Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rừng nơi cuối đất

Rời bến phà Tắc Cậu (Kiên Giang), chúng tôi đặt chân vào vùng Miệt Thứ - một địa danh nghe rất dân dã. Gọi như vậy vì tên các địa phương nơi đây đều bắt đầu bằng chữ “Thứ”, tiếp sau đó là số thứ tự để xác định vị trí như Thứ Nhứt, Thứ Nhì, Thứ Ba...

U Minh - Rừng nay đã khác

Thu hoạch mận An Phước. Ảnh: Cúc Tần

Con đường nhựa phẳng lì đưa chúng tôi xuyên qua Miệt Thứ cũng là xuyên qua rừng U Minh Thượng. Tiếng là rừng nhưng muốn vào rừng thật sự, còn phải đi sâu vào nơi có khu bảo tồn được gọi là khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng. Tất cả đều trên đất Kiên Giang.

U Minh còn có một cánh rừng nữa nối theo U Minh Thượng, là U Minh Hạ, thuộc địa phận huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Con đường từ thành phố Cà Mau vào đến huyện U Minh dài 40 cây số, cũng vẫn là những ngôi nhà nằm rải rác hai bên đường, trong những mảnh vườn, đằng sau là những cánh đồng xanh mướt.

Cũng giống như ở U Minh Thượng, đi dài theo con đường xuyên U Minh Hạ chỉ thấy mấy cây tràm lẻ loi nằm bên bờ mương, bờ rạch, hoặc những đống tràm nằm chờ vận chuyển đi khắp nơi làm vật liệu xây dựng. Muốn thấy rừng phải vào Vồ Dơi, nơi có Vườn quốc gia U Minh Hạ, một điểm du lịch khá nổi tiếng của Cà Mau.

Rời bến tạm bên chân cầu Biện Nhị, chiếc vỏ lãi phóng như bay đưa chúng tôi đến một điểm rừng U Minh Hạ khác. Trong tiếng máy nổ, trong tiếng gió ào ạt lướt bên tai, anh Trần Văn Thoại, lái vỏ, nói hằng năm, cứ vào tháng 8 và tháng 9 âm lịch, con sông Biện Nhị nầy đầy tràn những con rẹm. Rẹm là loài sinh vật giống cua biển nhưng lớn nhất cỡ ngón chân cái. Tới mùa, người địa phương đổ xô bắt rẹm ướp nước đá chở lên Sài Gòn bán, giá 29.000đ - 30.000đ/kg (năm 2011). Rẹm được chế biến thành một số món ăn ngon, như chiên nước mắm, hấp bia, rang me, rang muối ớt...

Phà “tự chế” đưa khách qua Vườn chim U Minh. Ảnh: Cúc Tần

Chiếc vỏ lãi tiến về chợ thị trấn U Minh, nơi có con sông Cái Tàu chảy ngang. Từ đây, sông Cái Tàu chảy 43 cây số nữa mới nối với con sông Trẹm “lừng danh” qua tác phẩm “Bên dòng sông Trẹm” của nhà văn Dương Hà. Sông Cái Tàu nổi tiếng với những trận đánh trong chiến tranh trước đây. Cái Tàu còn nổi tiếng với vườn dâu (dâu miệt dưới) cùng nghề đan đát, dệt chiếu...

Nhưng vỏ lãi chỉ chạy một đỗi trên sông Cái Tàu thì rẽ vào con rạch nhỏ, trong chốc lát thì cặp bến. Chỉ mất đúng 15 phút từ khởi đi, chúng tôi đã đặt chân lên bìa rừng U Minh Hạ, đứng trên nền đất trước một ngôi nhà, sát bên có con rạch khác chảy qua. Trước mắt chúng tôi là một chiếc phà “tự chế”, được thiết kế bằng mấy cái thùng phuy bên dưới một sàn gỗ có hàng rào thấp bảo vệ, nổi bập bềnh trên mặt nước. Hàng rào phà có hai sợi dây thừng nối với sợi dây thừng khác giăng ngang rạch. Đứng yên vị trên phà, dùng tay kéo dây thừng giăng ngang rạch, lần tới, chiếc phà “tự hành” đưa chúng tôi sang bờ bên kia. Đó là Vườn chim U Minh.

