Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hà Tiên đệ nhất miền Tây

Thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) được hình thành cách đây trên 300 năm mà tên tuổi của nó được gắn liền với dòng họ Mạc (Mạc Cửu). Hà Tiên là nơi hội tụ của những danh lam thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ. Nếu đi từ Rạch Giá xuống Hà Tiên, du khách sẽ đi qua hàng chục cảnh đẹp. Đúng là thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Tiên một vùng biển, núi tuyệt vời giữa chốn địa đầu biên giới Tây Nam với hơn 8.000ha phố biển và 20 cây số bãi bờ thơ mộng. Hà Tiên có đủ sông, núi, biển, đảo, hang động, đồng bằng với nhiều danh lam thắng cảnh mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử.

Từ trung tâm Hà Tiên chạy quanh co chân núi Đèn có bờ biển tuyệt đẹp, nối liền đến tận khu du lịch Mũi Nai. Đi trên con đường này chẳng khác nào đi qua khúc eo Mũi Né của miền Trung. Trên đỉnh núi có ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi vẫn đỏ đèn hằng đêm dẫn đường cho tàu về bến. Con đường mới này nối liền với bãi tắm Mũi Nai. Bãi tắm này không sâu, cát mịn, nâu, nước biển trong xanh, rất sạch và sóng êm, đã được quy hoạch thật sạch đẹp với rất đông du khách đang vui đùa trong làn nước trong lành. Từ Mũi Nai ra xa bờ chừng vài trăm mét có rất nhiều đảo nhỏ, đảo lớn của quần đảo Bình Trị và Hải Tặc. Hai quần đảo này cũng là nơi du lịch lý tưởng trong tuyến du lịch biển đảo. Từ ngoài biển nhìn vào, mũi đất này giống hệt cái đầu của một chú nai chà nằm nghểnh ra biển.

Nằm sát Quốc lộ 17, cách trung tâm Hà Tiên ngược theo hướng Tây Bắc khoảng 3km, du khách sẽ thấy một tảng đá xanh khồng lồ mọc trơ trọi giữa cánh đồng lúa xã Mỹ Đức, trông tựa hình ảnh của một chiếc mũ lông kỵ binh - đó chính là Thạch Động, còn gọi là "Thạch Động Thôn Vân". Lúc sáng tinh mơ, những tảng mây trắng xốp nhẹ như bông là là bay qua đỉnh động rồi bị cản, mây dừng lại rồi từ từ tỏa quanh cửa động gây ấn tượng như miệng động đang nuốt mây. Hang khá rộng, những giọt nước mưa theo tháng năm xâm thực đá, len lách chảy xuống hang hòa tan với chất vôi tạo những thạch nhũ rất độc đáo, trong như ngọc, vài hang có loại đá sa kim (là một loại tràng thạch Felspath) óng ánh vàng rất đẹp. Thạch nhũ trong lòng hang tạo ra muôn hình vạn trạng theo trí tưởng tượng của mọi người: công chúa Quỳnh Nga mặc áo dài xanh, Phật Bà Quan Âm mặc áo trắng, con đại bàng... Từ cửa hang thông ra ngoài của Thạch Động, ta có thể nhìn thấy cửa khẩu biên giới Việt Nam-Campuchia. Trong lòng động có nhiều hang ăn thông lên trời hoặc xuống đất. Có một hang ăn sâu xuống lòng đất được truyền tụng là đường xuống âm phủ. Nay hang này đã được lấp lại để tránh tai nạn cho du khách. Các tảng đá nứt chồng lên nhau, tưởng một ngọn gió có thể làm đổ được nhưng ngàn năm nay Thạch Động vẫn trơ gan cùng gió bão.

Chùa Hang (Hải Sơn Tự) nằm hẳn trong một núi đá thâm u, mờ ảo, sâu trong ngọn cao chót vót, vách dựng đứng, sừng sững như một hải vọng đài, chân núi sát biển, quanh năm được sóng biển vỗ về. Trước sân chùa hang thờ Phật Di Lặc được tạc bằng đá non nước nặng tới 22 tấn. Có nhiều cây cổ thụ đứng ở lưng chừng núi, rủ xuống không gian những chùm rễ dài lơ lửng. Cửa chùa quay vào trong đất liền, trong ánh sáng lờ mờ, có thể nhìn thấy những thạch nhũ chảy từ trên trần xuống đóng cứng lại to như cột nhà, khi gõ vào thân thạch nhũ thì nó ngân lên như tiếng chuông chùa. Chính điện chùa Hang nằm gọn trong lòng núi với một động đá vôi hai cửa chạy thẳng theo trục Đông Bắc - Tây Nam dài hơn 50m, từ chính điện có đường hang thông ra bờ biển, chỗ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3 - 4 người đi lọt. Đi hơn 10 phút theo lòng hang ngoằn ngoèo trong ruột núi, bạn sẽ "nghe" những ngọn gió từ biển thổi vào mát rượi, tiếp đó là một khoảng sáng lòa ra trước mặt. Tiếp tục đi thẳng khoảng 60m sẽ nhìn thấy hòn Phụ Tử. Bước xuống bờ cát mịn, khách sẽ được hòa mình trong nắng, gió của biển khơi. Hằng năm, chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng kéo dài từ ngày mùng 8 đến ngày 15/4 âm lịch. Truyền thuyết kể rằng: Công chúa Ngọc Tuyền là em gái chúa Nguyễn Ánh đã mất tại đây. Để tưởng nhớ người em gái mình, Nguyễn Ánh cho xây chùa trong hang núi để thờ phụng nên gọi là chùa Hang. Căn cứ vào diêm hào và vỏ các loài nhuyễn thể còn bám dính trên các khe đá, các nhà khoa học đã phỏng đoán, vài vạn năm trước, núi chùa Hang nằm dưới mực nước biển.

