Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lễ Cúng dừa ở Sóc Trăng

Bà con mua dừa đem vào chùa dâng cúng.

Năm nay, lễ Cúng dừa ở chùa Mahasal Thatmon (Sóc Trăng) diễn ra từ tối ngày 9-4 và sẽ kéo dài đến hết ngày 12-4-2009. Ngoài dân chúng địa phương, lễ Cúng dừa còn thu hút khách đến từ các tỉnh lân cận, nhiều nhất là khách Kiên Giang và cả khách từ Campuchia sang cúng viếng.

Hai bên con đường dẫn vào chùa Mahasal Thatmon tràn ngập hàng quán và các điểm giữ xe. Đằng sau khuôn viên chùa là sân khấu dành cho đoàn nghệ thuật dân gian Khmer biểu diễn dù kê, phục vụ thiện nam tín nữ tham dự lễ.

Bên cạnh đó, có rất nhiều gian hàng trò chơi thu hút các nam thanh nữ tú, các em nhỏ vui đùa... Trong chùa, các tăng đoàn địa phương lân cận được mời đến tụng kinh cầu an cho bá tánh. Tất cả diễn ra trong khí không vừa trang nghiêm vừa nhộn nhịp, vừa thiêng liêng vừa trần tục, kéo dài suốt đêm đến sáng.

Sóc Trăng là một trong số vài tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Cộng đồng Khmer Nam bộ gắn liền với Phật giáo Tiểu thừa, bên cạnh các ngôi chùa là họ có một nền văn hóa tâm linh nhiều màu sắc độc đáo.

Hằng năm, ngoài ba kỳ lễ tết lớn là Chôl Chnăm Thmây (tết mừng năm mới), Đôlta (tết ông bà), Ok Om Book (lễ cúng Trăng), họ còn có nhiều cuộc lễ khác như: dâng bông, làm phước, dâng y,... Lễ nào cũng rôm rả với đèn hoa, cờ phướn rộn ràng trên khắp các ngả đường trong phum sóc. Các lễ này đều được diễn ra ở tất cả các ngôi chùa Khmer ở địa phương, nhưng riêng lễ Cúng dừa chỉ diễn ra duy nhất tại chùa Mahasal Thatmon ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
 

Cổng chùa Mahasal Thatmon trong những ngày lễ Cúng dừa.

Lễ Cúng dừa có từ sự tích: Tại xã An Trạch, huyện Mỹ Tú xưa (nay là An Hiệp, huyện Châu Thành) tự nhiên nổi lên cái gò giống như chiếc cồng. Người ta bước chân qua, nghe có âm thanh như tiếng kim loại âm vang. Càng ngày, hiện tượng này càng nhỏ dần rồi biến mất. Người ta cho rằng đó là điều linh thiêng nên lập miếu thờ.

Hằng năm, cứ đến rằm tháng Hai, tính theo Phật lịch, dân làng tổ chức lễ cầu an ở miếu này, gọi đó là lễ Thác Côn. Trong tiếng Khmer, “thác côn” có nghĩa là “đạp cồng”, gợi lại sự tích tiếng cồng vang lên từ lòng đất theo bước chân người. Không hiểu sao, lễ vật dâng cúng trong lễ này lại là những chiếc bình bông làm bằng trái dừa tại miếu Thác Côn, nên có tên gọi là lễ Cúng dừa.


Theo một số người, cúng dừa là nhằm cầu xin Trời Phật ban cho sự ngọt ngào để công ăn việc làm thuận phát, con cháu hiếu thảo. Ngoài ra, bên cạnh dừa, người ta còn dâng cúng trầu cau, bông sen, nhang đèn... Đó là những vật phẩm đồng bào Khmer Nam bộ gọi là Slathođôl - biểu tượng cho sự thanh khiết và thiêng liêng. Hai bên cổng vào chùa có nhiều gian hàng bán nhang đèn, bông sen, đặc biệt là bình bông dừa. Một cặp bình bông dừa được bán với giá 15.000 đồng. Khách mua tấp nập. Ông Danh Pung, thủ quỹ chùa Mahasal Thatmon, cho biết năm nay dự kiến sẽ có khoảng vài chục ngàn lượt người đến dự lễ.

(Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU - Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Hương vị chợ quê...
  • Lên điểm cực bắc đất Việt
  • Thăm lại chiến khu D
  • Nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ðông Sơn
  • Thành phố “Bàn tay Đức Phật”
  • Đi chơi Thủ Dầu Một
  • 36 giờ ở Hà Nội
  • Ngày cuối tuần ở đồng quê
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com