Một số công ty du lịch không ngại khó để cho du khách những cảm hứng mới về Việt Nam. Mạo hiểm một chút, vất vả một chút nhưng được đến những nơi kỳ thú, biết điều mới mẻ… là tiêu chí của những người thích khám phá.
Vượt sông Gâm – sông Năng
Có những lúc phải bám dây để bò lên Fansipan. Ảnh: Thu Hiền |
Ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (THT) tâm sự, với người làm du lịch, khi nhắc tới vùng Đông Bắc nước ta, ai cũng nghĩ ngay các danh thắng hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nhưng khó thực hiện liên tuyến qua hai điểm này do mất nhiều thời gian đi vòng bằng đường bộ. Ý tưởng của THT đi từ cao nguyên đá Đồng Văn qua hồ Ba Bể bằng thuỷ lộ sông Gâm – sông Năng mang tính đột phá và không ít mạo hiểm, bởi nơi đây còn hoang sơ, địa hình phức tạp. Đầu năm 2010, THT đã có hai đợt khảo sát thực địa, chú ý những yếu tố đảm bảo sự an toàn cho du khách khi đi thuyền. Vài chuyến ban đầu thử nghiệm, cuối năm 2010 đã thành công và đến năm nay, đây là tour “độc” chỉ duy nhất THT tổ chức.
Trong hành trình sáu ngày năm đêm đến vùng Đông Bắc, du khách được ngắm những tuyệt tác thiên nhiên ở đèo Bắc Xum, cổng trời Quản Bạ, chinh phục núi Rồng – Lũng Cú, tham quan bản làng, ruộng bậc thang, đến đèo Mã Pì Lèng. Đường đèo Mã Pì Lèng bên vực sâu thăm thẳm nhưng được nhìn toàn cảnh công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Ngày thứ năm trong chuyến đi du khách sẽ thích thú khi lên thuyền vượt sông. Thuyền rời bến chừng mươi phút đã thấy hai bên sông những dãy núi đá vôi gối lên nhau trùng điệp. Sau khoảng hai giờ, thuyền đối mặt dãy núi Pác Tạ cao nhất trong quần thể 99 ngọn núi bao quanh lòng hồ. Băng ngang núi Pác Tạ, sang phía tả ngạn sông Gâm, thuyền bắt đầu ngược sông Năng giữa những vách đá cao ngất. Thuyền tấp vào bến đò Tà Kèn thuộc vườn quốc gia Ba Bể rồi lại vượt dốc thăm bản làng của người Tày, Nùng, Dao. Và đến thác Đầu Đẳng cao 53m, dài gần 2km, nơi đây nước sông Năng đổ xuống hẻm núi theo dạng thắt cổ chai. Sau khi tách khỏi thượng nguồn sông Gâm ở Pắc Miếu, sông Năng chảy về hướng nam qua Chợ Rã (Bắc Kạn) rồi xâm thực lòng núi đá vôi Lũng Nham suốt hàng triệu năm. Từ đó tạo ra động Puông huyền ảo có chiều dài 300m với nhiều chòm nhũ đá rất lạ.
So với đường bộ, tuyến đường thuỷ sông Gâm – sông Năng rút ngắn hành trình ít nhất 250km. Quan trọng hơn là du khách được thưởng ngoạn cảnh quan kỳ thú với những cảm giác khác nhau. Để đáp ứng kịp số lượng khách đăng ký, THT đã tăng từ hai tuần khởi hành một lần lên một tuần, xuất phát từ TP.HCM vào thứ năm hàng tuần, tour thường tổ chức cho nhóm mười khách.
Dã ngoại ngắm biển
Ra cù lao Câu xem ngư dân lặn bắt cá bằng tay. Ảnh: Cát Ngọc |
Tour miền Trung mà chỉ có công ty dã ngoại Lửa Việt theo đuổi là tham quan các hải đăng Kê Gà (Bình Thuận), Hòn Lớn (Nha Trang), Đại Lãnh (Phú Yên) và tour này chỉ hợp với người thích khám phá. Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc Lửa Việt, cho biết tour này đi đông không được, chỉ hơn chục người một chuyến. Chinh phục các ngọn hải đăng cũng phải có sức khoẻ vì đi bộ rồi leo đường núi khá nhiều. Tuy nhiên, đứng trên từng hải đăng mới thấy yêu biển trời quê hương, nhất là từ hải đăng Đại Lãnh đón ánh mặt trời đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam nhô lên từ biển. Đi vào mùa trăng sẽ cảm nhận cái đẹp lung linh của biển dưới ánh trăng. Điều làm tăng thêm thú vị cho du khách là cùng ngư dân đi săn cá chình.
Lửa Việt cũng tiếp tục mở tour đi cù lao Câu (xã Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận) – hòn đảo cách đất liền 10km. Thời gian ra cù lao không bao lâu nhưng mất thời gian chuẩn bị cho đoàn di chuyển, vì đi tour này phải thuê người theo nấu ăn, cụ bị đủ thứ. Ở cù lao Câu không có khách sạn, nhà nghỉ, mọi người ngủ trong nhà dân, nhà bộ đội, nhưng có cái thú nghe biển… hát. Ở cù lao Câu, khách sẽ coi người dân săn bắt cá bằng tay, họ đeo kính, ngậm ống thở lặn xuống, cầm xỉa và túi, một lát trồi lên bao nhiêu là cá, mực, sò. Cù lao câu cũng lý thú vào những đêm trăng sáng.
(Theo Nguyệt Hồng/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com