Từ Hà Giang chúng tôi qua Yên Bình (Yên Bái) rồi Bảo Yên (Lào Cai), trở ra quốc lộ 70 dài khoảng 126km. Quốc lộ 70 chạy song song với đường tàu hỏa từ Hà Nội đi Lào Cai. Cảnh vật trên đường từ Hà Giang đi Lào Cai khá đẹp; đồi núi thoai thoải, cây cối tươi xanh dần so với vùng cao nguyên đá Đồng Văn cằn cỗi. Thời tiết dễ chịu hơn. Các thành viên trong đoàn được dịp thưởng ngoạn cảnh quan lạ mắt. Đoạn đường từ Yên Bình qua Bảo Yên là cung đường hấp dẫn nhất, đây là vùng nguyên liệu gỗ để chế biến giấy. Một đoạn nữa là khu vực trồng cây quế. Rừng quế bạt ngàn, trồng dọc theo con đường trải dài vài chục cây số. Con đường từ Hà Giang qua Bảo Yên dẫn qua khu vực của người Nùng. Thỉnh thoảng lại thấy bà con phơi vỏ cây quế hai bên đường. Dọc theo con đường này chúng tôi bắt gặp nhiều ‘kọn nước’ với khung cảnh đẹp và hữu tình của vùng nông thôn. 'Kọn nước' là guồng máy vận hành dựa vào sức đẩy của dòng nước (sông, suối...) để múc nước rót vào mương dẫn tưới ruộng, vườn hoặc chuyển về bản làng. Trước đây, bà con nông dân ở miền Trung cũng dùng phương tiện này để dẫn nước vào ruộng và gọi đó là guồng xe nước. Nhà ở của người Nùng ở vùng này rất xinh xắn, dễ thương. Nhà lợp tranh, vách gỗ, thường được dựng cạnh ao cá. Quanh nhà có hàng rào bằng song gỗ. Nhìn xa xa, ẩn hiện trong sương mù xóm nhà cái thấp cái cao theo triền đồi đốc, thấp thoáng những thửa ruộng xanh mượt trông đẹp như những khu resort sinh thái. Giữa mỗi thửa ruộng, người ta dựng một cái giá cao bằng tre, dùng trong những ngày làm lễ xuống đồng, báo cáo với trời đất công việc làm đất gieo cấy đã hoàn tất và cầu cho mưa thuận gió hòa, thu hoạch sau vụ mùa được tốt. Lễ xuống đồng diễn ra vào đầu vụ mùa mới, sau tết Nguyên đán. Người dân tộc xem Giàng (trời) như là đấng tối thượng, cầu xin Giàng phù hộ cho công việc đồng áng được thuận lợi. Vì vậy, khi làm việc gì người dân tộc cũng làm lễ cáo với trời đất. Tuy là vùng đèo núi xa xôi nhưng các điểm dừng nghỉ chân, ăn uống dọc tuyến đường này cũng rất tốt. Chỗ ăn, uống sạch sẽ, cảnh trí nên thơ và quan trọng là các món ăn thường lạ miệng nhưng hấp dẫn đối với với khách du lịch. Đa số các món ăn dùng nguyên liệu từ tự nhiên như rau rừng, gà đồi, vịt suối… đậm đà hương vị ngọt ngào vùng quê. Điểm dừng ở Sapa - Tả Van Sau bữa cơm trưa, đoàn chúng tôi đi Lào Cai và đến thị trấn Sapa vào buổi chiều. Mưa lâm râm. Không khí se lạnh. Sương mù lãng đãng. Theo người H’Mông thì Sapa gọi là Sapả nghĩa là ‘bãi cát vàng’. Sapa cách thị xã Lào Cai 38km. Thường thì du khách đi Sapa bằng chuyến tàu đêm từ Hà Nội, đến Lào Cai vào sáng sớm, rồi tiếp tục đi Sapa bằng ô tô. Thị xã Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cách Hà Nội 376km và nằm trên độ cao 1.800 mét so mặt biển. Người dân tộc chủ yếu là H’Mông (53%), Dao đỏ (17%) và các dân tộc khác. Sapa là một địa danh nổi tiếng về du lịch, vừa là tên một thị trấn và một huyện của tỉnh Lào Cai. Khách quốc tế đến Sapa rất đông và vì vậy rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư lớn tại Sapa như tập đoàn Victoria, Violet, Royal, các tập đoàn khách sạn trong nước… Tại thị trấn Sapa có trung tâm cung cấp thông tin và giải quyết những khiếu nại cho khách du lịch. Trung tâm này cũng là nơi trưng bày, bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân tộc trong vùng, bảo tàng của Sapa, là nơi gắn kết doanh nghiệp với nhu cầu khách du lịch... Trước đây Sapa còn có tên khác do có một mạch nước phụt lên màu đỏ đục, nên người dân tộc ở vùng này còn gọi là "hùng hồ" (nghĩa