Du khách thường ngồi thuyền đi một đoạn chừng 2 cây số trên sông Son trước khi vào ngắm nhìn động Phong Nha kỳ vĩ. Dòng sông mang một màu xanh đến lạ ấy tạo cho khách một cảm giác nhẹ nhàng. Màu xanh của sông Son khác với bất cứ dòng sông nào, bình lặng và thấm đẫm chất thơ. Thuyền đi chen giữa núi, nước lững lờ trôi.
Có người hỏi tôi rằng khi đi tên sông Son có thấy điều gì khác không? Cái khác chính là nhìn thấy sự hùng vĩ của những ngọn núi ở Phong Nha - Kẻ Bàng như mở lần ra trước mặt, như cuốn bạn dần vào một thế giới huyền ảo. Ngay chỉ việc đi thuyền chậm rãi trên sông Son, đã thấy lòng mình nhẹ tênh chuyện thế sự, quên hết mệt mỏi ưu phiền.
Bến thuyền ở hang khô, động Phong Nha. Ảnh: Khuê Việt Trường |
Chữ Son - tên của dòng sông có nghĩa là son sắt nghĩa tình, mang ý từ một câu chuyện: Cô con gái xinh đẹp và có tài thổi sáo của một ông lão làm nghề săn bắn tại vùng núi bên cạnh dòng sông này. Trong một lần thổi sáo cô chợt thấy một ngôi sao băng rạch một đường sáng rực rỡ từ phía giải ngân hà thẳng đến khu rừng. Rồi một chàng trai hiện ta từ vầng sáng đó, cưỡi ngựa đến cạnh cô. Trái tim của cô gái rung động ngay từ cái nhìn đầu tiên của chàng trai. Cô leo lên lưng ngựa dạo chơi cùng chàng trai. Khi từ biệt, chàng trai đưa cho cô gái một chiếc nhẫn, bảo khi nào cần thiết thì ghé vào mặt nhẫn mà gọi, chàng sẽ đến.
Nhưng rồi nhan sắc của cô gái đã làm cho một lãnh chúa chú ý, mấy bận tới cầu hôn. Cô bị hắn bắt giam trong tầng cao nhất toà lâu đài của hắn vì đã từ khước lời cầu hôn của y. Khi cô gái tìm chiếc nhẫn thì nó đã mất tự bao giờ. Thế là cô gái đã liều mình nhảy ra khỏi khung cửa sổ ở tầng lầu cao. Khi cô nhảy xuống, nước mọi nơi đã chảy dồn về thành một dòng suối. Dòng nước chảy đến đâu thì ở đó ít lâu sau, những nương dâu, bãi mía, những cánh đồng lúa, nương khoai, những làng quê trù phú mọc lên và chẳng bao lâu đã trở thành một vùng quê thanh bình cảnh sắc xinh tươi. Một vị đạo sĩ từ phương bắc trên đường đi tìm thuốc ngạc nhiên vì dòng sông xanh biếc lạ kỳ, nên đặt tên là dòng sông Son.
Cửa động Phong Nha. Ảnh: Khuê Việt trường |
Chúng tôi dạo chơi sông Son trên một chiếc thuyền mũi vẽ hình đầu rồng, ngắm nhìn cảnh sinh hoạt ven bờ... những con trâu đang uống nước, những thuyền đánh cá và cả những ngôi nhà cheo leo trên vách núi. Đi đến ngã ba sông thì rẽ về bên trái, hướng vào động Phong Nha.
Khi vào động, thuyền phải tắt máy và chèo bằng tay. Tiếng chèo khua mặt nước đều đều, tiếng nước vỗ mạn thuyền nhè nhẹ giữa khung cảnh mờ ảo, thâm u, không gian như được ướp lạnh tạo cho chúng tôi cảm giác như đi vào một cõi riêng, thăm thẳm.
Một cô hướng dẫn du lịch bảo rằng, nếu tình cờ những giọt nước từ trên đỉnh hang rơi xuống trúng ai thì người đó sẽ gặp điều may mắn. Quả là một câu nói rất khôn khéo nhắm vào tâm lý, tạo nên sự hăm hở, hào hứng cho du khách. Bởi thật ra, khi thuyền vào sâu trong động, chẳng ai lại không "may mắn" có vài giọt nước rơi vào.
Theo các tài liệu, sông Son là một phần của con sông ngầm của động Phong Nha kéo dài đến 44 cây số xuyên sang tận bên Lào. Hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: Có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, có những thạch nhũ đẹp nhất. Hội nghị lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Paris tháng 7-2003 đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới.
Giáo sĩ Leotio Cadlrier, người Pháp là người đầu tiên phát hiện ra động Phong Nha nằm sâu trong lòng núi đá vôi Kẻ Bàng vào cuối thế kỷ XIX. Vị giáo sĩ này đã phát hiện di tích cổ của người Chiêm Thành tại hang khô. Ông đã tìm thấy bàn thờ và 7 chữ khắc trên bia đá của người Champa xưa. Do đó hang khô còn được gọi là hang Bi Ký. Năm 1992, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh gồm 15 thành viên đã thám hiểm đến đích động Phong Nha suốt 34 ngày đêm. Và họ đã đo được chiều dài của hang động là 7.729 mét.
Thuyền đưa du khách vào sâu trong hang động Phong Nha. Ảnh: KVT |
Lộ trình tham quan du lịch hiện nay chỉ giới hạn chiều sâu vào bên trong hang khoảng một cây số, gồm một đọan dùng thuyền chèo tay vào 600 mét gặp hang nước. Sau đó tiếp tục ra hang khô. Nhưng chỉ với không gian của hang nước và hang khô đã thấy sự hùng vĩ và đầy tính quyến rũ của động Phong Nha.
Trong hang sâu hoàn toàn không có ánh sáng tự nhiên nên phải dùng đèn chiếu sáng không gian động với màu sắc pha trộn huyền ảo. Hình dáng những nhũ đá tự nhiên được trí tưởng tượng của con người khiến vách và trần hang động như hiện hình đủ loại thú vật; có cả một khu vực giống như cung điện vua chúa, có trụ đá lóng lánh với những viên đá phát sáng đầy hấp dẫn. Và khi trở lại sông Son, không ai lại không ngoái nhìn cái vòm hang mang dáng hình tam giác.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com