Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người Việt lãng du

Ngày càng nhiều người muốn đi xuyên rừng quốc gia Côn Đảo như thế này. - tinkinhte.com
Ngày càng nhiều người muốn đi xuyên rừng quốc gia Côn Đảo như thế này. Ảnh: Minh Hùng.

Ngày nay, xuất hiện ngày càng nhiều những người thích chu du khắp nơi. Họ đi vì công việc, vì sở thích… Nhưng dù là với mục đích gì thì từ thời “mở cửa” cùng với đôi giày, cái áo, gói cà phê xuất khẩu… họ là những người đang mang “made in Vietnam” đi khắp “hang cùng, ngõ hẻm” trên thế giới.

Nói đến chuyện đi, tôi lại nhớ đến Đ.Long, một doanh nhân trung niên được biết đến nhiều ở TPHCM. Chắc cũng có duyên gì đó, tôi hay gặp anh ở sân bay. Lần đầu ở sân bay Hồng Kông hơn chục năm trước, tôi lang thang chờ quá cảnh đi một nước châu Âu thì anh chạy đến hỏi thăm. Anh cho biết dẫn gia đình qua một nước châu Mỹ chơi. Sau khi vắn tắt vài câu chúng tôi chia tay, đường ai nấy đi và hẹn “nhậu” vài ngày sau ở Sài Gòn.

Lần thứ hai gặp nhau cách đây vài năm ở sân bay Bangkok, lần này thì tôi chờ máy bay đi một nước ASEAN còn anh thì đi làm ăn ở một nước Đông Á. Chúng tôi lại nói dăm điều bảy chuyện để giết thời gian. Sau đó lại chia tay và hẹn gặp vài ngày sau ở Sài Gòn. Cứ y như chúng tôi đang tình cờ gặp nhau trên đường phố Sài Gòn. Điều khác biệt lần này là trong số hàng ngàn khách đủ loại màu da, sắc tộc tới lui trong sân bay chờ quá cảnh, chen lẫn những câu chuyện bằng đủ loại ngôn ngữ trên thế giới thì những câu chào, những câu chuyện phiếm bằng tiếng Việt như của tôi và Đ.Long ở những sân bay lớn không phải là hiếm nữa.

Chợt nhớ lại một lần khác sau khi mất hàng giờ xếp hàng với khách du lịch “Tây Tàu”, tôi mới chen chân vào được nhà thờ thánh Peter ở Vatican để chiêm ngưỡng tượng La Pieta lừng danh. Đang đứng đó thì chợt nghe một người đàn ông trung niên bên cạnh trầm trồ bằng tiếng Việt “tuyệt quá”. Hai tiếng ngắn ngủi đó đem cho tôi cái cảm giác như một lời gửi gắm đến Michelangelo: “Có chúng tôi, người Việt Nam, cũng như hàng triệu người khác biết đến chiêm ngưỡng và khâm phục tài nghệ của ông”.

“Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ, gặp nhau hồi chưa biết một hai…”. Vài thập kỷ trước cha ông, chú bác đã lên đường chống ngoại xâm, đến với nhau từ những buổi đầu còn bỡ ngỡ. Còn bây giờ cũng có rất nhiều, rất nhiều người Việt Nam bỡ ngỡ học lãng du, để cùng nhau đem cái “made in Vietnam” đến những nẻo đường thế giới.

N.Khanh, một sinh viên ở TPHCM, vừa làm chuyến du lịch đến vùng sa mạc hẻo lánh Alice Springs ở trung tâm nước Úc. Cô kể, khi lên xe với mấy chục du khách, khi biết cô là người Việt Nam và đi một mình thì mọi người trên xe, chủ yếu là khách Pháp, Tây Ban Nha, Đức… và kể cả cô hướng dẫn viên người Úc, đều tỏ vẻ ngạc nhiên. “Chắc họ đang tự hỏi, tại sao có một người Việt Nam lạc lõng ở đây”, Khanh nói.

Tôi không ở đó nhưng đoán chừng ánh mắt ấy cũng giống y như người hướng dẫn viên du lịch Ai Cập nhìn tôi khi biết tôi là người Việt Nam đang lang thang ở vùng sa mạc cực Nam Ai Cập. Và chắc rằng trong tâm trí của họ, tên Việt Nam đã bắt đầu được ghi lên bản đồ khách du lịch thế giới.