là "suối đỏ"). Cái tên Sapa cũng từ cái tên của một người Pháp là Francoise de Chapa, người đã tìm ra Sapa năm 1903 lúc đó chỉ đi được bằng ngựa và đi bộ. Qua nghiên cứu về địa lý, khí hậu, thiên nhiên tại ‘hùng hồ’ hay ‘sapả’ với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan tuyệt đẹp, những biệt thự của người Pháp đã bắt đầu mọc lên và sau đó cũng giống như Đà Lạt là hàng trăm biệt thự đã được xây dựng. Sapa từ thời Pháp thuộc đã được xem như thủ phủ mùa hè của miền Bắc. Nhiệt độ trung bình của Sapa là 150C. Giống như thời tiết ở Bà Nà Núi Chúa (Đà Nẵng), một ngày Sapa có bốn mùa. Buổi sáng là mùa xuân không khí tươi mát, cảnh vật thật trong sáng và đẹp, buổi trưa là nắng nhẹ như mùa hè, chiều là mùa thu với mây nhiều và sương mù giăng phủ, cảm giác lành lạnh và rét vào đêm như mùa đông. Mùa đông là mùa thu hút khách du lịch đến Sapa để thưởng ngoạn hay đón tuyết rơi. Sapa gắn với Hoàng Liên Sơn, là dãy núi có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m, là đỉnh cao nhất Việt Nam. Tuyến du lịch leo núi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng là tuyến du lịch hấp dẫn nhất với chương trình từ 2 đến 4 ngày tùy nhu cầu của du khách. Chiều hôm sau, chúng tôi đến Tả van, một xã cách Sapa 12km, nơi tổ chức rất nhiều điểm lưu trú trong nhà dân địa phương (homestay) cho du khách quốc tế. Trong khung cảnh yên bình, nghỉ chân trong mái nhà người dân tộc Rái hiếu khách, ngồi nhâm nhi cốc rượu ngô, ngắm nhìn cảnh ruộng bậc thang dưới trời mưa rả rích ... thì cho dù là người hiếu động cách mấy cũng phải chùng xuống, bị căng thẳng lắm cũng sẽ thấy thư thái, buông mình mặc dòng thời gian trôi qua nhẹ nhàng. Do trận mưa lớn đêm hôm trước, mới sáng sớm lũ đã về. Dòng nước chảy cuồn cuộn đục ngầu. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy lũ ở vùng cao. Đôi khi tại Sapa không có mưa nhưng do lượng mưa lớn từ đầu nguồn cũng đủ làm lũ tràn về. Người địa phương thường quan sát sắc màu thay đổi của đất, nước, cây cỏ… từ kinh nghiệm sống mà họ đoán biết được thiên nhiên. Đêm cuối cùng, trên chuyến tàu từ Lào Cai về Hà Nội, tôi tình cờ gặp một nữ du khách quốc tịch Canada. Qua dăm ba câu thăm hỏi, bà cho biết là ‘chắc chắn’ bà sẽ quay lại Việt Nam. Câu nói sau cùng của người khách Canada ấy thốt ra tự nhiên - “I love Vietnam” - khiến cho một người đang làm việc trong ngành du lịch như tôi rất cảm kích, tự hào. Kết thúc bài ghi chép "Hành trình đông tây vùng Việt Bắc" theo cung đường từ Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang sang Lào Cai, kéo dài suốt 13 ngày đêm, người viết bài này xin ngỏ lời chân thành cảm ơn Công ty TNHH Con đường Tây Bắc đã hỗ trợ tổ chức chuyến khảo sát tuyến du lịch này. Chiều vùng ven thị trấn Sapa. Ảnh: Lâm Văn Sơn "Kọn nước" ở vùng Tây Bắc. Ảnh: Lâm Văn Sơn Khách du lịch lưu trú trong nhà và cùng trò chuyện, sinh hoạt với người dân địa phương là hình thức du lịch rất được ưa chuộng hiện nay ở vùng cao Việt Bắc. Ảnh: Lâm Văn Sơn Sau chuyến đi này, chứng kiến cảnh sống khó khăn gian khổ của người dân vùng núi xa xôi trên cung đường Đông Bắc, Lào Cai, các bạn cùng tham gia chuyến khảo sát này đã thống nhất là mỗi khi tổ chức tour tham quan vùng Tây Bắc và Đông Bắc sẽ vận động quyên góp chăn, vải, áo ấm,… những vật dụng thiết yếu cho vùng núi để khách du lịch làm quà tặng cho người dân và trẻ em trên tuyến tham quan. Đây là tuyến du lịch rất có ý nghĩa cho chương trình du lịch đóng góp.
(Theo Lâm Văn Sơn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com