Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên (Hoa Lư). Nơi đây in dấu tích về thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc vào thế kỷ thứ X, gắn liền với công lao to lớn của Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và Lý Công Uẩn.

Hành hương về nguồn, du khách sẽ được khám phá những giá trị truyền thống, lịch sử, những câu chuyện mang đậm yếu tố văn hoá, từ đó càng thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 400 ha, gồm hệ thống đền, cung điện, triều nghi, thành, hào và các hạng mục di tích như núi Mã Yên, núi Cột Cờ, chùa nhất Trụ, chùa Đìa, chùa Tháp, chùa Bà Ngô, động Am Tiên....

Nghìn năm trôi qua, nhưng kinh đô Hoa Lư vẫn mãi trường tồn cùng thời gian, đi sâu vào tâm thức người dân Việt về những mốc son chói lọi khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên, lập nên nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên, lên ngôi Hoàng đế năm 968, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng là người có công mở đầu, khai phá và đặt nền móng cho kinh đô Hoa Lư, được mệnh danh là ông tổ phục hưng thống nhất Quốc gia.

Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi vua lấy niên hiệu là Thiên Phúc, lập nên triều đại mới – Triều Tiền Lê. Lê Hoàn (Lê Đại Hành) là người chiến đấu, bảo vệ kinh đô xưa, bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, kinh đô Hoa Lư lại ghi nhận sự ra đời của 1 vương triều mới nữa, đó là nhà Lý. Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) có tầm nhìn nhìn xa, trông rộng, đến tháng 7 năm Canh Tuất đã quyết định rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, từ đó kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô.

Trong quần thể khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, di tích còn để lại, vừa đẹp, đặc sắc trong lối kiến trúc, vừa có ý nghĩa nhất là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Đền được xây dựng tại chính điện kinh đô Hoa Lư ngày xưa theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 3 toà: Bái Đường (thờ công đồng), Thiêu Hương (thờ các quan), Chính Cung.

Ở giữa Chính Cung là tượng Đinh Tiên Hoàng, bên trái là tượng Đinh Liễn (con cả của vua), bên phải là tượng Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn. Tại Đền thờ Vua Đinh, nghệ thuật chạm khắc thể hiện độc đáo trên chất liệu gỗ, đá ở những bức diềm gỗ trên hiên Bái Đường, các xà gỗ ở Thiêu Hương, trên các ngưỡng cửa đá, những tảng đá cổ bồng, long sàng ( bằng đá xanh nguyên khối dài 1,8m, rộng 1,4m, cao 0,95 m, nặng khoảng 20 tấn).

Cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300m về phía Bắc là Đền thờ vua Lê Đại Hành, cũng được xây dựng trên nền cung điện Kinh đô Hoa Lư xưa, có 3 toà: Bái Đường, Thiêu Hương, Chính Cung, nhưng được xây dựng theo kiến trúc, điêu khắc thời Hậu Lê, nhiều bức Đại Tự sơn son thiếp vàng, mảng trạm khắc gỗ điêu luyện. Chính Cung của Đền đặt tượng vua Lê Đại Hành, tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga và tượng Lê Long Đĩnh (con thứ 5 của vua Lê Đại Hành và là đời vua thứ 3 của nhà Tiền Lê).

(Theo Thanh Thủy // Báo Ninh Bình Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Viếng chùa Cổ Thạch
  • Về Thoại Sơn huyền thoại
  • Thăm “đỉnh trời”
  • Non nước cố đô
  • Hải đăng Kê Gà ở Bình Thuận
  • Núi Bà Đen
  • Suối Mơ
  • Lễ hội Nguyên tiêu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com