Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lên “nóc nhà” đồng bằng

Chùa Vạn Linh trên núi Cấm.

Với độ cao 705 m so với mực nước biển, núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) được xem là “nóc nhà” Đồng bằng sông Cửu Long. Thời tiết mát mẻ quanh năm, nơi đây thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

 

Về lại vùng du lịch Bảy Núi - An Giang vào những ngày này, du khách tấp nập đến vãn cảnh, chiêm bái. Có tên trong bảy ngọn núi của Thất Sơn - An Giang, núi Cấm thu hút nhiều du khách nhất bởi vẻ huyền bí và hoang sơ vốn có. Nhiệt độ ở đây mát mẻ quanh năm (trung bình 18-240C), núi Cấm được xem như một Đà Lạt giữa đồng bằng. Cây cối, hoa màu trên núi rất tốt, bán được giá cao vì chất lượng vượt trội so với nhiều nơi khác. Bởi thế, nhiều người dân ở đây không sống dựa vào du lịch mà chỉ làm rẫy, trồng vườn làm giàu...

 

Tượng Phật Di Lạc trên đỉnh núi Cấm.  

Chỉ mất khoảng 25 phút đi xe gắn máy do những người địa phương điều khiển, hoặc đi xe ô tô do Trung tâm Du lịch lữ hành An Giang tổ chức, du khách đã đặt chân lên được một đỉnh của núi Cấm. Tại đây, có một tượng Phật Di Lạc mới được xây dựng lớn nhất Việt Nam. Đứng cách đó 20 km, từ đồng bằng nhìn lên người ta vẫn thấy rõ tượng Phật uy nghi trên đỉnh núi. Tượng cao 33 m, rộng 30 m - tương đương một ngôi nhà 10 tầng đứng sừng sững trên đỉnh núi. Theo thiết kế, bên trong có thiết kế thang máy phục vụ khách tham quan, hai vai tượng có 2 dòng thác tuôn trào nước ngày đêm. Hiện nay, phần tượng Phật đã xây dựng xong. Phần nội thất bên trong tượng đang trong giai đoạn hoàn thành. Ngọn núi này gắn với du lịch tâm linh, nên việc xây dựng tượng Phật Di Lạc càng thu hút được nhiều du khách hơn. Đặc biệt, trong số này rất nhiều người đến đây không chỉ chiêm bái tín ngưỡng, mà còn để thỏa chí tò mò muốn tận mắt chứng kiến công trình kiến trúc kỳ vĩ này. Khu vực này, có 3 công trình kiến trúc tâm linh hấp dẫn du khách. Ngoài tượng Phật Di Lạc cao nhất Việt Nam, còn có 2 ngôi chùa Vạn Linh và Phật Lớn bao quanh hồ Thủy Liêm nước xanh biếc quanh năm. Hai ngôi chùa này hiện đang xây cất mới, theo kiến trúc đậm nét phương Đông. Du khách đến núi Cấm đều ghé lại đây để thỏa lòng tín ngưỡng và thưởng thức cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Vị trí này trông như một lòng chảo lớn được bao bọc xung quanh bằng những đỉnh của ngọn núi Cấm, mà người dân địa phương gọi là vồ, như: vồ Đầu, vồ Bò Hong, vồ Thiên Tuế... Trong đó, vồ Bồ Hong là đỉnh cao nhất của núi Cấm với độ cao 705 m so với mặt nước biển. Với độ cao này, núi Cấm được xem là “nóc nhà” của đồng bằng...

 

Có hai giả thuyết được lưu truyền trong dân gian để lý giải cho tên ngọn núi này:

Ngọn núi này trước kia có nhiều thú dữ, địa hình hiểm trở gắn với câu chuyện huyền bí, nhân vật vô hình ngự trị trên các đỉnh núi. Vì vậy, dân làng ở đây không ai lên đỉnh núi. Tên núi Cấm có từ đó.

Một giả thuyết khác gắn với lịch sử. Khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh đã đặt chân lên ngọn núi này và truyền lệnh không cho bất cứ ai lên núi. Hiện nay, nhiều di tích trên núi gắn với Nguyễn Ánh vẫn còn được lưu truyền.

Trong khi điều kiện lên núi đã tốt hơn trước rất nhiều, nhưng nhiều du khách vẫn chọn cách đi lên núi bằng đường bộ. Đi bộ lên núi rất lý thú, phù hợp với những người yêu thích thể thao và tổ chức đi thành nhóm. Đi bộ chừng 3 km, du khách có thể đắm mình trong dòng nước mát lạnh của suối Thanh Long. Hàng quán nằm san sát hai bên đường, du khách có thể dừng chân nghỉ bất cứ lúc nào. Đung đưa trên võng bên dòng suối róc rách du khách dễ chìm vào giấc ngủ ngon lành. Nếu trò chuyện với người địa phương, du khách sẽ nghe được những truyền thuyết hấp dẫn, mang tính nhân văn của vùng thất sơn huyền bí gắn với thời mở cõi, khai khẩn vùng đất này. Du khách sẽ nghe kể về sự xuất hiện của loài hổ trắng, công, phượng... mà bây giờ đã bị tuyệt chủng trên ngọn núi này.

 

Chiếm lĩnh một vị trí đẹp và thời tiết mát mẻ như xứ ôn đới, núi Cấm đang được các nhà đầu tư nhắm đến để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp... Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn còn tiếc nuối vì sao địa phương không tạo được một sản phẩm du lịch ngay tại chân núi gắn với văn hóa của người Khmer? Câu hỏi ấy cũng chính là trăn trở của ngành du lịch địa phương. Rồi đây, du khách đến vùng Bảy Núi vào dịp này sẽ được hòa mình chung vui cùng người Khmer đón Tết cổ truyền và những lễ hội suốt trong năm. Đặc biệt là được giao lưu văn hóa với những điệu múa độc đáo của người Khmer ngay chân núi vào mỗi đêm khách lưu lại tại đây... Có lẽ, ngày ấy không xa!

(Theo Du Miên/Hậu Giang)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Du lịch nét xưa Bạc Liêu
  • Dạo chơi hồ Ba Bể
  • Hai giờ trên Biển Hồ
  • Xao xuyến Long Sơn
  • Chợ nổi Ngã Bảy: tiềm năng du lịch chờ khai thác
  • Thác Giang Điền
  • Văn hóa trà...
  • Tiếng khèn huyền diệu đêm Sapa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com