Như thường lệ, cứ mỗi dịp xuân về, làng bánh tráng ở ấp 3, xóm Miễu, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, lại rộn ràng không khí làm hàng tết. "Tháng chạp là cả xóm vào thời vụ làm bánh tráng, cái nghề lấy công làm lời, cả năm nhờ được mấy bữa tết" - bà Hồ Thị Tho, 62 tuổi, có hơn 40 năm theo nghề làm bánh tráng cho biết.
Bình thường, cả xóm chỉ có khoảng gần chục lò bánh nổi lửa thường xuyên, nhưng đến tháng chạp âm lịch, mọi người đi làm ở khắp nơi lại tập trung về xóm, đắp lò tráng bánh bán tết. Đây cũng là thời điểm thu hoạch lúa mùa, loại lúa 6 tháng thu hoạch cho ra thứ gạo mới, dùng để tráng bánh rất ngon, khác hẳn những loại gạo ngắn ngày. Bánh tráng Thạnh Phú được nhiều nơi biết tiếng không những vì đây là loại bánh tráng làm hoàn toàn từ bột gạo theo cách làm thủ công truyền thống mà còn ở kỹ thuật tráng bánh, phơi bánh. Bánh phơi nắng tháng chạp là hợp nhất.
Khoảng 4 giờ sáng, người làm bánh đã phải thức dậy chuẩn bị mọi thứ và khoảng 5 giờ nổi lửa tráng bánh, đến tầm trưa là hoàn tất công việc, phơi nắng đến chiều là bán được. Anh chị Bảy Tấn, một trong những lò tráng bánh lâu đời ở đây, cho biết: "Ngày thường, lò bánh nhà tôi tráng khoảng 10kg gạo, cho ra khoảng 600 - 700 bánh là đủ bán, lò cũng chỉ nổi lửa nửa buổi là xong. Mùa tết, lượng gạo phải tăng gấp đôi mới đủ cung cấp cho thị trường. Những ngày giáp tết như vầy, nhà tôi ngày nào cũng phải nổi lửa tráng bánh suốt ngày mới đủ giao cho khách".
Được biết, những tháng khác trong năm, ở đây chỉ có khoảng 10 lò tráng bánh, nhưng một tháng trước tết, cả xóm tăng lên khoảng 20 lò, liên tục hoạt động. Một người tráng bánh lâu năm nhận định, hiện nay, nghề tráng bánh cũng ít nhiều bị mai một, chỉ một số hộ còn theo nghề, chứ trước đây xóm có bao nhiêu nóc nhà là có bấy nhiêu lò tráng bánh đỏ lửa thường xuyên. Không chỉ con gái xứ này giỏi làm bánh tráng, mà con gái xứ khác về làm dâu xóm Miễu cũng đều phải học nghề.
Bánh tráng Thạnh Phú được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, qua cả Bình Dương và T.P Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà Hồ Thị Tho cho biết, làm nghề bây giờ không được như thời trước, chỉ dựa vào lò bánh, nhiều gia đình có thể nuôi 4 - 5 người con ăn học nên người. Bây giờ, khu công nghiệp mọc ra nhiều, thanh niên đi làm công nhân hoặc đi làm tứ xứ, chứ ít ai chịu theo nghề vì làm bánh tráng gặp khó khăn về đầu ra. Lớn tuổi, vợ chồng bà Tho đã ngừng tráng bánh. Nhưng hễ tết về lại nhớ nghề ông bà lại nổi lửa, một người tráng, một người phơi.
Đây là nghề phải bỏ công làm lời, năm nay, chi phí mua nguyên liệu đốt lò tăng lên, giá gạo cũng nhỉnh hơn năm trước nhưng giá bánh bỏ mối không tăng, khoảng 26 - 27 ngàn đồng/trăm bánh, bán lẻ khoảng 30 ngàn/trăm bánh. Thời điểm cận tết, nhu cầu bánh lớn nhưng giá bánh bỏ mối cũng chỉ tăng lên vài ba ngàn/trăm. Theo chị Bảy, ngày 30 tết, nhu cầu tăng mạnh nên có lò tăng giá lên 45 - 50 ngàn/trăm bánh cho khách mua lẻ, tuy vậy giá bánh bỏ mối trong những ngày cận tết không mấy biến động để giữ chân khách hàng.
(Theo Báo Đồng Nai)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com