Một sáng đẹp trời, tôi có dịp đặt chân lên đảo cùng mấy người bạn, khám phá thế giới của các hậu duệ "lão Tôn". Hóa ra có khối chuyện hay và cảm động xung quanh lũ khỉ cũng như với những người nuôi chúng...
“Chúa đảo” Long gắn bó với đảo khỉ đã 28 năm...
Đảo Rều có diện tích 22ha, nằm cách cảng Vũng Đục chừng 1km. Trong khi các đảo xung quanh hầu hết là đảo đá thì trên đảo Rều đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, có nhiều cây cổ thụ to cỡ vòng tay người ôm. Đó chính là lý do năm 1962, đảo Rều đã được Bộ Y tế chọn là nơi nuôi khỉ để điều chế vacxin, theo gợi ý và chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Kể từ đó đến nay, nơi đây giống như một động "Hoa Quả Sơn" trong thiên truyện Tây Du ký.
Nhờ hai anh bạn tên Trung và Hưng, công tác ở Công ty Quản lý đường sông 3, vốn quen biết với anh em trên đảo, đi cùng, nên chuyến đi ra đảo Rều của tôi khá thuận lợi. Ấn tượng đầu tiên ngay khi đặt chân lên đảo đó là các con đường chạy vòng quanh đảo sạch sẽ, với những hàng dừa cao vút, rừng phi lao, bạch đàn vi vu; tiếng chim cu, chim sáo gọi nhau nghe thật yên bình.
Bác sĩ thú y Vũ Công Long - "chúa đảo" như anh tự giới thiệu - đón chúng tôi niềm nở. Ngay sau lời chào hỏi làm quen, "chúa đảo" Long đã say sưa nói về khỉ. Anh bảo khỉ là loài vật rất thông minh, chúng có đủ hỉ-nộ-ái-ố giống như con người. Hai mươi tám năm gắn bó với đảo, anh gần như thuộc lòng đặc tính của loài vật này.
Theo chân "chúa đảo" hướng dẫn, chúng tôi cùng đến khu nhà cho khỉ ăn. Đó là một căn nhà 8 mái không cao lắm. Trong nhà lúc này đang có khoảng 50-60 con khỉ đang bốc cơm ăn.
Thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, cả lũ bỏ chạy ra ngoài, con leo lên cây, con nhảy lên đống củi. Một số con khỉ lớn nhe răng, kêu "khẹc, khẹc" dọa những vị khách lạ. Gần với khu nhà ăn là nhà bếp để công nhân nấu cơm cho khỉ. Cả cửa chính, cửa sổ đều được bịt các lưới sắt mắt nhỏ - theo anh Tuấn, công nhân đảm trách vệ sinh - là để chống khỉ vào… ăn vụng. Sơ sểnh một tý, chúng có thể lẻn vào bốc đồ, nghịch hỏng hết dụng cụ.
Đi qua một con dốc nhỏ cắt ngang đảo, chúng tôi cùng đến một khu nhà ăn khác. Nơi đây, khoảng 40 con khỉ cũng đang dùng bữa trưa. Một số khỉ mẹ ăn xong đưa con ra ngoài uống nước trong một bể nhỏ, số khác bắt rận cho nhau, động tác của chúng nom thật khéo léo. Lạ là khi anh Long đi đến, lũ khỉ ngước lên nhìn rồi như phát hiện ra "người nhà", chúng lại cúi xuống bốc cơm ăn, ấy nhưng hễ tôi tiến lên là chúng cảnh giác, lùi xa.
Theo "chúa đảo" Long, giống khỉ nuôi trên đảo này thuộc họ khỉ vàng Đông Nam Á, có tên khoa học là Maccaca Mullata, với đặc điểm lông vàng nhạt, đít đỏ, đuôi ngắn và đặc biệt là phần lông ngực màu xám.
