Campuchia và hiện đang được xuất khẩu.
Hiện có rất nhiều khu resort lớn như Teuk Chhou, Preak Ampil, Bokor… đã được xây dựng tại tỉnh Kampot nói lên yếu tố phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng tại đây. Ngoài ra tỉnh Kampot còn có sở thú Teuk Chhou, cách khoảng 12km về phía đông bắc thành phố. Cũng như ở Kep, các cửa ngõ ra vào thành phố Kampot cũng đặt các biểu tượng văn hoá của tỉnh. Tượng bạch mã đặt ở vòng xoay nhắc lại sự tích chú ngựa trắng đã cứu hoàng tử Campuchia.
Ngày càng nhiều sản phẩm du lịch mới xuất hiện ở mọi nơi. Thế nhưng những điểm du lịch nào vẫn còn giữ được nét hoang sơ, giữ được môi trường văn hóa, sinh thái tốt đẹp thì dù có khó khăn để đi đến đó, khách du lịch vẫn muốn tìm đến để thưởng ngoạn như vùng biển tây nam Campuchia hiện nay.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com