Miệt mài bên khung vải, sợi chỉ, những người thợ từng giây từng phút vẽ lại bức họa sinh động của cuộc sống xung quanh trên khuôn vải. Những cánh bướm, cành hoa, phong cảnh đồng quê yên ả, bỗng chốc sáng bừng và trở nên bất tử…
Làng Quất Động thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, cách thủ đô Hà Nội 23 km về phía Nam. huyện Thường Tín vốn nổi tiếng là mảnh đất có nhiều nghề cổ truyền như: tiện, sơn mài, làm bánh dày, dệt tơ tằm, bông len, điêu khắc, mộc, kim khí... nhưng nổi bật và lâu đời nhất là nghề thêu ở làng Quất Động.
Cho đến nay, nghề thêu đã xuất hiện ở Quất Động được 500 năm với rất nhiều giai đoạn thăng trầm, hưng thịnh nhưng người dân vẫn luôn luôn gắn bó với nghề truyền thống. Nghề thêu ở Quất Động có từ giữa thế kỷ XV vào đời vua Lê Thánh Tông. Ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành, một viên quan thượng thư triều Lê, cũng là người trong làng. Sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, ông được vua Lê Thái Tổ cử làm người dẫn đầu đoàn đi sứ sang Trung Quốc. Trong thời gian này, bằng trí thông minh và óc sáng tạo, ông học được cách làm lọng và nghề thêu truyền thống rất đặc sắc của Trung Hoa. Sau khi về nước, ông đã đem những kiến thức mình học được dạy cho dân làng Quất Động về cách làm lọng, thêu thùa, pha từng đường kim mũi chỉ theo cách của người Bắc Kinh.
Ban đầu, làng thêu chủ yếu phục vụ cung đình và các nhà quyền quý, đền chùa và phường tuồng. Kỹ thuật thêu cũng đơn giản, dùng năm màu chỉ: vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Các loại hình thêu và kỹ thuật thêu lúc này còn thô sơ, đơn giản, chủ yếu là câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu càng tinh tế, khéo léo hơn với thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêu kim tuyến. Các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa như thêu long phụng, uyên ương hồ điệp... đã được đông đảo các tầng lớp quí tộc vua quan ưa chuộng. Không những thế, chúng còn theo chân các lái buôn sang biên giới các nước láng giềng như Lào, Thái Lan… như một sứ giả của văn hóa Việt Nam tại đất bạn.
Phát huy những tinh hoa trong hơn nửa thế kỷ tồn tại, ngày nay các nghệ nhân của làng đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, tàn lọng, cờ, biển, trướng, các loại trang phục sân khấu cổ truyền, các đồ gia dụng như chăn, ga, gối, nệm, khăn trải bàn, khăn ăn… đến các sản phẩm cao cấp như áo thêu, tranh thêu… những sản phẩm của Quất Động đều chứa chan tinh túy đất Việt, tạo nên vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế mà hiện đại thu hút rất nhiều khách hàng gần xa.
Thoạt nhìn, nghề thêu tưởng chừng đơn giản và nhàn hạ, không vất vả như công việc trên ruộng đồng nhưng quả thật, công việc của một thợ thêu không hề dễ dàng một chút nào. Bên cạnh các phẩm chất: cần cù, nhẫn nại, khéo léo, họ cần phải có sự tinh tế, một đôi mắt tinh tường, thẩm mỹ. Để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, họ phải tiến hành rất nhiều công đoạn: xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới tiến hành thêu, tỉa. Công phu hơn cả là công đoạn thêu các đường viền, đường lượn để sao cho các sợi chỉ quyện vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc đài hoa, chiếc lá luôn đều đặn.
Để thêu một cành hoa, một cánh bướm lượn, nhất là thêu một bức tranh, người thợ phải miệt mài hàng chục cho đến hàng trăm giờ bên khung thêu. Họ biết cách phối hợp màu sắc để cho những sinh vật trong tranh phải sống động như thật. Muốn như vậy, thì từ khi còn tấm bé người thợ phải học cách cầm kim, xỏ chỉ sao cho đúng, học cách đâm mũi kim sao cho nhỏ chân, kéo chỉ vừa độ căng, chân chỉ phải bằng và mềm mượt, màu sắc khi phối phải thật hài hòa. Còn đối với các bức tranh chân dung thì người cầm kim phải đạt đến trình độ nghệ nhân vì ngoài yếu tố kỹ thuật, người thợ còn cần tâm hồn nghệ sĩ để tạo nên sự kỳ diệu từ đôi bàn tay. Không chỉ vậy, họ còn có vốn hiểu biết về nghệ thuật hội hoạ và nhiếp ảnh để có thể tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ trong những bức chân dung của mình.
Ngày nay, các sản phẩm thêu của làng đã đi khắp năm châu bốn bể, góp phần tô điểm và phong phú thêm cho nền văn hóa Việt. Những tác phẩm tuyệt vời ấy còn giúp cho đời sống của người làng Quất Động thêm khấm khá và no đủ để họ yên tâm gìn giữ nghề truyền thống của tổ tiên. Hòa cùng dòng chảy của thời gian, những đường kim, mũi chỉ tinh hoa đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ dân làng Quất Động, để họ cùng nhau cất lên câu ca:
“Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Quất Động với anh thì về
Quất Động anh đã có nghề
Thêu gà thêu vịt, thêu huê trên cành
Thêu cả tranh sơn thủy hữu tình
Thêu cả tranh ảnh của mình của ta”.
(Theo Travel)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com