Từ chùa Hang, khách có thể ra thăm hòn Phụ Tử bằng tàu du lịch. Trước đây, hòn Phụ Tử là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả. Hòn lớn cao chừng 33,6m, được hình dung là cha và khối đá nhỏ hơn chừng 32,9m là con. Hai khối đá nối với nhau bằng một về đá cao hơn mặt nước biển khoảng 5m. Sự kiện hòn Phụ Tử bị đổ ngày 9/8/2006 đã làm biến đổi một trong những thắng cảnh quốc gia nổi tiếng ở phía Nam và là biểu tượng của du lịch Kiên Giang, có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động du lịch khu vực này. Hai bên hòn Phụ Tử là hai đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển. Nhìn ra xa, khách sẽ thấy nhiều đảo xanh nhấp nhô trên biển bạc, bao la ngút tận chân trời. Núi Phụ Tử và chùa Hang tạo thành cái eo biển nhỏ ghe tàu đi lại dễ dàng để vào neo đậu. Nước biển xanh ngắt.

Hà Tiên nối liền Đông Hồ bằng chiếc cầu phao.

Hà Tiên có nhiều bãi biển cát trắng mịn màng nằm giữa hai màu xanh, nước biển xanh lơ và hàng cây hai bên rì rầm trong gió biển, lòng bãi không có đá ngầm rất quyến rũ du khách: Bãi Nô, Bãi Dương, Bãi Dầu, Bãi Bằng. Cách thị xã Hà Tiên 10km, một điểm nghỉ mát thuận lợi với hai bãi cát rất đẹp là bãi Hòn Heo và bãi Ớt. Ở đây cát vàng mịn, mặt nước trong xanh, cảnh vật yên tĩnh, dãy núi bãi Ớt nhô hẳn ra ngoài khơi tạo thành bức bình phong khổng lồ. Vào mùa biển động, cả vùng biển xung quanh nơi nào cũng cuộn sóng, chỉ riêng vùng biển bãi Ớt là sóng yên gió lặng.

Cảnh đẹp Đông Hồ nằm về phía Đông thị xã Hà Tiên dài khoảng 3km, rộng gần 2km. Phía hữu ngạn có núi Ngũ Hổ, phía tả ngạn là dãy núi Tô Châu sừng sững, phía Đông có sông Giang Thành và phía Tây có sông Hà Tiên đoạn dẫn ra biển. Một hồ nước phẳng lặng giữa bốn bề là sông núi đã tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng. Leo lên Pháo Đài nhìn qua dãy núi Tô Châu và đầm Đông Hồ mới thấy hết nét hùng vĩ và vẻ đẹp hữu tình của một vùng sinh thái đặc thù mà UNESCO đã đề nghị đưa Đông Hồ vào khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra, Hà Tiên có nhiều lăng tẩm, tiêu biểu lăng mộ Mạc Cửu được đặt đúng theo thuật phong thổ, tiền án là núi Tô Châu, hậu chẩm là núi Bình Sơn, trước lăng có dòng lưu thủy đó là Đông Hồ, phía tả là núi Bát Giác, phía hữu là núi Pháo Đài có tên chữ là Đại Kim Dự. Mặt lăng mộ quay về hướng Đông, lưng tựa núi hai bên có thế tì. Khu mộ rất kiên cố nên dù đã gần 300 năm nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, các bia mộ bằng đá vẫn còn nguyên vẹn. Đi vòng theo chân núi Bình Sơn là đền thờ và lăng mộ dòng họ Mạc, chùa Phù Dung...

Từ xa xưa, Hà Tiên đã là một bức tranh lụa thiên nhiên, là nơi hội tụ của các nàng tiên trong truyền thuyết. Ngày nay, trong xu thế phát triển du lịch toàn cầu và chương trình nâng cấp các khu du lịch, Hà Tiên - Kiên Lương sẽ trở thành những khu nghỉ mát lý tưởng, vùng du lịch sinh thái biển "đệ nhất miền Tây" vì nó đã hội đủ 3 điều kiện: sinh thái tự nhiên, nền kinh tế đặc thù và tính nhân văn đa dạng.

(Theo Phương Nghi // Sức khỏe & Đời sống)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Đà Lạt - chốn nghỉ dưỡng trữ tình
  • Viên ngọc bích giữa biển khơi
  • Lãng mạn đồi cát Nam Cương
  • Thăm chùa lớn nhất Việt Nam
  • Làng cổ Nghi Tàm: Lưu giữ nét văn hóa Thăng Long
  • Sông nước Cần Thơ, thành Tây quyến rũ
  • Tam Đảo - Thị trấn trong mây
  • Thăm Yên Tử - Danh sơn đất Việt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com