Sau một tuần làm việc mệt mỏi và muốn tạm trốn khói xe, kẹt đường nhưng lại không có thời gian đi xa, bạn sẽ đi đâu để thư giãn?
Buổi sáng ở Hoàng Cung
Ăn sáng trong không gian nhà gỗ cổ xưa. Ảnh: Các Ngọc |
Để tránh kẹt xe, sáu giờ sáng cả nhóm đã ra khỏi Sài Gòn, theo quốc lộ 13 từ Thủ Đức đi thẳng tiếp hơn 20km trên đại lộ Bình Dương vào thị xã Thủ Dầu Một. Theo giới thiệu của người bạn ở địa phương, tới gần sân vận động tỉnh, chúng tôi rẽ trái sang đường Trần Bình Trọng vào Hoàng Cung quán điểm tâm sáng.
Bên trong cánh cổng Hoàng Cung quán uy nghi, bề thế và bờ tường bao bọc bên ngoài như bức thành là những ngôi nhà gỗ dáng dấp cổ xưa, nằm xen những cây cổ thụ, non bộ và những khoảng sân vườn. Mọi người chưa vội càphê – điểm tâm, cùng đi tham quan. Chủ quán giới thiệu ý tưởng tái hiện khung cảnh cung đình Huế thu nhỏ nên mỗi ngôi nhà gỗ có kích thước khác nhau, nhưng chung vẻ cổ kính thể hiện trong đường nét chạm trổ cột, kèo, vách, cửa, mái nhà. Cách bài trí nội thất ngôi nhà nào cũng có một góc như gian phòng khách nên ai vào đây đều có cảm giác gần gũi như đến nhà người quen.
Chúng tôi chọn tầng trên của Nguyệt Vọng Trà, chỉ có bàn thấp, không ghế, mọi người ngồi trên mấy miếng đệm. Ở đây có các loại trà: hoa cúc, nhân sâm hoa lài, long nhãn hồng táo… sẵn sàng cho một buổi sáng sảng khoái. Những món miền Trung như bánh Huế thập cẩm, bánh ướt thịt nướng, mì quảng, bánh ướt tôm chấy, bún cua gạch giò heo, bún bò Huế, bún cá ngừ, bánh canh Nam Phổ đều ngon miệng.
Xanh ngát làng tre
Rời Hoàng Cung Quán, chúng tôi ra đoạn đường giao đại lộ Bình Dương và tỉnh lộ 744, rẽ sang tỉnh lộ này, hướng lên huyện Bến Cát để tới làng tre Phú An – khu Bảo tồn sinh thái được Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) trao giải thưởng Xích đạo về đa dạng sinh học.
Làng tre thật yên tĩnh. Lối vào khu bảo tồn tre rợp mát bởi hai hàng tre dài ngút, thân tre cao ngả ngọn vào nhau tạo thành mái che nắng. Khu bảo tồn trong ba năm đã thu thập được hơn 300 loại tre từ khắp mọi miền đất nước, trồng được khoảng 200 loại trên diện tích rộng 3 hecta. Anh Nguyễn Khắc Điệu, tốt nghiệp đại học Nông lâm với đề tài về tre ở Củ Chi, khi ra trường đã lên đây để tiếp tục được nghiên cứu, tình nguyện làm hướng dẫn viên cho các đoàn tham quan.
Làng tre Phú An – nơi sưu tầm hàng chục loại tre quý của các vùng miền trên khắp nước Việt Nam là nơi dã ngoại lý tưởng của giới trẻ. Ảnh: Các Ngọc |
Những giống tre sưu tập về đây được phân theo từng vùng miền. Rất khó để phân biệt tre ở từng vùng miền khác nhau thế nào, nhưng nếu để ý kỹ thân tre, lá tre, măng… thì có thể biết nó là loại tre gì, nguồn gốc ở đâu. Anh Điệu cho biết hình dáng mo tre, sớ lông trên mo tre cũng là đặc điểm để nhận diện loại tre. Có những cây tre không lớn, nhưng mo ôm quanh thân tre khá dày, đến khi bung ra lớn đến mức có thể cầm quạt được. Ở khu tre miền Bắc có cây luồng nhiều cành mọc ngang ra đổ hướng về đất, còn cây tre tàu thì cành hướng lên; tre gai (còn gọi là lộc ngọc) cành dài, một số loại quý như mây muồi mai (Bắc Kạn), tre ngà (Thái Nguyên), tre mét, hóp lớn (Hà Tĩnh)... Khu tre miền Nam có tre xiêm, tre bông, tre nước có gai,… Khu tre Đông Nam bộ có tầm vông Bình Dương, lồ ô mọc thẳng, nứa Bình Phước có lóng bằng bốn gang tay người lớn, đẹp nhất là tre bụi mọc cao có cành nhánh nhiều bung xoè ra như một chậu tre thật lớn, đường kính đến 2m. Khu tre miền Trung cũng có một loại tre có bụi bung xoè ra, nhưng là giống khác loại tre ở Đông Nam bộ; bên cạnh đó là cây mum có lá mo nhọn; tre gai thân to nhưng lá mo vẫn ôm sát vào thân. Khu tre Tây nguyên có loài tre lá kim đặc biệt.
Qua từng khu, thấy có những bụi tre ra măng lúm xúm quanh gốc hay những loại tre thân đẹp, hình thù đặc biệt, tre đang ra hoa, mọi người dừng lại chụp hình. Khu tre Tây nguyên được bình chọn là đẹp nhất, những bụi tre lá kim được trồng trên đồi đất, thân tre quằng đổ bóng xuống sườn đồi phủ đầy cây đỏ đậu lá xanh mướt ra hoa vàng như tấm thảm trải rộng. Cuối làng tre là vườn luồng Phú Thọ với cả ngàn cây thân to thẳng thật cao, mọi người trải tấm nhựa nằm nghe tiếng lá tre đánh vào nhau rì rào như nhạc. Đi hết vườn bảo tồn tre dù mỏi chân nhưng du khách không mệt vì không khí mát rượi.
Dù rất thích không gian yên bình của làng tre, nhưng do ở đây chưa có dịch vụ ăn uống, nên chúng tôi quay về đường Trần Bình Trọng, Thủ Dầu Một, ghé vào quán Gió Và Nước – nơi có kiến trúc tre độc đáo. Mọi người nối tiếp cảm giác ở trong không gian tre bởi quán được thiết kế với tre là vật liệu chủ đạo, kết cấu độc đáo từ những đường tre uốn uyển chuyển sáng tạo. Nước bao bọc chung quanh và gió thiên nhiên ùa vào làm mát không cần máy điều hoà. Quán Gió Và Nước vừa có các loại nước giải khát, vừa có các món ăn như cơm gà, cơm sườn, mì xào, nui xào, bò bíttết, rau trộn… một phần ăn – uống khoảng 60.000 – 70.000 đồng.
Đã đến xứ sản xuất hàng sơn mài và đồ gốm mà không tiện thể đi tham quan cũng phí. Mọi người rủ nhau vào làng sơn mài Tương Bình Hiệp (thuộc xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một) và chọn mua vài món đồ mỹ nghệ. Sau một ngày, cả nhóm đã tạm biệt Bình Dương bằng một bữa chiều thưởng thức món bánh bèo bì ở quán Mỹ Liên (188A khu phố Thạnh Hoà A, thị trấn An Thạnh).
Trở về Sài Gòn nhưng Bình Dương vẫn đọng lại trong mọi người cảm giác dễ chịu bởi những điểm đến sinh thái, dân dã như thế.
(Theo bài và ảnh Các Ngọc/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com