Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lên Thành

Cách thành phố Nha Trang hơn mười cây số về phía tây có một thành cổ do nhà Nguyễn xây đắp nên từ những ngày đầu mở cõi về phía nam, lập nên phủ Bình Khang vào thời chúa Hiền. Đó là thành Diên Khánh, từ lâu thường được người địa phương nói gọn là Thành để chỉ thị trấn trung tâm huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Người Nha Trang chính gốc, ngoài những ngư dân có gốc gác từ các tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú, còn lại đều vốn là người Diên Khánh rời ruộng vườn xuống phố làm ăn. Vì thế, dân Nha Trang, vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ thường rủ nhau "lên Thành".

Cổng thành Diên Khánh, Khánh Hòa.

Từ Sài Gòn, trong một dịp nghỉ dài ngày, ra Nha Trang đổi gió, tôi đã có dịp "lên Thành". Con đường lên Thành ngày nay rộng và thoáng. Bao năm nay co ro trên những con đường nhỏ hẹp đầy khói bụi và chen chúc xe cộ ở Sài Gòn, đi trên con đường này mới thấy sướng sao mà sướng. Hai bên đường, càng xa Nha Trang nhà cửa càng thưa thớt dần, nhường chỗ cho những ruộng lúa xanh mơn mởn, vườn cây ăn trái tím màu vú sữa hay thoang thoảng mùi mít chín bói.

Một sáng đẹp trời, tôi mượn chiếc xe máy của người quen, thong dong chở con lên Thành. Dọc đường, tôi tấp vào một quán cà phê sân vườn. Quán vắng, không có khách, chỉ có con chó mực thấy tôi vào chạy tới ngoắt đuôi sủa ắc ắc. Gọi một ly cà phê sữa đá, tôi ngồi trên ghế bố đặt ngay trên nền đất giữa vườn tre mát rượi nhìn ra cánh đồng trước mặt, nhâm nhi từng muỗng cà phê đậm đặc. Hơn nửa tiếng đồng hồ quán vẫn không có thêm khách. Con chó vẫn đứng đó sủa ắc ắc. Bé con của tôi khoái con chó, nhảy tưng tưng cười. Tự nhiên thấy vui.

Cây Dầu Đôi sừng sững bên cạnh đường vào thành phố Nha Trang ở ngã ba Thành - đường rẽ đi các tỉnh phía bắc - như một nhân chứng biết bao thăng trầm thế sự của vùng đất Diên Khánh - Nha Trang đã hàng trăm năm qua.

Qua cây Dầu Đôi là tới Thành. Trên Thành có nhiều món ăn ngon mà rẻ. Một tô phở cọng nhỏ dai như cọng hủ tiếu đầy tú ụ giá chỉ có mười lăm ngàn đồng. Ở Thành cũng có món mì Quảng, cọng mì hơi giống cọng phở nhưng màu vàng như nghệ, ăn với chả lụa, chả cá, giò heo, đậu phộng rang cùng với rau sống tươi non xắt sợi và giá cọng dài; có món bún cá ngon lành thơm lừng mùi cá thu tươi, dai dai chả cá hấp, chả cá chiên và sực sực những cọng sứa; có bún thịt nướng đậm đà vị thịt nướng, nem nướng, chả lụa và chả ram…

Tôi quẹo vào một con đường làng, ghé quán bánh ướt quen, nhẩn nha ăn từng cái bánh ướt làm từ bột gạo thơm dai. Bánh mềm và dễ ăn nên bé con tôi cũng làm một hơi hơn năm dĩa (mỗi dĩa một bánh vừa tráng xong, còn bốc hơi nóng hổi). Cả bữa sáng ngon miệng và no nê của cả hai mẹ con giá chỉ có chín ngàn đồng. Vậy mà người bán còn ngại ngùng nói như phân bua rằng: "Bữa nay vật giá lên nên giá bánh cũng lên chút đỉnh nhe cô". Nghe mà thấy xót cho cái sự khó khăn kiếm đồng tiền của người dân quê ở đây.

Qua khỏi chợ thị trấn một chút rẽ tay phải là vô cửa Đông, đi xuyên qua thành cổ và ra cửa Tây. Đây là hai trong số bốn cổng còn sót lại từ sáu cổng thành được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn vào năm Quý Sửu (1793) theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ XVII - XVIII ở châu Âu.

Còn nhớ, hồi tôi còn bé, cổng thành trông rất cổ, tường thành bằng gạch bạc màu thời gian, nứt nẻ và chân thành xanh mướt rêu phong. Mỗi khi qua cổng thành tôi thường liên tưởng đến thành trong truyện nỏ thần của An Dương Vương, nghĩ bụng cổng thành nhỏ như vậy cỡ tôi trèo qua dễ ợt, làm sao ngăn được quân thù.  Gần đây, cổng thành được phục chế và sơn màu nâu đỏ, ban đầu nhìn thấy dị hợm, nhưng riết rồi cũng... quen mắt.

Ở sát cửa Đông có quán Phượng chuyên bán nem chua, chả lụa. Bao năm nay quán vẫn ở đó, với nồi luộc chả to đùng đặt ngay phía trước. Tôi ghé mua ba xâu chả lụa và hai ký nem chua mới gói để đem về Sài Gòn. Lần nào đến Nha Trang tôi cũng lên Thành, đến đúng chỗ này mua hàng ký nem chả đem về. Chả lụa nóng hổi bốc khói thơm nhức nhối khiến tôi dù mới ăn sáng vẫn không nhịn được, bóc ngay hai chiếc ăn liền tại chỗ. Thấy em bán hàng nhìn chằm chằm ra vẻ ngạc nhiên, tôi cười giả lả khen ngon.

Một con đường làng ở Diên Khánh.

Đi thêm ba cây số nữa là đến nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Trong lúc phố biển Nha Trang thay đổi với tốc độ chóng mặt thì quê tôi vẫn như xưa, thậm chí cái chợ quê nay được dời lên chỗ cây giáng hương đã hàng trăm năm tuổi còn “quê” hơn ngày trước. Ngay dưới tán cây cổ thụ, người ta bày ra những bó rau nải chuối tự trồng hay những con gà tự nuôi để bán cho nhau. Có cả những chiếc áo hồng tím sặc sỡ và những chiếc kẹp tóc xanh đỏ tím vàng làm con gái tôi nhìn mê mẩn, y hệt như tôi ngày xưa.

Tôi ghé thăm một cô bạn hàng xóm ngày xưa. Chợ ngay trước nhà nên bạn sốt sắng chạy ra mua ngay một ký măng cụt, nói giọng rổn rảng hồn nhiên cố hữu: “Sống ở đây sướng lắm chị. Môi trường sống trong lành. Con người hiền hậu. Đồ ăn thứ gì cũng tươi ngon, như trái măng cụt này nè, người ta trồng hái trái bán cho bà con hàng xóm nên không có hóa chất độc hại gì đâu”.

Ừ nhỉ, Sài Gòn làm sao được như vậy?! Chợt thấy lòng nao nao thầm mong ước một cuộc sống ở quê.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • "Vịnh Hạ Long là 1 biểu tượng đặc biệt và kỳ thú"
  • Bên dòng kinh xáng Xà No
  • Khu di tích Ma Thiên Lãnh - Ô Tà Sóc
  • Khám phá ‘Định Bắc Trường Thành’
  • Cõi tình thơ của Hàn Mặc Tử
  • Gió biển Tuy Hòa
  • Đi thuyền trên sông Ngô Đồng
  • Làng nghề Mỹ Lồng, Sơn Đốc ở Bến Tre
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com