Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xóm lò đất dưới chân núi Pnom Pu

Bà Neang Nhuê giữa những lò đất chưa nung. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết

Từ thị trấn Tri Tôn qua cầu Cây Me rồi rẽ vào chợ đi về hướng Ba Chúc chừng bảy cây số là đến xã Châu Lăng, một trong bốn xã của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nằm dọc theo tỉnh lộ 955B, dưới chân núi Cấm. Châu Lăng đã từng nổi tiếng hàng trăm năm trước với nghề làm gốm thô của người Khmer ở ấp Nam Qui (Nam Vi, Pnom Pi hay Pnom Pu có nghĩa là núi Đôi).

Theo sách “Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam bộ(*) thì từ thế kỷ XX “Nghề làm gốm của người Khmer Tri Tôn rất phát triển. Các nơi về ăn hàng đồ gốm đậu chật bến sông Tri Tôn kéo dài dọc hai bên cầu làng Me…”. Ở sóc Pnom Pu (nay là ấp Nam Qui) hầu hết các hộ gia đình đều làm gốm thô bằng đất lấy dưới chân núi Pnom Pu trong những lúc nông nhàn và tất cả các công đoạn đều do bàn tay người phụ nữ.

Tương truyền, người Khmer xưa đã sang tận Kompong Chhnang - một tỉnh của Campuchia ở phía nam Biển Hồ (Tonlé Sap) - học nghề làm gốm rồi trở về đây biến nó thành một thương hiệu nổi tiếng “Gốm thô Xà Tón”, không chỉ bán trong nước mà còn xuất cả sang Campuchia cạnh tranh với lò gốm gốc Kompong Chhnang nữa.

Vậy mà bây giờ, khi tìm đến làng gốm dưới chân núi Pnom Pu nằm trong dãy Ngọa Long Sơn (Núi Dài), dãy núi dài nhất trong Thất Sơn, tôi và mấy người bạn phải chạy vào một con đường đất ngoằn nghoèo, vừa đi vừa hỏi đường mới đến được xóm làm gốm, nơi chỉ còn chục hộ gia đình còn theo đuổi nghề truyền thống của ông cha.

Căn nhà đầu xóm bày la liệt cà ràng, lò đất đủ loại lớn nhỏ. Bà Neang Nhuê khoảng bảy mươi tuổi, ngồi giữa đám cà ràng cho biết bà theo nghề từ năm mười mấy tuổi, ba đứa con cũng vậy. Thực ra chính cô con gái tên Neang Uk ngồi bên cạnh, sau khi hỏi mẹ đã nói lại với chúng tôi như vậy, bởi bà Nhuê không nói được tiếng Việt. Chúng tôi đành quay qua hỏi chuyện cô con gái và cô con dâu tên Neang Phượng. Họ cho biết, ở đây hiện chỉ còn khoảng chục hộ nặn nồi đất, nắn cà ràng thôi. Số gia đình này còn bám nghề này để sống vì họ không có ruộng.

Neang Uk làm vĩ lò. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết

Cô gái cho biết cả nhà năm người đều sống nghề này. Anh trai Chau Sok Nuk mỗi ngày đi xe đạp lên núi Cấm thồ về hai bao đất cho vợ và em gái làm. Trước đây còn lấy đất ngay núi Pnom Pu nhưng đất ở đây đã cạn kiệt rồi nên phải lên núi Cấm. Xóm Khmer này nghèo lắm, trước đây thậm chí còn không có cái nhà ở cho tử tế; chỉ mới từ năm 2009 trở lại đây, họ được cấp "nhà tình thương" nên cả xóm giờ đều có nhà gạch. Nhưng khi hỏi, “nhà có ai đi học không?” các cô gái đều lắc đầu. Có lẽ do cuộc sống khó khăn quá, không ai nghĩ đến chuyện học hành của con cháu?!

Cô con dâu Neang Phượng đang nhồi đất nắn cà ràng cho biết, mỗi ngày nếu tập trung làm thì một người có thể nặn được từ 3 đến 4 lò lớn hoặc 7, 8 cái lò nhỏ. Đất đem về được giã cho tơi ra. Lượm bỏ các hạt sạn rồi đem nhồi với nước cho vừa nặn là được. Các loại cà ràng, nồi đất, lò đất... lớn nhỏ đều nặn bằng tay với một vài dụng cụ thô sơ. Chẳng hạn sau khi nặn thành hình chiếc cà ràng, người Khmer thường dùng một thanh gỗ mỏng gọi là sdam để vỗ đất và một ống hình trái cam có núm cầm gọi là kaleng để nong bên trong. Nhờ vậy vành cà ràng sẽ mỏng đều và cân đối. Sản phẩm thô làm xong phơi ba bốn nắng cho khô rồi chất đống, phủ rơm và củi đốt chừng hai tiếng là xong.

Neang Phượng đang nhồi đất. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết

Công việc sản xuất các sản phẩm gốm thô với những người phụ nữ trong nhà này đúng là nghề duy nhất để mưu sinh. Vậy mà khi tôi hỏi chuyện lời lãi, hai cô gái đều cười, lắc đầu. Chỉ biết, cà ràng hay lò lớn giá chín chục ngàn một cái, cỡ vừa năm chục, nhỏ mười lăm, hai chục tùy loại, vậy thôi. Ba bốn ngày bạn hàng lại chở đi vài chục cái. Củi và rơm đốt đều phải mua, vì ngoài căn nhà gạch 4m x 6m nhà nước cất cho, những người thợ gốm ở đây không còn gì nữa.

Tôi nhìn cô con dâu Neang Phượng đang nắn vuốt chiếc cà ràng nhỏ, đôi tay trắng trẻo giống như cô em chồng. Nếu gặp ngoài sóc, khó biết các cô là người Khmer. Lại nghĩ về những cái tên Neang Uk, Neang Phượng  hay Chau Sok, Chau Nghech mà chạnh lòng. Bởi đó có phải là họ đâu. Neang để chỉ con gái và Chau chỉ con trai. Giống như chữ lót “Thị” và “Văn” trong tên của người Kinh thôi. Càng ngậm ngùi hơn khi nghĩ đến cái quá khứ rực rỡ của làng gốm thô dưới chân núi này. Giờ cả xóm nghề truyền thống chỉ thu lại hơn chục hộ gia đình.

Mai này, những chiếc cà ràng, những nồi đất, những khuôn bánh khọt biết có còn đất sống bên những bếp ga, những nồi inox, nồi thủy tinh không? Và cái xóm nghèo, hiu hắt dưới chân ngọn núi Đôi - Pnom Pu rồi sẽ ra sao?!

__________________________________________________________________________________________

(*) Sách của nhiều tác giả, do hội Văn học Dân gian Việt Nam chủ biên. Ý kiến trích dẫn là trong bài của tác giả Trương Thanh Hùng, chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chợ tình Khau Vai
  • Chợ Đồng Xuân và Sapa ở xứ Tây
  • Nhà cổ ông Cả Bá ở Thốt Nốt
  • Hành hương núi Kéc
  • Về Châu Đốc viếng núi Sam
  • Giếng Ngọc ở đền vua Hùng
  • Dạo chơi trên sông Son
  • Phố cổ Bao Vinh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com