Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngỡ ngàng với Sa Pa- Bài 2: Thang bắc lên trời

Sa Pa (Lào Cai) là vùng đất từ lâu đã được mệnh danh “thiên đường du lịch” với sản phẩm đặc trưng gồm khí hậu và văn hoá các tộc người hết sức độc đáo. Bỏ qua những “điểm nhấn” ấn tượng đó, đến đây chúng tôi ngủ trong nhà người Tày, lang thang theo những thửa ruộng bậc thang cao vời vợi như đi thẳng lên mây để lúc về, ai cũng mang theo một nỗi bâng khuâng khó tả.

Bữa cơm trong gia đình người Tày ở Bản Hồ thật ấn tượng bởi toàn là “đặc sản” địa phương, sạch 100%. Tôi cứ nhớ mãi bát cơm trắng đục, nhưng vị ngọt  dẻo, thơm đánh thức cả ngũ quan, chị chủ nhà bảo đó là gạo Tàu bay. Sao lại có cái tên lạ thế? 

Thì ra, giống lúa này có nguồn gốc từ người Pháp. Sáng hôm sau, đến bản Tả Van, tôi được ông Sần Cháng, nguyên là giám đốc Sở văn hoá- thông tin Lào Cai, nay về hưu ở trong ngôi nhà người Giáy ngay cạnh suối Mường Hoa, kể cho nghe về xuất xứ của tên gọi lúa Tàu bay. Ấy là những năm kháng chiến chống Pháp và tiễu phỉ ở Sa Pa, Pháp đã dùng máy bay thả gạo tiếp tế cho quân đồn trú ở đây. Dù bay lạc sang phía quân ta, mở ra thấy gạo nhưng còn lẫn cả thóc. Lính ta sàng xảy lấy gạo ăn, còn thóc bỏ lại. Giống lúa Tàu bay ra đời từ đó.

Bây giờ thì lúa Tàu bay là thứ đặc sản đang được huyện khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Giá một cân gạo Tàu bay đánh đổ bốn cân gạo thường đấy- ông Cháng bảo vậy. Nhưng Sa Pa toàn là núi cao chót vót, tôi không hiểu người dân tộc ở đây làm thế nào mà ruộng cứ bám núi leo cao lên tận trời, để làm ra hạt thóc vàng quý giá ấy nhỉ?


Làm sạch lúa.

Đường đến ruộng bậc thang 121 bậc, nổi tiếng nhất Sa Pa, ở thôn Vù Lùng Sung của người Dao khúc khuỷu, gập gềnh, ngược hun hút lên cao, sương mù lãng đãng, có cảm giác như đang đi lên trời. Cậu trai nhỏ Tẩn A Sua dẫn đường cứ thăn thoắt như sóc còn  chúng tôi chân quýnh lại, thót bụng ngựa, thở ra mang tai mới theo kịp. Dải ruộng 121 bậc như chiếc thang bắc lên trời, rực vàng lúa chín. Nhìn ra xung quanh cũng toàn ruộng bậc thang giống y như những vành khăn đội đầu của người Dao, quấn quanh những sườn núi, vàng rực trong nắng thu. Quả đúng là kiệt tác của thiên nhiên và con người tài hoa xứ sở sương mù Sa Pa.


Vù Lùng Sung- tiếng Dao, có nghĩa là Rừng Con Hổ. Trong ngôi nhà gỗ dựng giữa đỉnh núi, gió thổi ào ào, chủ nhân của “chiếc thang bắc lên trời” ấy tên Lò Quẩy Vảng, 67 tuổi, gân guốc và thô mộc kể rằng, ngày xưa có con hổ đực hung dữ thường vồ bắt trâu, dê thả rông, khiến mọi người khiếp sợ. Những người Dao đầu tiên đến đây lập bản, mở ruộng bậc thang đã phải phục kích hằng tháng trời, dùng bẫy treo mới bắt được con hổ dữ. Cố nội của ông Vảng tên Lò Chỉn Sin là người bổ nhát cuốc đầu tiên tạo nên kiệt tác ruộng bậc thang cao hơn một cây số, suốt từ chân suối Trung Chải lên đến đỉnh núi mù sương. Các đời sau cứ thế tiếp nối, khai khẩn thêm theo đường bình độ, làm cho chiếc thang bắc lên giời cứ cao mãi, cao mãi...


Ruộng bậc thang 121 bậc ở Trung Chải.
 
