Không có những lễ hội "hoành tráng", "ấn tượng" kéo dài với quy mô lớn, để người ngoạn du miệt mài trẩy hội, nhưng vẫn có “dòng sông lễ hội" chảy suốt mùa xuân, qua các làng nghề và vùng sông nước Quảng Nam…
Lễ hội Bà Thu Bồn sẽ được mở vào thượng tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. |
Không kể những lễ kỳ yên, cúng tạ đất đai... thường được cư dân địa phương tổ chức trong phạm vi nhỏ hẹp mở đầu một năm mới, để mong cuộc sống bình yên và "phước lộc toàn tài" có thể gặp bất cứ nơi đâu trên khắp các vùng quê, đình đài, miếu mạo Quảng Nam, thì hội xuân làng nghề đã mở ngay khi hơi thở đất trời vẫn còn nồng nàn hương vị tết, lan tỏa dưới những mái nhà và vương đầy ngõ xóm. Mồng 6 tháng giêng âm lịch, làng mộc Kim Bồng đã bắt đầu năm mới bằng nghi thức cúng tế tỏ lòng tri ân tổ nghề thâm nghiêm tại đình Tiền Hiền, thôn Trung Châu, Cẩm Kim, với tiếng phạt mộc vang giữa tiếng cười rộn rã của trò chơi dân gian bày biện khắp ngôi làng nép bên sông kia Thu Bồn. Mồng 7, một lễ cầu bông đầy nghi thức và lễ vật theo suối người lung linh sắc màu chảy theo các ngả đường làng thoang thoảng hương rau trên vùng đất nằm ngửa mặt trên dòng sông Đế Võng, có tên Trà Quế, cũng đã mở đầu một năm mới bằng lễ cầu bông, cúng tổ Thần Nông; hoặc một lễ hội rước cộ Chợ Được mở vào ngày 11 tháng giêng tại Thăng Bình…
Nếu khách trở về giữa một ngày xuân muộn, không nhìn thấy sắc màu, thanh âm rộn rã tiếng cười vui ở những ngôi làng trăm năm tuổi bên sông thì vẫn còn kịp nhìn màu nắng mới rắc vàng trên những con đường làng đầy màu đất Thanh Hà; nghe gió đưa hương trên dòng sông Đế Võng, còn kịp nhìn thấy những đôi bàn tay mỹ cảm của người thợ Kim Bồng thổi hồn vào sản phẩm mỹ nghệ một thời cha ông thở trước. Vẫn còn kịp để ghé làng chài Tam Hải dự phần vào một lễ hội cầu ngư, được mở vào ngày 4 và 5-3. Dường như thắc thỏm và đôi chút luyến tiếc một lễ hội có thể là “cuối cùng” của dân làng đảo Núi Thành, nơi có nghĩa địa cá ông lớn nhất miền Trung, sắp được di dời, nhường chỗ cho một dự án đầu tư lớn trên vùng kinh tế mở Chu Lai…, nên đã kéo không ít khách thập phương về dự hội. Và vẫn còn nguyên một lễ hội Bà Thu Bồn ( mở ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch hàng năm) tại làng Thu Bồn, Duy Tân, Duy Xuyên. Lễ hội mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian về tục thờ Mẫu của dân Việt, được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của Quảng Nam đã dần được dân làng và chính quyền địa phương mở rộng và nâng tầm lễ hội, đón khách phương xa. Ngoài các nghi thức tế lễ cổ truyền từ mấy trăm năm trước, phần hội cũng đã được thay đổi với việc làm sống lại các trò chơi dân gian tưởng đã biến mất theo nhịp thời gian xô bồ, từ việc thi nghé, thả diều, hô hát bài chòi, thi tem trầu, làm bánh quê... đã góp thêm hồn cho lễ hội và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Những ngày này, các con đường như một dải lụa mềm vắt qua các cánh đồng xanh mơn mởn lúa đương thì, những con dân xa xứ, khách hành hương lại tìm gặp bầu không khí thâm nghiêm, trang trọng, lại được sống trong hồi ức lẫn giấc mơ trẻ thơ của đời người thông qua những trò chơi dân dã và trở thành thực khách "sang trọng" trong các chương trình ẩm thực bày biện toàn món ăn địa phương, khó tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Khách có thể được nhìn thấy những chiếc cộ vàng, cộ bạc diễu hành qua các con đường làng, mang âm hưởng của khúc hoan ca chiến trận thời xưa; có thể "tìm thấy" những cuộc rước sắc phong, băng qua đồi núi, làng mạc; có thể qua đêm với men rượu đượm nồng cùng món chả cá mòi, ăn tô mình Quảng cá mòi sông tại nhà dân và cùng dân địa phương (đã được chay tịnh vài ngày), lênh đênh trên các con thuyền bềnh bồng trong sương sớm Thu Bồn, lên tận Trung An, Quế Trung, Quế Sơn, dự phần vào nghi lễ rước nước về tế tự tại lăng Bà Thu Bồn trong ngày lễ hội. Tất cả không khí vừa huyền hoặc, vừa thâm nghiêm... của các lễ hội này đã trở thành một đốm lửa nhỏ, đốt cháy khát vọng hồi tâm, bừng sáng lễ nghi trong mỗi cuộc đời con dân địa phương trong cuộc sống hiện tại...
Người ta nói, du lịch là chiếc cầu hòa bình, là phương tiện mở ra sự thông hiểu lẫn nhau của người đời thì sự sống lại của các lễ hội dân gian "dày đặc" trên đất Quảng Nam hiện tại cũng là cách bảo tồn các giá trị văn hóa, đánh thức quan niệm sống truyền thống nhân nghĩa, đức độ và hào hùng của dân Quảng Nam. Song, cũng giống như nỗi thất vọng, héo hắt vì chờ đợi của gái quê bên khung dệt “khi mùa xuân … đã cạn ngày” trong “Mưa xuân” Nguyễn Bính, dân của làng lễ hội vẫn chưa thể trông thấy ngày khách lãng du tìm về chạm ngõ. Trừ những làng mà cái tên gắn với thương hiệu di sản Hội An kịp thấy giá trị sản phẩm quê mình bán ở chợ gần, chợ xa, vào luôn siêu thị hoặc vượt biên qua khung trời Âu, Á… thì sản phẩm quê nghèo vẫn phải chịu cảnh tàn theo lễ hội. Tất cả chỉ vì hội làng, hội xuân bày khắp miền vốn chỉ mang yếu tố tâm linh cho cộng đồng cư dân địa phương, chưa đủ lực hấp dẫn; chưa đủ kinh phí để làm nên hồn xác của một cuộc vui mời người. Chưa kể đến việc những lễ hội lớn, những người làm du lịch hoặc mong muốn phát triển du lịch làng quê thông qua lễ hội chưa tạo nên một sản phẩm đặc thù và còn quá rời rạc, nay có, mai không, từ chuyện không dốc lòng đầu tư (vì nhiều lẽ), nên cái buồn vẫn riêng mang cho người hy vọng!
(Theo NAM KHA // Báo Quảng Nam Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com