Nằm cạnh trung tâm Khu du lịch Tam Cốc - Bích động là làng nghề thêu Văn Lâm (Ninh Hải- Hoa Lư). Không biết làng nghề thêu đã có từ bao giờ, nhưng theo người dân thì nghề thêu đã xuất hiện ở Văn Lâm cách đây hàng nghìn năm.
Văn Lâm là một thôn của xã Ninh Hải với 1.000 hộ và 3.000 nhân khẩu, hiện Văn Lâm có tới 100% số hộ và nhân khẩu làm nghề thêu. Từ các cháu nhỏ 7- 8 tuổi, đến các cụ già 70 - 80 tuổi đều có thể cầm kim thêu được. Tuy nhiên, người dân nơi đây ngoài làm nghề thêu còn sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Ông Lê Văn Thiêm, Trưởng thôn Văn Lâm cho biết: Sản phẩm của nghề thêu ở thôn có tới hàng nghìn mẫu mã các loại: ga trải giường, rèm cửa, khăn, đĩa, đồ trang trí nội thất...Đối với các hộ gia đình làm nghề đơn lẻ, họ làm ra sản phẩm đem bán cho khách du lịch hoặc mở kiốt bày bán. Đối với các doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thông qua các hợp đồng ký kết với các đối tác nước ngoài. Hiện tại thôn có 7 doanh nghiệp hoạt động nghề thêu. Các doanh nghiệp không chỉ mở xưởng sản xuất tại địa phương mà còn thông qua các hình thức hợp tác: gia công, tổ chức nhiều điểm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài huyện. Hướng đi này không chỉ nhằm đảm bảo tiến độ, thời gian, số lượng hàng cho khách mà còn giải quyết việc làm cho nhân dân các địa phương trong thời điểm nông nhàn. Trong năm 2007, nhiều doanh nghiệp thêu ăn nên làm ra, đạt doanh thu cao như: Doanh nghiệp Pataco đạt trên 3 tỷ đồng... Với các gia đình làm hàng đơn lẻ, thu từ nghề thêu cũng đạt khoảng 20.000 đồng/ người/ ngày... Tổng giá trị từ nghề thêu trong năm qua của thôn ước đạt trên 10 tỷ đồng.
Ông trưởng thôn cũng cho biết: Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm được tỉnh công nhận năm 2006. Tháng 11/2007 vừa qua Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng đã công nhận Văn Lâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước. Thôn cũng đã tổ chức đón rước danh hiệu cao quý này từ Hà Nội về và làm lễ công nhận nghệ nhân cho cụ Chu Văn Lượng, 84 tuổi; cụ Đinh Văn Uynh, 78 tuổi và tuyên dương 3 doanh nghiệp hoạt động tiêu biểu trong nghề thêu: Minh Trang, Pataco và An Lộc.
Ông Vũ Thanh Luân, 53 tuổi là một trong những người say mê, tâm huyết với nghề thêu cho rằng: Văn Lâm đang thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”, người dân Văn Lâm phát triển nghề thêu kết hợp với phục vụ du lịch ngay trên quê hương mình. Nằm ngay khu du lịch nổi tiếng với hàng vạn lượt khách đến tham quan, Văn Lâm có thể phát triển thành một làng nghề du lịch, tạo ra một loại hình du lịch làng nghề lý tưởng với các khu sản xuất, bán hàng có quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc tổ chức các ngày giỗ tổ, lễ hội đình làng, tôn vinh các nghệ nhân, các doanh nghiệp hoạt động trong nghề thêu... cũng là một trong nhiều hoạt động để duy trì và phát triển nghề và thu hút khách đến khu du lịch.
Theo ông Đinh Văn Uynh, 78 tuổi, một trong 2 nghệ nhân còn lại trong thôn thì: Lớp thanh niên trẻ hiện nay rất năng động, dám nghĩ dám làm và đã có khá nhiều người thành đạt từ nghề thêu. Họ đã đưa nghề thêu phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, mở rộng nghề đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh (Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn). chính họ đã đưa sản phẩm của nghề đến với nhiều bạn hàng nước ngoài. Song, số người có tay nghề làm ra những sảm phẩm tinh xảo, độc đáo đang ngày càng mai một dần.
Văn Lâm rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong việc nâng cấp làng nghề thành làng nghề du lịch, duy trì và phát triển nghề cả về quy mô và chất lượng sản phẩm... để làng nghề Văn Lâm luôn hấp dẫn du khách, phục vụ cho du lịch có hiệu quả hơn.
(Nguồn: Báo Ninh Bình)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com