Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngàn năm quê lụa Vạn Phúc

Tỉnh Hà Đông, từ cái thuở "bảy làng La, ba làng Mỗ" xưa kia đã làm nghề dệt lụa, cho nên có người gọi đây là quê lụa. Lụa Hà Đông nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vạn Phúc. Người ta gọi lụa Hà Đông chính là lụa Vạn Phúc. Làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam.
Gần ngàn năm tuổi

Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1.200 năm, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã đem những bí quyết dệt lụa của Trung Quốc về truyền dạy cho người dân trong làng. Đến khi mất đi, bà được người dân tôn làm thành hoàng làng.
 
Làng lụa Vạn Phúc có tiếng từ thời Lý. Lụa cao cấp để tiến cống vua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, theo khách buôn sang phương Tây, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và một số nước Đông Nam Á qua con đường giao thương tại các cửa biển Vạn Ninh (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam - Đà Nẵng). Dưới triều Nguyễn, lụa Vạn Phúc thậm chí được chọn may quốc phục.
 


Lụa Vạn Phúc giữ nguyên danh tiếng ngàn năm qua
 
Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó chủ tịch phường Vạn Phúc, ban đầu lụa Vạn Phúc chỉ để phục vụ tầng lớp trung lưu trở lên. Đến cuối thế kỷ 19, nhà Nguyễn khuyến khích dùng hàng nội, các nghệ nhân làng Vạn Phúc nhanh chóng sưu tầm, học hỏi, cải tiến để “bình dân hóa” các mặt hàng gấm, vóc.
 
Trong hai năm 1931 và 1936, thợ dệt Vạn Phúc hai lần mang sản phẩm sang dự “đấu xảo” ở Marseille và Paris (Pháp). Từ đó, lụa Vạn Phúc nhận được sự đánh giá cao trên thế giới, nhất là mặt hàng lụa hàng vân.
 
Chuẩn bị lấy tơ
 

 
Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải. Nét đặc biệt của lụa Vạn Phúc nói chung và lụa hàng vân nói riêng là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, mặc lên người thấy mềm mại và nhẹ nhàng.
 
Hoa văn trang trí trên vải lụa tuy rất đa dạng với các mẫu Song Hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý... song luôn tuân theo những thủ pháp nghệ thuật truyền thống như trang trí đối xứng, đường nét không rườm rà, phức tạp mà phóng khoáng, dứt khoát.
 
Thăng trầm một làng nghề

Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng Vạn Phúc giờ khang trang. Nhà cao tầng, gian hàng trưng bày lụa mọc lên san sát, con phố bán lụa mới mở cứ dài ra mãi.
 
Làng lụa Vạn Phúc hôm nay...
 

 
...với những cửa hàng bán lụa san sát
 
Nhưng làng vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính qua hình ảnh chiếc giếng làng nằm cạnh cây đa cổ thụ và những phiên chợ chiều họp trước đình làng. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại.
 
Theo tiếng thoi đưa, chúng tôi đi dọc theo các con ngõ nhỏ đến thăm các xưởng dệt thủ công. Bà Nguyễn Thị Tâm, con dâu cố nghệ nhân nổi tiếng Triệu Văn Mão, kể ngày xưa gái làng lụa chỉ quen nhuộm tơ, se sợi, dệt vải. Do đó, nếu không lấy được chồng làm ruộng thì sợ… không có gạo để ăn.
 
Thời bao cấp, làng Vạn Phúc không dệt lụa mà chủ yếu dệt thảm đay, thảm len xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Âu. Đến khi không còn hợp tác xã, hết thị trường, người làng lụa ngơ ngác, canh cửi bỏ không, người đi buôn, kẻ làm ruộng, tưởng như mất cả nghề.
 
Xe sợi
 

 
Dệt lụa bằng máy dệt hiện đại

Nhiều nhà vẫn giữ khung dệt cũ
 
Rồi cơ chế thị trường đến, nghề dệt hồi sinh. Làng lụa liên kết với nhau làm thành một dây chuyền, người sửa máy dệt, người vẽ hoa, người cung cấp tơ, người nhuộm, người se chỉ màu, người hồ sợi...
 
Không chỉ khôi phục nghề truyền thống, người làng Vạn Phúc ngày nay còn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, mở website đưa lụa lên Internet, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
 
Bà Nguyễn Thị Lý cho biết hiện tại còn khoảng 60% hộ sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt lụa tơ tằm. Trong làng nghề hình thành nhiều doanh nghiệp lớn nên mẫu mã, chủng loại cũng phong phú hơn nhiều.
 

Theo quy hoạch, tới năm 2011, Vạn Phúc sẽ phát triển du lịch làng nghề bằng cách hoàn thiện ba công trình lớn gồm khu sản xuất rộng 13 ha, trung tâm giới thiệu sản phẩm và nhà truyền thống gắn liền với đền thờ tổ nghề dệt lụa. Hiện phường đang triển khai khu sản xuất 13 ha nằm biệt lập ở rìa làng nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường (nước thải và tiếng ồn). Tổng số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng vào khoảng 60-70 tỉ đồng.

(Theo Bài và ảnh: NGUYỄN THẮNG/nld online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Phố cổ không già
  • Quyến rũ Ninh Chữ
  • Bất biến Ô Quan Chưởng
  • Lên Tây Nguyên dự hội đua voi
  • Đi A Lưới dự Lễ hội AzaKoonh
  • Nguồn gốc của pháo hoa
  • “Làng” heo đất
  • Mùa hè ở vịnh Vĩnh Hy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com