Mới nghe cái tên thôi cũng đủ khiến người ta chú ý. Nếu một lần muốn vào khu vực ấp Bình Thuận 2, nơi tập trung rất đông những hội viên của CLB heo đất để tìm hiểu công việc của họ thì phải chọn thời gian. Những ngày tháng Giêng, cả một khu rộn ràng tiếng xe, tiếng người vì có đông bạn hàng từ dưới miền Tây lên đây lấy hàng về bỏ mối cho người dân tộc ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh…. họ mua heo đất nhiều để dành tiền chuẩn bị cho ngày tết của dân tộc mình vào tháng tư.
Có người nói ví von rằng làm một năm chỉ có bán một ngày là đủ ăn. Câu nói ấy không quá đáng vì lượng heo đất những tháng cận tết ứ đọng, nhiều gia đình phải dọn hẳn đồ đạc ra ngoài để có chỗ chứa heo chờ đến ngày xuất. Đến khi chỉ cần một ngày các xe từ dưới miền Tây đổ xô lên đây lấy hàng là hết vèo. Những câu chuyện về con heo đất ở đây được xuất khẩu cũng làm nhiều người thích thú. Xuất khẩu không phải theo đường hàng không mà theo đường thủy.
“Lò heo” của chị Phương nằm trong một con hẻm ở ấp Bình Thuận 1, mới nhìn vào ít ai biết được công suất của nó mỗi ngày có thể làm được cả ngàn con heo đất. Tại lò bao luôn các công đoạn từ khi mua đất về đổ khuôn, sau đó nung và đến khi lấy ra vẽ. Làm tận gốc, bán tận ngọn không qua một khâu trung gian nào hết. Chị ở nhà quản lý lò, chồng chị thì chở heo đi giao tận ghe của bạn hàng, từ những chiếc ghe này heo đất sẽ đuợc đưa sang các nước trong khu vực để tiêu thụ.
Từ những năm 1990 một số hộ ở đây đã làm heo đất như một công việc kiếm thêm thu nhập. Không ai nghĩ đó là một công việc chính, thời gian đó họ chỉ việc mua đất sét về đổ ra thành con heo, sau đó phải chở xuống tận các lò ở Lái Thiêu thuê nung rồi lại chở về nhà lại. Trải qua từng công đoạn như thế thì số lượng heo bị bể rất nhiều, hao hụt là điều khó tránh khỏi. Khi đó chỉ có một mặt hàng là làm heo đất. Dần dần những năm 1995 nhiều hộ gia đình ở đây lại chuyển qua làm vò lan để bán. Thời gian này là giai đoạn chứng kiến sự thăng trầm của những người làm heo đất vì nhiều người lại thích mua heo bằng nhựa, bằng chất dẻo vừa đẹp vừa khó bể, khi muốn lấy tiền chỉ cần mở nắp ở phía sau. Nhưng một thời gian sau người ta lại thấy nét đẹp trong mỗi con heo đất và những người làm ra chúng cũng thay đổi cách nghĩ làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Tính đến nay ở đây sản xuất nhiều mặt hàng nung như heo đất, cò đất, chim, vịt, bồ câu và có cả chú lùn Hugo bằng đất. Những mặt hàng phong phú đó đã khiến cho “làng heo đất” ở Thuận Giao bắt đầu khởi sắc trở lại.
Có nhiều thương lái xuống đề nghị với bà Lê Thị Nghiệm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ heo đất, mỗi tháng phải cung cấp cho họ bao nhiêu mặt hàng nhưng bà không dám gật đầu. Bà nói rằng: “Hiện giờ mô hình của CLB chưa có sự ràng buộc, lỡ không đủ cung cấp hàng thì phải bồi thường hợp đồng. Chính quyền đã có gợi ý chúng tôi chuyển thành hợp tác xã, khi đó chúng tôi sẽ mạnh dạn hơn trong việc cung cấp hàng cho đối tác”. Thấy đuợc mô hình làm ăn hiệu quả này, phụ nữ xã Thuận Giao, Hội Phụ nữ huyện Thuận An đã tạo điều kiện giúp đỡ và từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách của huyện cho mỗi hộ trong CLB được vay vốn từ 8 đến 20 triệu đồng.
Từ một công việc được coi là dành cho những người già, những người không thể lao động nặng nay nghề làm heo đất trở nên phát đạt. Gần 80 hộ dân tham gia công việc này, trong đó nhiều người nhờ đó mà phát triển kinh tế một cách rõ rệt. Tiêu biểu là bà Võ Thị Bảy. Trước đây gia đình bà khó khăn, từ khi bắt tay vào làm heo đất đã dành dụm được một số vốn xây lò, tăng thêm nhân công. Hiện bà có trong tay một hệ thống lò nung lớn nhất trong CLB, sản lượng mỗi ngày cho ra khoảng 3.000 con. Gia đình cô Trương Thị Kim Oanh, không có đất sản xuất cả hai vợ chồng đều tham gia làm heo đất. Từ khi có chút vốn họ chuyển qua mua lại heo thô (đã qua nung lửa) đem về nhà trét bột và vẽ màu, một con heo họ có lãi từ 300 đến 400 đồng. Từ đó kinh tế gia đình cô từng bước khá giả hơn.
Hôm tôi đến thăm “xưởng” làm việc của gia đình cô, khung cảnh xung quanh toàn là heo đất. Heo đất chất từ ngay lối đi, chất cao lên tận nóc nhà. Trong “xưởng” có 5 người đang vẽ, heo sau khi được mua về những người này sẽ trét bột, pha màu và vẽ. Những đường nét bay lượn tạo nên sự ngộ nghĩnh cho những chú heo được hình thành từ đây, không phải dưới bàn tay của những nghệ nhân, họa sĩ mà là của những người vốn một thời là nông dân chính hiệu. Cô Oanh cho biết, bình thường một người phải mất từ ba đến năm tháng để học mới có thể vẽ được những hoa văn này đẹp được. Có một cô bé rất xinh đang cắm cúi ở một góc phòng, từng nét cọ của cô bé tung tăng trên con heo đất, những đường nét bắt đầu hiện ra. Em tên là Nguyễn Thị Tý quê ở miền Tây lên đây theo gia đình, em bắt đầu làm công việc này từ khi mới 13 tuổi, nay em đã 16 và đã trở thành một tay vẽ cừ khôi. Tiền công chủ trả cho em mỗi ngày là 30 ngàn đồng.
Hiện tổng số lò nung trong CLB là 12, sản luợng ra có thể 40 ngàn con/ngày. Tương lai khi lên HTX thì số lượng này cũng phải tăng thêm. Thời gian này không là cao điểm nhưng không khí làm việc ở đây cũng khẩn trương lắm để chuẩn bị lượng heo phục vụ tết và cho các em học sinh dành tiền chuẩn bị cho năm học mới. Những người ở đây có thể tự hào để nói rằng, Bình Dương có một “làng” làm heo đất, cò, chim đất… trên đường phát triển. Phải chăng những con vật rất gần gũi ấy đã đi vào văn hóa của người Việt chúng ta, vào mỗi người ngay từ lúc còn thơ…
(Nguồn: BaoBinhDuong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com