Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tòa thánh Cao Đài: Kiến trúc tôn giáo độc đáo

Tòa thánh Tây Ninh uy nghi vào ban ngày và lung linh vào ban đêm.

Du lịch đến Tây Ninh, du khách nào cũng dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp công trình kiến trúc độc đáo của Tòa thánh Cao Đài. Các tín đồ gọi là Đền Thánh. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo bởi sự kết hợp hài hòa giữa đông - tây, kim - cổ...

 

Đạo Cao Đài ra đời là sự đồng nguyên 3 nền tôn giáo lớn Phật giáo, Tiên giáo và Nho giáo. Công trình kiến trúc của Đền Thánh cũng thể hiện được sự đồng nguyên đó. Vì thế, du khách là tín đồ của tôn giáo khác hoặc không phải là tín đồ khi đến đây đều tìm được không khí gần gũi, ấm áp. Công trình được khởi công xây dựng từ năm Tân Mùi (1931), hoàn thành vào năm Đinh Hợi (1947). Đền quay mặt về hướng Tây, chiều dài 135 m, chiều rộng 27 m, lầu chuông và lầu trống cao 36 m... Nhìn tổng thể từ bên ngoài, Đền Thánh có hình Long Mã bái sư rất uy nghi và dũng mãnh. Nét đặc biệt không thể lẫn lộn với các kiến trúc khác là Đền Thánh mang được nét hài hòa của kiến trúc đông - tây, kim - cổ. Hai lầu chuông và trống nằm ở chính diện cao vút như những gác chuông của nhà thờ phương Tây. Mái ngói cong uốn lượn nhiều tầng bậc lại mang dáng dấp của những ngôi chùa phương Đông. Tứ linh hội tụ và hoa sen xuất hiện xuyên suốt trong công trình là dấu ấn văn hóa tâm linh của người Việt.

 

Các kiến trúc sư khi đến tham quan Đền Thánh rất ấn tượng bởi lối kiến trúc của sự dung hòa các nền văn hóa và tâm linh, trang nghiêm nhưng không hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Khi đặt chân vào nội thất, du khách như bị choáng ngợp bởi vẻ uy nghi, trang trọng của mái vòm và những hàng cột chạm trổ rồng uốn lượn rất tinh vi. Không gian nội thất nào cũng mát mẻ, kể cả lúc thời tiết bên ngoài hơn 36-400C. Đền Thánh tận dụng được ánh sáng và không khí tự nhiên, nên du khách cảm thấy rất thoải mái khi ung dung bước chân trong đền. Nếu du khách không biết gì về đạo Cao Đài cũng như kiến trúc độc đáo này, thì có thể đến hỏi những người đang trực nhật tại đây. Bên trong nội thất Đền Thánh lúc nào cũng có hàng chục người mặc đồng phục áo dài trắng thường xuyên túc trực và họ luôn sẵn sàng trả lời những thắc mắc của du khách một cách từ tốn và thân thiện. Đến giờ hành lễ, bằng một chút “ngoại giao”, bày tỏ sự mong muốn chứng kiến cảnh hành lễ, du khách sẽ được các vị trực lễ bên trong tòa thánh sắp xếp đưa lên lầu nhìn bao quát khu vực nội điện và quang cảnh hành lễ của các tín đồ. Điều này làm hấp dẫn du khách. Vào các ngày đầu và giữa tháng, việc hành lễ diễn ra trang trọng hơn vào đúng 12 giờ đêm. Hàng ngàn người tề tựu hai bên tòa thánh xếp hàng trịnh trọng đi vào nội điện. Trong tôn giáo Cao Đài có nhiều cấp bậc, nên có nhiều trang phục khác nhau cho mỗi cấp bậc. Phổ biến nhất là ba màu vàng - xanh - đỏ. Dù cuộc sống như thế nào nhưng khi bước chân đến đây, các tín đồ đều áo mão chỉnh tề thể hiện sự tôn kính, đồng lòng. Khi nội điện đã không còn chỗ ngồi, hàng ngàn tín đồ phải ngồi ở sân trước của tòa thánh để làm lễ...

 

Đến viếng Đền Thánh vào các dịp lễ lớn, đặc biệt là dịp mùng 9 tháng giêng và rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, du khách được sống trong không khí lễ hội, tấp nập người từ khắp nơi đổ về. Đền Thánh về đêm trở nên lung linh, huyền ảo khi khoác trên mình những ánh đèn màu. Vào dịp lễ, các tín đồ Cao Đài tỏ ra rất khéo léo khi trang trí những cỗ trái cây với nhiều hình dáng phong phú của rồng, phụng và múa tứ linh (long, lân, quy, phụng) rất điệu nghệ. Đây là dịp lễ mang tính chất tôn giáo, nhưng du khách vẫn tìm được một không khí lễ hội và tận hưởng không khí đó bằng cả ngũ quan. Vì thế, trong dòng người những tín đồ Cao Đài vẫn có rất nhiều người ngoại đạo đến đây vào dịp lễ như một chuyến du lịch thú vị...

 

Tây Ninh từ lâu được xem là vùng đất du lịch hành hương, tâm linh. Các dịch vụ du lịch cũng từ đó mà phát triển mạnh mẽ. Khu du lịch núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng... là những điểm đến trong các chuyến hành hương về Tây Ninh. Cáp treo ở núi Bà Đen là hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó, có hệ thống máng trượt đưa khách lên xuống núi được xây dựng cạnh cáp treo rất hấp dẫn du khách, nhất là du khách trẻ. Vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, một khu du lịch mới được xây dựng tại thị xã Tây Ninh là Khu du lịch Long Điền Sơn, tạo thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến vùng đất này...

(Theo Du Miên/Hậu Giang Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Những thác nước đẹp dưới chân núi Fansipan
  • Vẻ đẹp kỳ thú của Fansipan
  • Dinh Cậu - Phú Quốc bức tranh sơn thủy hữu tình
  • Cảm nhận mùa thu cao nguyên
  • Dừng chân trên đỉnh Hải Vân
  • Long Sơn cổ tự
  • Về Bạc Liêu ngủ nhà Công tử!
  • Về Khu căn cứ Phương Bình
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com