Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hà Nội được quy hoạch theo kiểu phương Tây từ khi nào?

Khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, họ bắt đầu quy hoạch thành phố này nhằm phục vụ cho mục đích bình định của mình. Nhiều kiểu kiến trúc thuần Pháp được mang sang Hà Nội và người dân có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh một đô thị Pháp giữa lòng Thăng Long cổ kính.

Pháp quy hoạch Hà Nội để "bình định"

Cũng có người lầm tưởng rằng Thăng Long bắt đầu có quy hoạch phát triển ngay từ thế kỷ 16 khi người Bồ Đào Nha đến Việt Nam. Thực ra, bắt đầu từ thế kỷ 17 mới có những mối quan hệ trực tiếp (thời chúa Trịnh) do các nhà truyền giáo thuộc Thiên chúa giáo.

Phố Tràng Tiền xưa.
Phố Tràng Tiền xưa.

Tiếp đó, là các nhà buôn của Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, và cả Bồ Đào Nha nữa, trong đó, Hà Lan và Pháp là những người Châu Âu đầu tiên được phép mở thương điếm ở Kẻ Chợ (Thăng Long). Tuy nhiên những công trình ban đầu này cũng chỉ là tạm bợ, chúng không có vai trò gì trong kiến trúc Thăng Long, bởi có rào cản lớn là chính sách bế quan tỏa cảng của chúa Trịnh (1700).

Mãi đến thế kỷ 19, khi thực dân Pháp tìm cách xâm chiếm Việt Nam lâu dài, lấn dần từng bước trong việc thực hiện sự cai trị tại đây thì Hà Nội mới nằm trong kế hoạch bình định và khai thác. Mặt khác, thực dân Pháp cũng nhận thức được tầm quan trọng của Hà nội về mặt ví trí địa lý, trung tâm chính trị truyền thống..., do đó, họ bắt đầu áp dụng các biện pháp can thiệp sâu bằng quy hoạch và xây dựng cần thiết.

Ban đầu là việc triển khai xây dựng các công trình quân sự, rồi mới đến các cửa hàng phục vụ buôn bán và dịch vụ ở phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền),  ở Rue des Inscrusteurs (nay là Hàng Khay) và chợ Đồng Xuân. Việc phát triển đô thị đầu tiên thể hiện ở giải pháp mở rộng và liên kết các điểm xây dựng phân tán, đồng thời bước đầu xây dựng đường sắt để liên hệ với bên ngoài. Tất nhiên việc mở rộng hệ thống giao thông, trước tiên nhằm mục đích phục vụ quân sự, rồi mới đến khai thác các nguồn lợi kinh tế.

Hoàng thành là mục tiêu chiếm đóng đầu tiên của thực dân Pháp. Họ nhanh chóng phá hủy toàn bộ hệ thống tường thành của công trình này và những gì có liên quan đến trung tâm hành chính và kinh tế của phong kiến Việt Nam xưa.

Hình ảnh đô thị Pháp trong lòng Hà Nội

Thực dân Pháp không phá bỏ tất cả những gì là xưa cũ. Họ sớm nhận thấy vai trò của khu vực 36 phố phường Hà Nội xưa, do nhận thức được rằng đây là một trung tâm buôn bán có truyền thống lâu đời và vẫn còn khai thác được các nguồn lợi qua việc thu thuế các loại. Để thực hiện mưu toan cai trị đắc lực của mình, thực dân Pháp nhanh chóng triển khai việc xây dựng các công trình tôn giáo như nhà thờ và trường dòng.

Trong giai đoạn đầu, việc xây dựng Hà Nội của thực dân Pháp mới chỉ dựa trên các yêu cầu thực tế, chưa tính kể đến phát triển lâu dài. Bởi vậy các kiến trúc ban đầu này mang tinh thần của chủ nghĩa công năng, phản ánh chính sách kinh tế thực dân trong buổi sơ khai. Tuy nhiên, chúng cũng thể hiện rõ ý đồ chiến lược của thực dân Pháp là ban đầu chốt lại những điểm quan trọng, sau đó từng bước mới mở rộng, liên kết các điểm phân tán và làm chủ toàn bộ đô thị.

Quy hoạch ban đầu của Pháp tại đây cũng thấy rõ ý đồ từ những hạt nhân đã chiếm được mà phát triển ra xung quanh. Rõ ràng nhất là hệ thống đường phố được quy hoạch theo mạng lưới ô cờ, bước đầu trang bị hệ thống kỹ thuật hạ tầng kiểu Tây phương. Có đường giao thông rồi, tất phải tăng cường các phương tiện giao thông, và chính những xe cơ giới đầu tiên này đã thúc đẩy quá trình phát triển, mở rộng thành phố.

Dần dà, hình ảnh quy hoạch thành phố Hà Nội cũng hiện lên với những khu vực có chức năng riêng biệt. Đó là các khu buôn bán, dịch vụ trên trục đường phố Tràng Tiền - Hàng Khay, rồi khu hành chính ở phía đông hồ Hoàn Kiếm và ngay tại khu Hoàng thành cũ, rồi khu ở của người Pháp ở phía nam hồ Hoàn Kiếm. Đó là chưa kể đến một số nhà máy và kho tàng ở rải rác nhiều nơi trong thành phố. Tất nhiên, khi 36 phố phường vẫn được bảo tồn là khu thương mại và dịch vụ truyền thống.

Có một điều dễ nhận ra là, các công trình được xây dựng trong giai đoạn này, dù là dân sự hay quân sự, dù là cửa hàng hay nhà ở cũng mang sắc thái kiến trúc thuần Pháp, cụ thể hơn là theo tân cổ điển hoặc địa phương Pháp.

Ban đầu, do đặc điểm khí hậu địa phương của Hà Nội và đặc điểm văn hóa chưa có điều kiện để quan tâm, nên công trình vẫn phản ánh nguyên xi các kiểu mang từ Pháp sang, hoặc nếu thiết kế tại chỗ thì do chính các kỹ sư, kiến trúc sư Pháp thực hiện, theo phong cách Pháp. Đặc biệt, người dân Việt Nam có thể thấy hình ảnh của một đô thị Pháp khi đi qua khu phố mới được xây dựng dành riêng cho người Pháp ngay trên đất Thăng Long cổ kính của mình.

(Theo bee.net.vn )

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Những chiều xuân rực rỡ
  • Mênh mông sông nước miền Tây
  • Rừng Cúc Phương
  • Về vùng cao ăn tết với thịt nướng, cơm lam
  • Chơi đảo
  • “Hoành tráng” trảng cỏ Bù Lạch
  • Mai vàng Sài Gòn khoe sắc
  • Châu Đốc những ngày rực rỡ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com