Trên “sân nhà”, những người Việt Nam thích bay nhảy cũng đã cạnh tranh mạnh với những khách du lịch nước ngoài kinh nghiệm. 15 năm trước khi mới vô nghề báo, tôi nhớ có dịp phỏng vấn một cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam và làm chuyến du hành Hà Nội - Sài Gòn bằng chiếc Harley Davidson 1.500 phân khối. Lúc đó lời anh nói “ở Mỹ nhiều người thích đi như tôi nên đây là chuyện bình thường” với nhiều người Việt Nam là chuyện không bình thường. Còn bây giờ chắc số người Việt Nam đi Hà Nội - Sài Gòn chỉ để giải trí bằng xe gắn máy hai bánh không phải là đề tài để báo chí phỏng vấn nhiều nữa rồi. Thậm chí trên diễn đàn phuot.com, thành viên MEM vừa kể lại chuyến đi Bắc-Nam bằng xe đạp ròng rã một tháng trời dưới cái nắng gay gắt mùa hè tháng 6.

Một nhóm bạn trẻ rong ruổi xe hai bánh trên đoạn đường hẻo lánh phía Nam Côn Đảo là điều vài năm trước rất ít gặp. Ảnh: Minh Hùng.

Lãng du thì vô cùng. Mỗi người đi một kiểu. Có tiền đi theo kiểu có tiền, nghèo theo kiểu nghèo. Từ chuyện đi chơi phải theo một tour du lịch chuyên nghiệp, đi công tác phải có người đưa người đón… người ta đã bắt đầu thích đi tự do: tự đặt vé, tự đặt phòng, tự đón xe... Những kiểu kinh nghiệm ngao du tự do đang trở thành một trong những nội dung lớn được chia sẻ qua các nhóm bạn bè, các cộng đồng mạng…

Đã có nhiều trang web được lập ra cho những người thích phiêu lãng như: taybacgroup.com.vn, phuot.com, chudu24.com… Không chỉ ở Việt Nam mà cả những diễn đàn trực tuyến về du lịch lớn trên thế giới như lonelyplanet.com, virtualtourist.com… cũng không phải hiếm khi thấy thành viên từ Việt Nam tham gia chia sẻ.

Cái thú chia sẻ “săn vé máy bay rẻ như thế nào, làm sao để tránh xếp hàng dài khi vào tham quan, đi ruộng bậc thang mùa nào đẹp…” đang trở thành thời thượng.

Những người thích ngao du khi được hỏi đều nói tương tự nhau “đi để biết, để khám phá thế giới, để trải nghiệm những điều trước đây chỉ biết qua sách vở”. T.Quỳnh, một nhân viên trẻ làm việc cho ngân hàng nước ngoài, thích thú kể chuyện tham quan đảo Santorini (Hy Lạp) năm ngoái: “Nước biển lạnh nhưng tôi vẫn xuống tắm, để thỏa mong muốn là đang ngâm mình trong nước biển Santorini. Thấy thôi vẫn chưa đủ!”.

Còn H.Quang, một giáo viên đề ra chỉ tiêu mỗi năm chu du một nước theo dạng ba lô, thì thích đi lang thang một mình, “đi một mình để thích đến đâu thì đến, thích ghé đâu thì ghé”.

Chắc rằng tiềm ẩn phía sau những chuyến đi của hàng ngàn người Việt Nam “mê” đi là để khẳng định cái “tôi tự do”.

Tôi nhớ hoài và thán phục thành viên Vietkyo của taybacgroup.com.vn kể câu chuyện thực hiện chuyến đi bằng xe hai bánh từ Hà Nội lên Lũng Cú (Hà Giang) rồi về Hà Nội gần 1.000 ki lô mét chỉ trong vòng hai ngày. Với khoảng thời gian như vậy chắc là không đủ để ngắm cảnh, để tận hưởng vẻ đẹp, càng không thể thư giãn. Khó thể có gì khác ngoài chuyện đi để thấy “sướng” vì mình được đi.

Sau một thời kỳ vì nhiều yếu tố khách quan, chuyện đi lại hầu như rất khó thực hiện, bây giờ đời sống khá hơn, đất nước “mở cửa” hơn nên đi để thấy mình đang tự do, thấy mình đang là một phần của thế giới. Đi để đem “made in Vietnam” đến khắp nơi và khẳng định rằng chúng tôi đang sống bình thường như cái cách mà thế giới đang sống.

(Theo Minh Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Mùa xuân lên đỉnh non cao
  • Thung Nắng - Thung Nham
  • Hà Nội mờ ảo ngày mưa phùn
  • Phong phú lễ hội thành Bản Phủ
  • Rộn ràng chợ phiên Tủa Chùa
  • Khúc biến tấu vùng cao
  • “Lá Vàng” dừng bước lang thang
  • Về nơi tận cùng tổ quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com