Tại đây, chúng được nuôi theo phương pháp bán tự nhiên, tức là không nhốt nhưng ăn thức ăn do con người cung cấp. Mỗi ngày, lũ khỉ được ăn hai lần vào 9 giờ sáng và 2 giờ chiều, thức ăn cơm gồm cơm gạo lứt trộn đậu đen hoặc đậu tương, lạc nhân và có chút muối. Riêng củ quả tươi mỗi tuần hai lần, có thể là chuối, ổi, mía, khoai lang v.v...
Giống như nhiều loài khác, tổ chức bầy đàn của khỉ rất cao. Mỗi đàn khoảng 30-40 con, do một khỉ đầu đàn chỉ huy. Khi ăn, khỉ đầu đàn thường ăn trước, rồi mới đến khỉ cái, khỉ con. Có khi, khỉ đầu đàn canh cho đàn ăn trước rồi nó mới ăn sau. Ngoài duy trì giống nòi, khỉ đầu đàn còn có trách nhiệm bảo vệ lãnh địa cho cả bầy đàn.
Tuổi thọ trung bình của khỉ là 30 năm. Khi đạt 4-5 tuổi thì đến tuổi sinh sản. Khỉ cái mang thai 6 tháng. Sau khi đẻ, khỉ cái có thể mang thai lứa tiếp theo. Một đời, chúng có thể đẻ từ 7-10 lứa. "Chúa đảo" Long cho biết, gần 50 năm đảo khỉ ra đời, những người nuôi khỉ đã 3 lần chứng kiến khỉ sinh đôi.
Vừa uống nước, các “hầu vương” vẫn cảnh giác với khách lạ
Dạo bước dưới hàng dừa đi ngắm khỉ, tâm sự với tôi "Chúa đảo" Long bảo có lẽ cuộc đời anh gắn bó với lũ khỉ cũng là… duyên tiền định.
Sinh ra ở xã Phong Cốc (Yên Hưng), anh ra Đảo khỉ công tác từ năm 1982. Tại đây, anh đã gặp và nên duyên với chị Lê Thị Tuyết Dung. Chị Dung là con gái rượu của nguyên "Chúa đảo" Lê Duy Thinh. Chị Dung được mẹ đẻ rơi trên đảo, lớn lên đi học ngành kỹ sư chăn nuôi, rồi trở lại đảo gắn bó với lũ khỉ đến bây giờ. Anh chị sinh được 1 gái, 1 trai, giờ cháu gái đang học đại học và cháu trai lớp 10. Từ nhỏ đến khi đi học, các con của anh chị đã phải gửi vào trong bờ với ông bà để cha mẹ ở đảo lo cho lũ khỉ. Cả hai anh chị đều yêu hòn đảo và tận tâm với lũ khỉ. Thảng tuần hoặc hai tuần, anh chị lại thay nhau ghé qua nhà xem con cái học tập thế nào, rồi lại tất tả trở lại đảo.
Bữa cơm trưa ở đảo khỉ, "Chúa đảo" Long thết đãi chúng tôi có canh cá, cá rán do anh em công nhân tự đánh lưới được. Cùng ngồi có cả hai anh em Phạm Minh Tuấn, Phạm Minh Thái là công nhân, kỹ sư chăn nuôi.
Điều thú vị là cả cha mẹ hai anh em Tuấn, Thái là ông Phạm Văn Khiêm và bà Phạm Thị Lấy (hiện ở tổ 90A, phường Cẩm Trung, Cẩm Phả) đều gắn bó với đảo khỉ gần 40 năm cho tới khi về hưu. Hai ông bà gặp gỡ, nên duyên với nhau cũng từ đảo khỉ này. Nay ngoài 2 con trai nối nghiệp, ông bà còn có cả con dâu (vợ Tuấn) cũng làm công nhân trên đảo.
Hiện nay, quân số của "Chúa đảo" Long tổng cộng là 14 người, trong đó có đến 3 cặp vợ chồng. Mỗi gia đình công nhân được cho mượn một căn nhà. Mọi chi phí cho sinh hoạt, các gia đình tự lo.