Lò Quẩy Thìn, con trai cả của ông Vảng và vợ đang lúi húi gặt lúa. Người Dao trên núi mà cắt lúa nhanh thoăn thoắt chắng kém gì người Kinh dưới xuôi. Mỗi năm nhà ta thu được bao nhiêu tấn- tôi hỏi? Không biết đâu- chị vợ cười tươi nhưng bối rối, xoè bàn tay bấm đốt, lát sau bảo: Ít thôi, khoảng 100 bao mà. Anh chồng “phiên dịch”: Được bốn tấn, đủ ăn cho cả nhà năm người, từ lâu không phải đào củ mài, ăn măng rừng luộc nữa.  
 
Mùa này Sa Pa đang vào vụ gặt, lúa chín trên những sườn núi, trải xuống thung sâu như dát vàng. Đi từ Trung Chải, Hầu Thào, Tả Van đến Bản Hồ, Thanh Kim, Nậm Cang, Suối Thầu ... đâu đâu cũng rộn rực gặt hái, người lớn trẻ em đổ cả lên núi. Những đứa trẻ 4-5 tuổi người Mông chỉ mặc cái áo ngắn, phía dưới để trần, chạy quanh những bờ lúa vàng thật ngộ nghĩnh. Do ruộng nằm trên những sườn núi cao, người dân tộc ở đây không dùng máy tuốt, họ đóng những chiếc thùng gỗ sa mộc hình thang to tướng luồn một que ngang cõng ra giữa ruộng. Lúa cắt sát gốc dạ, trẻ em chuyển lúa về, người lớn dùng cái néo, làm bằng da trâu lồng vào hai thanh gỗ tròn cứng xiết từng bó lúa nhỏ vung lên cao đập vào thùng gỗ cho rụng hạt. Để làm sạch thóc, họ dùng cây bương đóng những chiếc “ ràng” để đứng lên đó đổ thóc từ trên cao xuống lợi dụng sức gió quạt bay hạt lép và lá lúa, sau đó đóng vào bao tải cho lên ngựa thồ về nhà. Gặt đến đâu thì kéo thùng đập đến đó, rất cơ động.
 

Đồng bào dân tộc Mông thu hoạch lúa.

Mở ruộng bậc thang ở Sa Pa, không ai giỏi hơn ông Mã A Cháng, ở thôn Móng Sến 2, xã Trung Chải. Năm nay 64 tuổi nhưng vóc dáng vẫn phong trần, săn chắc. Biết làm ruộng bậc thang từ năm lên 10 tuổi, bàn chân ông đã in dấu khắp vùng núi cao Sa Pa, Bát Xát sang tận cả Trậm Tấu, Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái để mở ruộng thuê. Là người Mông, nhưng ông nói được bốn thứ tiếng Dao, Giáy, Hà Nhì và tiếng Kinh. Ông Cháng có bịêt tài tìm nguồn sinh thuỷ trên núi cao, mở ruộng bậc thang trên tất cả mọi địa hình, đặc biệt là không cần đánh đường cân bằng sóng làm chuẩn, mà chỉ bằng mắt thường, nhưng ruộng mở ra bằng tăm tắp, chắc chắn, không bị rò nước. Nhả khói thuốc lào mù mịt, ông Cháng cười hà hà: Khắc làm khắc biết thôi, không giỏi lắm đâu!


Ruộng bậc thang do ông Cháng mở.

Nghệ nhân mở ruộng bậc thang Mã A Cháng và con trai.

Cuối chiều, thung lũng Mường Hoa rực cháy lên bởi nắng xiên khoai trên chiếc “quạt ruộng bậc thang” khổng lồ trải dài hàng chục km vuông đang mùa chín. Rải rác những bản làng đồng bào lọt thỏm trong sóng vàng thơ mộng và bình yên.


Ruộng bậc thang ở Tả Van.

Thung lũng Mường Hoa- Sa Pa.


(Theo báo Nhân Dân/Báo Lào Cai)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Thăm phố cổ Đồng Văn
  • Ảnh hoa lộc vừng đỏ rực bên hồ Gươm
  • Ảnh EmailPrint Làng nghề thủ công nét văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm tuổi
  • Mây núi Sa Pa đẹp như tranh thủy mặc
  • Hà Nội qua từng góc nhìn
  • Người Mông đón Tết
  • Niềm vui tết ở vùng cao
  • Xuân về trong sắc hoa ban
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com