Cách kinh đô Trà Kiệu xưa 500 mét về phía Tây, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chăm ở Duy Xuyên được xem là “miền đất mới” của du khách khi đến thăm quê lụa. Nơi đây lưu giữ những hiện vật mấy ngàn năm tuổi…
Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chăm ở Duy Xuyên. |
Bất ngờ từ hiện vật cổ
Dấu ấn nền văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên là một khối lượng lớn các hiện vật có niên đại trên 2000 năm. Sự phong phú và tinh tế từ các vật dụng của người xưa được thể hiện rất rõ trong bộ trang sức khuyên tai được khai quật tại Gò Dừa (Duy Tân), Gò Mã Vôi (Duy Trung). Sự tinh tế trong chiếc khuyên tai ba mấu dành cho phụ nữ thể hiện vẻ duyên dáng đối lập với khuyên tai hai mấu đầu thú dành cho đàn ông thể hiện sự dũng mãnh, kiêu hãnh và cường tráng. Những viên bi bằng gốm hay những chiếc nồi gốm với đủ các kiểu dáng cho thấy được đời sống tinh thần và vật chất của cư dân Sa Huỳnh ở Duy Xuyên đã phát triển đến mức cao.
Không dừng lại ở đó, du khách sẽ rất thích thú với những hình hoa văn được trang trí trên các vật dụng. Những đường nét bay bướm hình dích dắc, mây mưa… đặc biệt nhiều chiếc nồi được phủ một lớp thổ hoàng cả trong lẫn ngoài và được tô ánh chì. Điều này cho thấy cư dân của nền văn hóa Sa Huỳnh không chỉ dừng lại ở gian đoạn ăn no mà đã tiến đến ăn ngon, không chỉ ăn bằng miệng mà đã “ăn bằng mắt”. Nổi bật trong bộ sưu tập hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên là những quan tài gốm (chum mộ) được khai quật tại di tích mộ táng ở gò Mã Vôi (Duy Trung). Mộ chum là một trong những đặc trưng văn hóa không thể nhầm lần với bất kỳ một nền văn hóa nào khác. Những chum mộ được phát hiện tại Gò Mã Vôi được chôn thẳng đứng, có nắp đậy hình nón cụt với các kiểu hình trái đào, trái xoan, hình cầu… điều này cho người xem hình dung được phần nào quan niệm về cuộc sống tiếp diễn đối với người chết. Người còn sống ở trên đời sinh hoạt, sở thích ra sao sẽ được đối xử và phân chia đúng như vậy khi về thế giới bên kia…
Về Duy Xuyên, không thể không nhắc đến Trà Kiệu, một di chỉ của nền văn hóa Chămpa. Phong cách Trà Kiệu được thể hiện rất rõ ở đầu tượng AvaLokitesvara Trà Kiệu- thế kỷ X với khuôn mặt trái xoan, cặp lông mày thanh tú, đôi môi nở nụ cười nhẹ nhàng, duyên dáng. Tượng vũ công múa lụa với tư thế tam khúc của các thiên thần múa hát trên trời đang dâng hương hoa kính chúc thần linh… Chiêm ngưỡng tượng người và vũ công Trà Kiệu, điều liên tưởng đầu tiên của người xem đó là một một phong cách sống hoành tráng ở kinh thành tráng lệ của một xã hội hưng thịnh, biểu hiện một phong thái thân thiện, hiếu khách.
Bên cạnh sự phong phú về đồ gốm trang trí, đồ gốm gia dụng với màu sắc, hoa văn,… những hiện vật nổi bật của văn hóa Chăm Trà Kiệu và một số vùng phụ cận khác còn mang đến cho người xem những kiến thức về sự giao lưu về tôn giáo, văn hóa của con người vùng đất kinh thành xưa kia. Chiếc Cà ràng hay còn gọi là bếp lò của người Chăm với hình dạng giống như chiếc lá sen cũng đã cho người xem những nhận xét và liên tưởng thú vị. Những hình ảnh về khu đền tháp Mỹ Sơn cùng những bức phù điêu của tháp A1 còn sót lại sẽ cho du khách thêm sự háo hức trước khi về với thánh địa sau hơn 60 phút dừng chân chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những đặc trưng của nền văn hóa đa tầng tại “miền đất mới” Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh- Chămpa Duy Xuyên
Điểm kết nối cho sự phát triển
Có trong tay một Di sản văn hóa thế giới, nhưng ngành du lịch Duy Xuyên vẫn chưa thực sự khởi sắc và phát triển như người anh em Hội An. Lý do nhãn tiền nhất chính là sự thiếu và yếu các cơ sở dịch vụ lưu trú. “ Đoạn đường từ Hội An đi Mỹ Sơn là gần 60 km. Đó là khoảng cách đủ để giữ chân khách nhưng du khách sau khi lên Mỹ Sơn tham quan đều quay về lại Hội An. Nguồn thu từ các dịch vụ cũng như lưu trú là điều quan trọng nhất của du lịch địa phương nhưng Duy Xuyên vẫn chưa có và chưa thể làm được điều đó. Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh- Chămpa là một trong những điểm kết nối quan trọng để khách dừng chân sau khi khu du lịch tâm linh ở Duy Sơn đi vào hoạt đông. Chúng tôi tin tưởng đây là điểm kết nối tốt và là điểm dừng chân không thể thiếu với những ai muốn tìm hiểu và yêu mến nền văn hóa Sa Huỳnh- Chămpa” Ông Trịnh Sơn Hải- Trưởng phòng VHTT huyện Duy Xuyên khẳng định.
Cà ràng - một loại bếp của người Chăm. |
Ra đời với mục đích lưu giữ những hiện vật ngàn năm cổ xưa, giới thiệu cho du khách tìm hiểu sự giao thoa về văn hóa, con người của vùng đất thơ mộng này, Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh- Chămpa là điểm kết nối cần thiết trên trục đường Hội An- Mỹ Sơn. Tuy nhiên nếu chỉ là một điểm kết nối thôi vẫn chưa đủ nếu xung quanh vẫn chưa có được các cơ sở lưu trú, dịch vụ tốt và hấp dẫn du khách. Lợi thế từ vị trí có thể nói đây là trung tâm để từ đó du khách có thể đến làng Phú Bông cách đó không xa, từ đây cũng có thế quá bộ xuống kinh thành sư tử Trà Kiệu xưa, hay chỉ mất 10 phút để vào khu du lịch sinh thái Duy Sơn 2. Ông Lê Trung Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “Thời gian sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư để phát triển dịch vụ lưu trú tại Duy Xuyên. Sự phong phú và đa dạng các sản phẩm du lịch cũng là một trong những tiêu chí của ngành du lịch Duy Xuyên. Điều này đã và đang đặt ra cho chính quyền những mục tiêu cụ thể là làm sao phát triển và vận hành tốt Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa đồng thời có thể biến nơi này thành một địa điểm đem lại nguồn thu tốt cho du lịch Duy Xuyên”.
(Theo QUANG MINH // Báo Quảng Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com