Đất trên đảo khá màu mỡ, có thể trồng được nhiều loại rau củ quả, nhưng không gia đình nào tăng gia được, phải gửi mua từ đất liền ra từ mớ rau, củ hành, đơn giản là tại… khỉ.
Lũ khỉ vốn tinh khôn, nghịch ngợm nên không loại rau củ nào tồn tại được với chúng. Ngay cả nhãn, vải, cứ ra hoa là chúng đã bứt rồi. Gia đình nào nuôi gà thì phải quây lưới mắt nhỏ kín quanh chuồng, bởi nếu gà con chạy ra ngoài là khỉ tóm lấy vặn cổ cho chết. Nếu nuôi chó thì phải nuôi từ nhỏ để chúng làm quen với khỉ, chứ bắt chó lớn ra đảo thì chúng sẽ cắn chết khỉ.
Như thế chưa đủ, các gia đình khi đi ra ngoài đều phải cài cửa chặt, bởi sểnh ra là khỉ lẻn vào trộm đồ, chúng tha tất cả các thứ lấy được lên ngọn cây, cái gì ăn được thì ăn, cái không ăn được thì chuyền tay nhau… cắn rách.
Anh Long bật mí, gần đây có một nàng khỉ cái rất hay đến cửa nhà anh. Cô nàng cứ đứng chờ chủ nhà phải cho cái gì mới đi. Ấy vậy nhưng rất khó chạm tay được vào nàng.
Hàng tháng, anh Long chỉ đạo anh em lựa chọn những con khoẻ mạnh, nhốt riêng để chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ (Bộ Y tế).
Tại đây, các nhà khoa học sẽ chiết xuất ra nhiều loại vaccine phòng chống bại liệt, viêm gan A, Rotavirus (tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp) và gần đây là vaccine phòng chống H5N1.
Do tính chất công việc nên việc đảm bảo vệ sinh, dịch bệnh trên đảo được coi là số 1. Vì thế mà đảo khỉ không đón khách du lịch, chỉ hãn hữu các nhà nghiên cứu, khách của Bộ Y tế (hoặc nhà báo như tôi) mới được phép lên đảo.
"Chúa đảo" Long cho biết do đảo nuôi khỉ nên có đoàn khách đến đảo đem theo cả trẻ con. Những trường hợp này, anh phải cắt cử anh em trông chừng vì trẻ em thường được tiêm vaccine phòng bệnh. Chỉ một bãi nước tiểu của trẻ tè ra, từ hộp sữa uống dở trẻ vứt ra gốc cây, lũ khỉ ăn, liếm phải sẽ tiếp nhận kháng sinh vào cơ thể. Rồi từ con khỉ đó nhân giống ra bầy đàn thì sẽ hết sức tai hại vì khi đó sẽ không chiết xuất được vaccine nữa.
Có thể nhận thấy, cuộc sống của những người nuôi khỉ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với những người tôi đã tiếp xúc như vợ chồng "Chúa đảo" Long, anh em Tuấn, Thái và một số công nhân khác, tất cả họ đều toát lên một tình yêu với công việc họ đang gắn bó.
Đưa tôi đi một vòng quanh đảo, dưới những hàng cây bóng mát, sạch sẽ, "Chúa đảo" Long say sưa nói về các công việc và dự định mà anh đã, đang và sẽ làm. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu phát triển, bảo vệ an toàn cho đảo khỉ, đáp ứng yêu cầu sản xuất vaccine chữa bệnh cho con người.
Chiều muộn, con thuyền máy do Tuấn điều khiển đưa tôi, Trung và Hưng trở lại bờ. Đảo khỉ dần xa, đọng lại trên nền biển là bóng "Chúa đảo" Long đứng trên cầu tàu, vẫy tay tạm biệt.