Một góc hồ Núi Cốc.Ảnh: cpv[1].org.com |
Nếu có dịp đi chơi Tây Bắc, du khách có thể về miền núi trung du - về với tỉnh Thái Nguyên để khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên, về con người.
Đi từ Hà Nội, ta theo đường số 3 (Hà Nội – Cao Bằng), vượt chừng 80km sẽ đến thành phố Thái Nguyên. Đây là một địa phương có truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử và những danh lam, thắng cảnh đẹp, hoang sơ, kỳ vĩ như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà...
Từ thành phố Thái Nguyên, theo tỉnh lộ Đán - Núi Cốc đi về phía Tây trên đường khách sẽ gặp những đồi chè xanh ngút mắt hay xuyên qua những cánh rừng thâm u bạt ngàn. Đi được chừng 20 km, du khách sẽ thấy hồ Núi Cốc nên thơ hiện ra trước mắt. Đây là một khu du lịch sinh thái rất hấp dẫn. Trên mặt hồ bát ngát mênh mông có tới 89 hòn đảo với rừng cây xanh tốt là nơi cư trú, sinh sống của những đàn chim, cò, dê núi và một số động thực vật hoang dã.
Hồ Núi Cốc nguyên là một hồ nước ngọt nhân tạo, hình thành từ công trình thủy lợi chặn dòng sông Công. Hồ nằm trên địa phận huyện Đại Từ, từ năm 1973 đến 1982. Hồ có độ sâu trung bình 35 m, diện tích mặt hồ rộng 25 km2. Hồ Núi Cốc ngăn, giảm nhẹ lũ sông Cầu phục vụ nước tưới cho 12.000 ha đất nông nghiệp; mỗi năm cung cấp khảng 50 triệu m3 nước cho nhu cầu dân sinh và công nghiệp. Ngoài ra, công trình này là nơi lý tưởng để du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi trồng thủy sản... Theo truyền thuyết, hồ Núi Cốc được gắn với huyền thoại về chuyện tình cảm động của nàng Công và chàng Cốc, một người ra đi nước mắt chảy thành sông (Công). Một người chờ đợi mỏi mòn hóa thành núi (Cốc). Đặc biệt trên hồ có đảo núi Cái là nơi trưng bày các cổ vật từ ngàn xưa để lại và trên đảo có đền thờ bà Chúa Mẫu Thượng Ngàn. Tại khu vực ven hồ còn có hệ thống khách sạn, nhà hàng khá tiện nghi, hiện đại. Cũng có các quán ăn uống bình dân ngon, rẻ được nhiều du khách ưa chuộng.
Ở khu du lịch hồ Núi Cốc có nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, phục vụ du khách như: đi du thuyền dạo chơi trên mặt hồ ghé thăm các đảo và các làng bản người dân tộc. Bên cạnh hồ Núi Cốc, sông Công, còn có núi Văn, núi Võ, núi Quần Ngựa, tương truyền là chỗ quân Lam Sơn - Lưu Nhân Chú luyện binh, nuôi quân... góp phần làm nên chiến thắng Chi Lăng vang dội (1427). Đi chơi hồ Núi Cốc thăm Huyền Thoại Cung khách sẽ nghe kể câu chuyện truyền thuyết về tình yêu thủy chung của chàng Cốc - nàng Công. Thăm công viên cổ tích, vườn thú, vui chơi ở công viên nước...
Suối Mỏ Gà, núi Phượng Hoàng, hang Phượng Hoàng, là một cụm danh thắng của tỉnh Thái Nguyên có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với những hang động kỳ ảo. Muốn lên hang Phượng Hoàng du khách phải chịu khó leo qua một chặng đường quanh co, khúc khuỷu toàn đá tai mèo, trung bình leo núi mất khoảng gần một giờ. Đứng dưới chân núi ta ngước nhìn lên, sẽ tưởng tượng như hình hai con chim phượng hoàng nằm ấp nhau. Núi Phượng Hoàng gắn với huyền thoại ngày xưa có một đôi chim phượng hoàng sống trên núi rất hạnh phúc và chúng đã sinh được hai quả trứng. Ngày kia, chim bố đi kiếm mồi về cho chim mái khác đang ấp trứng, vì ham vui, mải mê theo đàn chim mái mới, chim bố quên đường về tổ. Rồi một hôm sực nhớ lại, nó quay trở về, nhưng chim vợ đã hóa đá. Chim bố vô cùng ân hận, nằm ở ngọn núi đối diện chẳng màng ăn uống, ngóng sang để mong người vợ trở lại hình dạng xưa và rồi cũng hóa đá. Hang Phượng Hoàng gồm có 3 tầng: tầng dưới là hang Tối, tầng giữa là hang Sáng, tầng thượng là hang Dơi. Hang Sáng rộng và thoáng. Ánh sáng ở các cửa hang chiếu vào những nhũ đá, phản quang, tạo nên cảnh lung linh, huyền ảo. Du khách sẽ gặp muôn vàn hình tượng: nào là mẹ cõng con, bầy người nguyên thủy đang săn đuổi thú, hình đèn lồng, voi chầu, kỳ lân múa, vũ nữ Apsara, hổ phục... Tất cả đều rất kỳ bí, hấp dẫn.
Thời chống Pháp, hang là căn cứ địa cách mạng của vùng Bắc Sơn. Trong hang có nguồn nước chảy ra rất trong và mát. Dưới chân núi có hang Suối Mỏ Gà. Cửa hang rộng chừng 10m, có khe nước chảy từ trong hang ra. Phía trước hang có nhiều thác nước nhỏ, đảo đá, nước mát trong, phong cảnh thơ mộng, hoang sơ.
Về trung tâm thành phố Thái Nguyên du khách đi tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được xây dựng vào năm 1960 với quy mô hoành tráng (28.000m2). Bảo tàng là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Khu trưng bày rộng 3.000m vuông, chia làm 6 phòng, theo các nhóm: phòng Việt- Mường, phòng Tày, phòng H’Mông, phòng Môn-Khmer, phòng Hán-Hoa, Tạng - Miến.
Hàng năm ở Thái Nguyên diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc như: hội Đền Đuổm (Phú Lương), hội Hích của người Sán Diều và Nùng (Đồng Hỷ), hội Chùa Hang (thành phố Thái Nguyên), hội làng Cơm Hòm (Phổ Yên)... Tham gia lễ hội, bạn sẽ có dịp hoà vào thiên nhiên, lệ tục, tập quán đầy những dấu ấn văn hóa.
Đến với Thái Nguyên bạn sẽ có được nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc khó quên.
(Theo Cần Thơ online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com