Lễ cúng trăng và lễ hội đua ghe là điểm cuốn hút cả trăm ngàn người về Sóc Trăng dự lễ hội Ooc-om-bok. Từ hôm qua đến hôm nay 2.11, cả thành phố Sóc Trăng như thu nhỏ khi dòng người khắp nơi đổ về dự những lễ hội này.
Các đội đua ghe ngo đang trổ tài tại Sóc Trăng |
Ông Trần Thanh Lý ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, từng là VĐV bơi đua nhiều năm, cho biết ông đến thành phố Sóc Trăng từ sáng sớm, nhưng mải xem triển lãm văn khóa các dân tộc tại phòng Trưng bày nên đến 11 giờ, đành đứng ngoài hàng rào bảo vệ chứ không thể vào khán đài.
43 đội ghe tranh tài (nhiều nhất từ trước đến nay) trên dòng sông Maspéro nên ban tổ chức chia ra làm 2 ngày thi đấu (1.11 và 2.11). Năm nay có 9 đội nữ đua ghe ngo cùng thi thố tài năng bên cạnh những đội nam. Để cổ vũ các đội đua ghe ngo, Sóc Trăng đã đầu tư trên 70 tỉ đồng xây khán đài có mái che tại phường 8. Theo sở GTVT Sóc Trăng, năm nay dự kiến du khách sẽ về đông hơn nên sở đã huy động trên 100 xe khách chạy suốt đêm để phục vụ lễ hội.
Qua hai ngày thi đấu, chiều 2.11 đội chùa Kós Tung (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) đoạt giải nhất cuộc thi ghe ngo nam (cự ly 1.200 m và 800 m); đội Đơmpô (huyện Long Phú - Sóc Trăng) giải nhất cự ly 600 mét nữ và cự ly 1.000 mét nữ.
Cùng tổ chức lễ hội Oóc-om-bok như Trà Vinh, lễ hội ở Sóc Trăng mang đậm dấu ấn sông nước qua ngày hội đua ghe ngo. Trong khi đó, lễ hội ở Trà Vinh đậm dấu ấn làng nghề. Link Naps, người Canada, nghiên cứu sinh văn hóa phương Đông, lần đầu tiên đến Sóc Trăng dự lễ hội, thú vị nói: ”Đây là lễ hội có sức hấp dẫn, tạo cảm giác vui chưa từng thấy".
Cái khéo của Trà Vinh, Sóc Trăng là lễ hội Ooc-om-bok của đồng bào dân tộc Khmer, nhưng đã biết cách tổ chức thành hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm đặc trưng địa phương có 3 dân tộc Việt, Hoa và Khmer.
( Theo Kiều Hà // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com