“Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Là món ăn truyền thống của người dân Việt, tương đi vào lòng người không chỉ nhờ hương vị đậm đà mà còn bởi câu hát du dương của các bà, các mẹ. Bạn đọc Thế Duyệt đã mở đầu câu chuyện về làng tương bần Yên Nhân (tỉnh Hưng Yên) như thế.
Ngày nay có rất nhiều địa phương sản xuất tương, nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến “tương bần”. Cách Hà Nội khoảng 30 km, làng bần Yên Nhân (Hưng Yên) nằm ngay sát Quốc lộ 5, tuyến giao thông nối thủ đô với thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng, nên rất dễ tìm.
Ngay khi đặt chân lên mảnh đất làng thấm mùi tương này, chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi những chai tương đủ kích cỡ mà còn bởi mùi đặc trưng nồng nàn trong không gian.
Khi hỏi về những cơ sở sản xuất tương uy tín ở đây, nhiều người dân không ngần ngại chỉ đến xưởng Hường Đạt. Anh Đạt, chủ ngôi xưởng, tỏ ra thú vị và hào hứng hướng dẫn chúng tôi quy trình sản xuất tương bần. Không gian trong xưởng được sắp xếp khá quy củ. Chai lọ, chum vại, những chiếc máy nghiền tương là phương tiện sản xuất chủ yếu.
Những hạt gạo nếp mẩy, bóng được chọn để cho vào đồ
Gạo nếp sau khi được đồ sẽ được đổ ra cho nguội
Sau khi để nguội, gạo nếp được đem vào ủ mốc
Gạo sau khi được lên mốc
Gạo nếp lên mốc được nghiền trộn cùng đỗ tương, nước và gia vị rồi đem ủ ít nhất 3 tháng
Những ngày có nắng, từng vại tương đã ủ được đem ra phơi để chín đều
Cuối cùng là đóng tương vào chai và bày bán
“Cũng không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết là lâu lắm rồi, truyền từ đời này qua đời khác. Trước kia, mọi người làm tương để ăn và biếu nhau là chính. Những năm 1996-1997 là “thời vàng” của tương. Lúc đó, tương không đủ để bán. Nhiều chum mới đem ủ, phơi mấy ngày chưa kịp gặp nắng, chưa ngon lắm mà khách đã đến lấy rồi”, anh Đạt kể.
Nhưng ở làng bần Yên Nhân giờ đây, người làm tương chủ yếu để giữ nghề cha ông, chứ thu nhập chả được mấy. Tuy nhiên, cũng có người từ tương mà phất lên. Anh Đạt cho biết sau khi trừ đi chi phí, một năm gia đình anh thu nhập được khoảng 100 triệu đồng – thuộc loại khá cao ở khu vực này.
Vị của tương chắc hẳn đã rất nhiều người biết đến, nhưng để có được cái vị đậm đà ấy, người làm tương đã phải “nếm” nhiều vị mặn chát, phần lớn do hiểu lầm về độ vệ sinh an toàn của tương.
Sản xuất tương có những đặc thù rất riêng, ví như gạo nếp sau khi đồ xong phải để ngoài trời cho lên mốc. Chả trách tương bị “mang tiếng” là “cơm thiu gạo thối”, là “thức ăn bẩn”. Ngày nay, chất lượng tương đã được khẳng định, ngay cả thị trường khó tính nhất như Mỹ cũng đã nhập và công nhận sản phẩm này.
(Theo Thế Duyệt // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com