Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thác Bản Giốc- kho báu bao giờ mở cửa?

Trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, ai cũng muốn được một lần tới thăm thác Bản Giốc - Cao Bằng - một khung cảnh hùng vĩ và tuyệt đẹp. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch ở đây còn quá nghèo nàn, chưa xứng với những gì được thiên nhiên ban tặng.

Bản Giốc là một thác lớn trên sông Quây Sơn giữa một không gian hùng vĩ  vào loại đẹp nhất ở Việt Nam thuộc địa phận xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ độ cao trên 30m, dòng sông như dải lụa đổ xuống những tảng đá làm trắng xóa cả một vùng rộng lớn. Dưới chân thác vẫn là mặt sông rộng, phẳng như gương. Mùa này, cánh đồng dưới chân thác đã gặt xong, chỉ còn lại những gốc rạ vàng. Từ đây, nhìn xung quanh đôi bờ là màu xanh trầm mặc của những rặng núi uy nghi như trường thành; những thảm cỏ, vạt rừng xen lẫn màu trắng của thác nước vẽ nên bức tranh sơn thủy tuyệt bút.


Thác Bản Giốc là một kho báu đích thực. Nhưng cánh cửa dường như vẫn đóng nguyên. Lâu nay Cao Bằng mới chỉ tập trung  khai thác ở dạng tiềm năng. Việc đầu tư, phát triển du lịch mang tính quy mô, chuyên nghiệp mới chỉ là dự kiến. Vì vậy, bất kỳ khách du lịch nào đặt chân đến thắng cảnh nổi tiếng của đất nước vùng cực Bắc đều không khỏi chạnh lòng bởi sự thô sơ, nghèo nàn về hạ tầng và các dịch vụ du lịch ở đây.

Tốc độ mở mang rất chậm

Vài năm nay, đường giao thông từ thị xã Cao Bằng tới thác Bản Giốc đã được sửa sang, nâng cấp khá tốt. Tuy nhiên, đoạn đường dài chừng 1km từ đường nhựa vào khu du lịch vẫn là đường đất chật hẹp. Để có thể tới được chân thác phụ tham quan, phải vượt qua 2 chiếc cầu tre thô sơ, đã cũ kỹ theo thời gian. Theo lời kể của các chiến sĩ Trạm biên phòng Bản Giốc, chiếc cầu tre tự tạo dẫn sang chân thác phụ do một người dân xã Đàm Thủy tự đứng ra thực hiện và thu phí. Còn bên cạnh chiếc cầu tre đầu tiên vào khu du lịch mới chỉ có 2 mố cầu bằng đá đã đứng sừng sững. Phần thân cầu có lẽ vẫn phải tiếp tục chờ dài dài.

Đường vào khu du lịch

Chuyện cầu đường vẫn là chuyện lớn đòi hỏi phải có kinh phí đầu tư của cả trung ương và địa phương. Nhưng những dịch vụ du lịch khác cũng không khá hơn mặc dù Cao Bằng hoàn toàn có thể tự đầu tư và thực hiện. Đáng tiếc qua nhiều năm, mọi thứ vẫn không hề đổi khác. Quanh khu vực phụ cận gần như chưa có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Vì thế nếu có ý định lưu lại vài ngày để khám phá thiên nhiên và cuộc sống cộng đồng các dân tộc ít người vùng thác Bản Giốc, khách du lịch sẽ phải quay ngược lại thị trấn Trùng Khánh cách đó chừng 40km mới có thể tìm một nhà nghỉ gần nhất. Các dịch vụ vui chơi, giải trí khác cũng trong tình trạng tương tự. Tại đây, duy nhất có dăm bảy chiếc mảng dùng chở khách tới chân thác Bản Giốc. Nhưng xem ra dịch vụ này cũng không đắt khách. Trong vòng hơn một giờ đồng hồ đứng ở đây vào một sáng cuối tuần tháng 10, chúng tôi chỉ gặp một đoàn chừng hơn 10 người khách. Nhưng họ cũng chỉ tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Còn những chiếc mảng vẫn đậu im lìm không ai hỏi đến. Đó là chưa kể, đội ngũ nhân lực làm dịch vụ ở đây thuần túy là nông dân tranh thủ tiết nông nhàn.

