Giữa phố phường san sát, những toà nhà cao tầng lộng lẫy bên Hồ Tây, vẫn tồn tại một làng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử cổ kính.
Du khách đến Hà Nội mà chưa đến Hồ Tây coi như chưa đến Hà Nội, vì đây là một biểu trưng của Hà Nội cổ, cùng với sông Tô và núi Nùng. Đây là trung tâm của Hà Nội xưa- nơi đầy ắp những huyền thoại về công cuộc lao động khai phá Hồ Tây, khai phá vùng đất Long Đỗ và cũng là nơi hội tụ nhiều di tích đình, chùa, đền, miếu vào bậc nhất ở Thăng Long. Hồ Khẩu là một làng nằm trong vùng đất cổ xưa ấy. Làng nằm kề cửa ra vào hồ hoà nước với sông Tô Lịch nên mới có tên gọi là Hồ Khẩu.
Theo Hồ Khẩu phường thần tích, làng được khai phá từ thời Hùng Vương. Đến thời Lý- Trần- Lê, làng nằm trong biên chế hành chính thuộc huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên, Thăng Long - nay là 3 khu dân cư thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nét đẹp của làng trước hết là ở hệ thống cổng làng đồ sộ, hoành tráng nối liền khối với nhau chạy dài trên một đoạn đường khoảng 300m.
Chính giữa là cổng tam quan đình được xây dựng theo kiến trúc 4 trụ có mái cong bên trên và mái hậu lợp ngói vẩy cá. 2 cột giữa rộng 45cm, cao 7m. Bên trên 4 trụ đều có đắp hình trái rành rành cách điệu có phương chầu về 4 phía. 4 mặt trụ đều có câu đối. Bậc cổng xây tam cấp, có chiếu nghỉ rộng, hai bên có nghê chầu.
Gắn liền với tam quan đình về phía bên trái là cổng vào giáp bắc của làng. Phía bên phải là cổng vào chùa Chúc Thánh. Qua đền Vệ Quốc đến cổng vào Giáp Đông của làng. Hệ thống cổng ấy là cụm di sản văn hóa làng quý hiếm có một không hai ở Thăng Long.
Đối diện với cổng đình là Điện thờ Đức Thánh Mẫu Thủy Tinh công chúa, con Động Đình vương, dân làng vẫn gọi là Điện Mẫu Thăng Long. Bên ngoài cổng làng, ngoài Điện Mẫu còn có đền Giáp Đông thờ Đức Thánh Em, gọi là đền Vệ Quốc.
Làng có 3 đền thờ, hai đền toạ lạc bên ngoài cổng làng, còn một đền dựng ở Giáp Bắc, thờ Đức Thánh Cả, gọi là đền Giáp Bắc hay còn gọi là đền Dực Thánh. Hai Đức Thánh thờ ở đền Giáp Bắc và Giáp Đông vì có công với nước trong sự nghiệp đánh Tống, bình Nguyên và lại có công với dân làng trong việc lập ấp, trị thuỷ nên được tôn thờ là Đức Thành Hoàng thờ ở đình làng. Đó là một ngôi đình cổ xưa kia nằm bên bờ Hồ Tây, đến thời Nguyễn thì di dời vào làng, đặt ở vị trí trung tâm làng hiện nay. Đình làng có nhiều đồ thờ và hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng.
Cả 3 đền đều có nguồn gốc dựng từ thời Lý đã được gia phong 3 đạo sắc vào các năm Vĩnh Thịnh 6 (1711), Cảnh Hưng 22 (1762), Cảnh Hưng 44 (1784). Đền Vệ Quốc được xếp hạng di tích năm 1995. Đền Dực Thánh được xếp hạng di tích năm 2005.
Làng có 2 chùa, tương truyền đều được khởi dựng từ thời Lý, có bia ghi được tu bổ lớn vào năm Cảnh Thịnh VII (1799). Chùa toạ lạc trong làng là chùa Chúc Thánh; chùa tạo lập trên bờ Hồ tây là Tĩnh Lâu, gọi nôm là Chùa Sải - Đây là một di tích cổ kính được xây dựng trên một khuôn viên rộng 3 công mẫu, có nhiều cây xanh cổ thụ đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1995, xác định là một di tích văn hóa danh thắng Phật giáo thuần khiết của làng xã Việt Nam.
Vốn là một làng cổ lâu đời, Hồ Khẩu có 5 dòng tộc, nay vẫn còn bảo tồn được nguyên vẹn các từ đường, con cháu vẫn sum họp tế tổ đông vui, giữ vẹn đạo nước đạo nhà, thủy chung như một.
Về đời sống tinh thần và tâm linh, làng hàng năm vẫn duy trì 2 kỳ lễ hội theo nề nếp của cha ông. Lễ hội tháng Hai có rước Thánh, múa cờ, ca trù ở đền trong, chèo đò cạn ở đền ngoài. Lễ hội thang Tư có rước nước, lễ đăng đàn cầu mưa thuận gió hoà, chọi gà, lễ phóng sinh và hát dân ca (ngày xưa hát tuồng, chèo)./.
Cổng Tam Quan Đình làng Hồ Khẩu, hiện là số nhà 374 Thuỵ Khê
Cổng đình làng Hồ Khẩu
Đền Dực Thánh- còn gọi là miếu Giáp Bắc - thờ Đức Thánh Cả Dực Thánh Đại Vương (Triều Lý Nhân Tông- 1128)
Làng vẫn còn sót lại một chiếc chùa cầu làng (Cầu Dừa). Xưa kia có tất cả 5 chiếc. Nơi đây để thờ thần linh thổ địa hoặc cúng vong vào dịp xá tội vong nhân rằm tháng 7
Chùa Trúc Thánh ngay ở đầu làng, sau chùa có nơi thờ đức Khổng Tử, vết tích văn chỉ hiện vẫn còn
Cống giáp Bắc của làng vẫn giữ được những nét xưa
Chùa Sải hay còn gọi là chùa Tĩnh Lâu, được dựng vào đầu thời Lê- Trịnh
Nhiều thế hệ đã sinh sống trong không gian cổ kính này
Một ngôi nhà cổ còn sót lại
(bài: Vũ Văn Luân, ảnh: Lê Bích // VoVnews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com