Vườn chim U Minh

Vườn chim U Minh, xã Khánh Thuận, là điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn của đất Cà Mau nhưng chỉ những người “ham chơi” mới biết. Chúng tôi là số hiếm trong đó, nhờ có “thổ địa”. Chủ vườn là ông Năm Quốc, 50 tuổi, chuyên nghề đi rừng. Vợ ông Năm là bà Nguyễn Hồng Nhẫn, 49 tuổi, tiếp chúng tôi; bà cho biết, vợ chồng bà lãnh bảo vệ 100 héc ta đất rừng, phần lớn là tràm của rừng U Minh Hạ nầy vào khoảng 7 năm trước. Nhận thấy đây là nơi còn khá nhiều chim chóc và thú quý hiếm, đặc biệt cảnh quan yên ả, không khí thanh sạch, hai vợ chồng bà bắt tay vào làm du lịch.

Chòi dành cho du khách trong Vườn chim U Minh. Ảnh: Cúc Tần

Đất dành cho du lịch trong mênh mông đất rừng nhận lãnh của hai vợ chồng bà đủ để khách nhàn tản thả bộ trên những chiếc cầu xi măng bắc quanh co qua các cây tràm cổ thụ đầy dây chớn dây choại dây bòng bong để đến 7 chiếc tum (chòi) ẩn trong bóng cây rừng mát lạnh giữa mùa nắng nóng...

Trong khi chờ món ăn, chúng tôi ngồi vỏ lãi theo những con rạch nhỏ thuần một màu nâu đỏ đặc trưng, len lỏi qua rừng tràm. Rừng tràm U Minh là nơi chuyển tiếp hai hệ sinh thái ngập nước thường xuyên kiểu rừng khô ẩm, có tính sinh học rất cao. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, như diệc mốc, diệc lửa, cồng cộc, cò trắng, điên điển, quốc, ốc cao...

Điều bất ngờ là khi vỏ chúng tôi lướt qua mấy vạt đất trồng thuần một loại mận An Phước. Đất rừng mặn phèn vậy mà lại là nơi phát triển hết sức thích hợp cho loại mận vốn đặc trưng của vùng sông sâu nước ngọt. Mận nơi đây đặc ruột, cắn trái nào cũng ngọt lịm chân răng. Đó là “rừng” mận An Phước hàng trăm cây của ông Năm Quốc. Mỗi ngày công nhân hái khoảng 2 tấn, chở ra chợ Cà Mau bán, giá 12.000đ - 13.000đ/kg.

Cá đồng Cà Mau xưa kia nổi tiếng nhiều vô số kể. Nay không còn được như xưa, nhưng ở đây người ta vẫn không có khái niệm "nuôi” cá, mà cứ đánh bắt từ thiên nhiên, con nào con nấy “bự xộn”. Điều nầy chúng tôi đã tận mắt chứng kiến khi bà Nhẫn dọn thức ăn lên bàn. Cái lẩu cơm mẻ trắng đục làm nổi bật cái đầu con cá lóc với những sớ thịt trắng ngần, trông bắt thèm. Bên cạnh đó là dĩa rau xanh “ế pinh”, toàn rau "siêu sạch" mọc tự nhiên như rau cóc, rau huyết bò, rau đắng đất. Rồi dĩa cá trê trắng chiên giòn, dĩa lươn xào sả ớt.