Hàng lưu niệm bày bán tại Bản Giốc cũng chẳng có gì đáng nói. Hai dẫy quầy  mở dọc lối đường vào thác là những lán tre ghép vội, mái phủ bạt ni lon che tạm nắng mưa, lụp xụp và sập xệ. Các sản phẩm lưu niệm  phần lớn là hàng Trung Quốc nhưng là loại "hàng huyện" thô kệch và kém chất lượng. Trong khi đó, hàng Việt và nhiều đặc sản của Cao Bằng lại không thể tìm thấy ở đây.

Sau khi Việt Nam-Trung Quốc hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới đất liền, hai bên đã nhất trí hợp tác phát triển du lịch ở thác Bản Giốc. Nhưng xem ra, việc đầu tư, kinh doanh du lịch phía Trung Quốc có bài bản và hết sức kỹ lưỡng với hệ thống đường xá, nhà hàng, khách sạn, được xây dựng khá hoàn hảo; những chiếc thuyền du lịch kết cờ, hoa phục vụ khách thăm thác nhộn nhịp đi lại trên sông có tới cả ngàn người mỗi ngày.

Nhưng phía Cao Bằng bên này, mọi thứ dường như vẫn y nguyên.

Hãy bắt đầu từ viên gạch nhỏ

Hàng lưu niệm nghèo nàn và phần lớn là hàng địa phương của Trung Quốc


Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc được Chính phủ phê duyệt, khu du lịch thác Bản Giốc có quy mô khoảng 1.000 ha và sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn, từ năm 2007 tới năm 2020. Trong đó, giai đoạn đầu (2007 – 2010), tập trung vào việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thiết yếu phục vụ khách du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và môi trường, phấn đấu đón khoảng 90.000 lượt khách du lịch năm 2010; 350.000 lượt năm 2015 và khoảng 1 triệu lượt khách năm 2020. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40 triệu USD.

Trong chương trình phát triển các khu du lịch trọng điểm của Cao Bằng từ năm 2006 đến năm 2010, khu du lịch Thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao là một trong bốn khu vực chính được tỉnh ưu tiên đầu tư. Tuy chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách ưu đãi, mời gọi nhưng sức hút đầu tư với du lịch Cao Bằng vẫn còn hạn chế. Năm 2010 đang tới gần nhưng dường như mọi thứ vẫn chưa chuyển biến là bao.

Để có thể hoàn thành mục tiêu phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc theo chiến lược đã hoạch định, Cao Bằng còn quá nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, mọi dự định kiến thiết dù lớn lao bao nhiêu đều phải bắt đầu từ viên gạch nhỏ nhất. "Viên gạch nhỏ" ở đây chính là ki lô mét đường vào thác cần phải được kiến tạo trước tiên. Ít nhất hãy để cho các nhà đầu tư bước tới đây một cách nhẹ nhàng hơn và dễ hình dung hơn về không gian và tầm vóc của kho tàng du lịch sau khi mở cửa. Điều này có lẽ Cao Bằng không cần phải chờ đợi ngân sách quốc gia!

Một số hình ảnh về khu du lịch Thác Bản Giốc:

Mới chỉ có mố cầu nằm chờ

Cầu tre dẫn vào chân thác phụ trên lãnh thổ Việt Nam

  

Quầy hàng lưu niệm không được đầu tư, lụp xụp và xập xệ

  

 Bên kia và…. bên này

Bên kia sông Quây Sơn, nhiều nhà cao tầng nhanh chóng được xây dựng


(Theo vovnew/Hà Giang)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Hang Cọp - ẩn chứa vẻ đẹp hoang dã của núi rừng
  • Đông vui lễ hội Say sán Bắc Hà
  • Ấn tượng Mường Khương
  • Phiên chợ đồng văn
  • Di tích nhà họ Vương ở Sà Phìn
  • Ấn tượng Ngọc Khê
  • Đến thăm Vạn Thuỷ Tú, nơi thờ cá Ông ở Phan Thiết
  • Cù lao Chàm - Quảng Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com