Nhưng hấp dẫn nhất là chai rượu trái giác. Loại rượu nầy được ông Năm Quốc đặc chế từ trái giác, thuộc họ nho mọc nhiều ở những cánh rừng tràm U Minh Hạ, nên còn được gọi là nho rừng. Trái giác trộn với đường phèn, men xiêm (loại làm cơm rượu) quết nhuyễn, để lên men. Sáu tháng sau thành phẩm, hương vị đậm đà. Bà Nhẫn cho biết rượu để trên 1 năm thơm ngon “hết biết”, uống vào chỉ lâng lâng chớ không hề say. Rượu trái giác có mùi thơm đặc trưng với mùi hoang dã của nó, ngọt dịu, rất phù hợp với các món đặc sản của chốn rừng sâu nầy.

Ngoài rượu trái giác (30.000đ/chai 1/2 lít), ông Năm Quốc còn sản xuất mắm lóc (160.000đ/kg), mắm sặt (130.000đ/kg) và mật rừng. Mắm lóc, mắm sặt là nghề gia truyền của bà Nhẫn. Còn mật (200.000đ/kg) thì ở đây “ê hề”. Các đặc sản Cà Mau nầy ngoài bán tại chỗ (tháng 5 tới tháng 7, tết Nguyên đán bán rất chạy hàng) còn tham dự rất nhiều hội chợ trong nước. Mắm và mật ong, mỗi năm ở đây bán ra vài ba tấn...

Vỏ lãi vượt cạn - sáng tạo của Hai Lúa Cà Mau

Đang thưởng thức các món cá đồng săn chắc thịt, chúng tôi nghe phía trước vườn tiếng máy nổ ồn ào. Chạy ra xem, phát hiện một điều kỳ thú khác. Đó là người ta đang kéo vỏ lãi qua đập. Chiếc vỏ lãi với người và hàng hóa yên vị trên một đường rầy, được một chiếc máy nổ đặt bên hông nhà vận hành vỏ lãi qua đập nước một cách nhẹ nhàng. Thật là tuyệt vời. Cách đưa ghe, tàu qua đập vốn rất phổ biến ở mảnh đất cuối trời phương Nam nầy từ hàng mấy chục năm qua.

Kéo vỏ lãi qua đập. Ảnh: Cúc Tần

Đó là giải pháp sáng tạo của hai người nông dân ở đập Hai Hạt, ngã ba sông Gành Hào, cách thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) 3 cây số. Đó là anh Hai Ô Rê, thợ cơ khí và anh Ba Quân làm thợ mộc. Sau hai tháng mày mò, hai người thợ nầy đã thành công, đưa chiếc máy kéo ghe qua đập của mình vào hoạt động, vào năm 1989. Từ đó giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân vùng sông nước chằng chịt Cà Mau cùng một số nơi khác có rất nhiều đập ngăn mặn hết sức tiện lợi.

Độc đáo và tài tình là ấn tượng khó phai khi chúng tôi tiếp cận được ở cánh rừng nơi cuối đất nầy. Đó là đưa ghe tàu qua đập, là chiếc phà nhỏ, đều là những sáng tạo đơn giản nhưng hiếm có; là việc giữ rừng bằng cách làm du lịch sinh thái.

Ngày nay, rừng U Minh dù không còn cảnh u u minh minh (tối sáng chập chờn), chốn hiểm nguy cho những ai có máu phiêu lưu thám hiểm với đầy dẫy những cọp beo, rắn rít, sấu, trăn, chim chóc... vẫn còn lại chút gì U Minh xưa cho con cháu sau nầy. Hy vọng sự gìn giữ nầy sẽ ngày càng phát huy tác dụng tốt, để U Minh rậm rạp trở lại gần như thuở ... chưa xưa lắm!

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Vườn cò Bằng Lăng
  • Xóm lò đất dưới chân núi Pnom Pu
  • Chợ tình Khau Vai
  • Chợ Đồng Xuân và Sapa ở xứ Tây
  • Nhà cổ ông Cả Bá ở Thốt Nốt
  • Hành hương núi Kéc
  • Về Châu Đốc viếng núi Sam
  • Giếng Ngọc ở đền vua Hùng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com