Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bao giờ tổ chức được du lịch đường sông?

TP.HCM có một mạng lưới sông – kênh – rạch khá dày và nối kết giao thông thuỷ thuận lợi với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Từ lâu, các doanh nghiệp muốn khai thác thuận lợi đó để phát triển du lịch đường sông, nhưng điều này vẫn chưa nằm trong tầm nhìn các cơ quan quy hoạch đô thị, giao thông, quản lý môi trường.


Bến Bình Đông dọc theo đại lộ Đông Tây, không có bến cho tàu du lịch.
Ảnh: Lê Quang Nhật

TP.HCM đang bỏ phí một lợi thế về du lịch đường sông. Tour ngắn có thể thực hiện là các tuyến từ bến Bạch Đằng đi Nhà Bè, Bình Quới hay vào Chợ Lớn. Tour tầm trung từ trung tâm thành phố đi Củ Chi, Cần Giờ, quận 9, hoặc đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; tour xa là đi các tỉnh miền Tây.

Mãi là... tiềm năng!

Theo các công ty lữ hành, hệ thống sông rạch vùng phía nam thành phố kết nối hai hình ảnh đô thị cũ và mới (Bến Nghé, quận 1; Phú Xuân, Nhà Bè, quận 7, quận 8), phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – Chợ Lớn. Các công trình khu đô thị Trung Sơn – Phú Mỹ Hưng, đại lộ Đông Tây, cải tạo kênh Lò Gốm có thể tạo diện mạo mới cho du lịch đường sông nội đô.

Thiết kế các tuyến du lịch đường sông để doanh nghiệp khai thác là kế hoạch phát triển trọng tâm của ngành du lịch TP.HCM trong năm 2010 và 2011. Trong chuyến khảo sát mới đây, các doanh nghiệp xác định có thể đưa vào khai thác ngay trong năm nay tuyến bến Bạch Đằng – ngã ba Nhà Bè – làng hoạ sĩ ở quận 2. Đến năm 2011, tuyến bến Bạch Đằng – rạch Bến Nghé – khu phố Hoa Chợ Lớn sẽ được mở khi hầm Thủ Thiêm hoàn tất và rạch Bến Nghé được trả lại nguyên trạng.

Thấy thế, nhưng các doanh nghiệp lữ hành cho rằng khai thác du lịch đường sông từ trước đến giờ quá khó và chưa biết bao giờ sẽ thuận lợi. Trước hết là hình ảnh đô thị hai bên sông nghèo nàn khi việc quy hoạch đô thị, các công trình giao thông không hề nghĩ đến tạo cảnh quan thu hút du khách. Có thể thấy điều này khi cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, các cầu bắc ngang kênh quá thấp, thiết kế đơn giản. Cầu Bình Triệu (Bình Thạnh), các cầu từ phà Bình Khánh xuống Cần Giờ cũng chỉ để giải quyết giao thông đường bộ, không tính đến cho du lịch đường sông nên khoảng không thông thuyền thấp, tàu lớn không qua được khi thuỷ triều lên, thời gian di chuyển tàu chậm, có lúc đơn vị lữ hành phải chuyển khách bằng canô, thiệt cho doanh nghiệp phải chịu chi phí cao mà còn phiền khách.

Các doanh nghiệp đang cố gắng kết nối những điểm đến hấp dẫn (như làng hoạ sĩ), chọn lọc những hình ảnh xưa cũ được bảo tồn đến bây giờ, tìm những vùng thiên nhiên xanh còn hoang sơ của thành phố để đủ sức hấp dẫn du khách. Điều e ngại nhất là môi trường vệ sinh trên sông, dọc kênh rạch của thành phố quá kém khiến du khách không thiện cảm khi đi tàu trên sông đáng lý hưởng không khí trong lành thì phải chịu mùi nước bẩn và... rác trôi lềnh bềnh.

Giải quyết sớm tình trạng thuyền không bến

Các doanh nghiệp than: “Rất nản tình trạng hô hào làm du lịch đường sông nhưng không có bến đón và trả khách”. Đoạn sông trung tâm thành phố chỉ có bến tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng. Mỗi khi tàu du lịch muốn đón khách phải hẹn giờ, kiểu làm này khách không thích, nên du thuyền mất khách. Hệ thống cầu cảng, cầu tàu để bước lên những điểm dừng cũng chưa có. Đậu nhờ nên các đơn vị có tàu thuyền du lịch phải chấp nhận lệ phí bến bãi cao ngất. Doanh nghiệp so sánh ở Mỹ Tho (Tiền Giang), lệ phí mỗi lần cập bến đón khách chỉ mất 10.000 đồng, còn ở bến TP.HCM có khi lên tới cả trăm ngàn vì phải trả phí cho nhiều đơn vị quản lý bến như công viên và cảng Bạch Đằng do UBND quận 1 quản lý, bến tàu cánh ngầm do thành phố quản lý, còn bến Nhà Rồng thuộc quyền cảng Sài Gòn. Thêm vào đó là sự quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan trung ương và địa phương trên sông Sài Gòn khiến doanh nghiệp ngán ngại thủ tục khi muốn sử dụng những đoạn sông rạch cho du lịch.

Các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch sông sẵn sàng hợp tác nhau đầu tư bến tàu nhưng thành phố, quận, huyện chưa có quy hoạch, chưa có cơ chế. Thành phố không thể có sản phẩm du lịch đường sông hấp dẫn nếu như các ngành, địa phương không sớm ngồi lại với ngành du lịch rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tầm nhìn...

(Theo Các Ngọc // SGTT Online)

  • Hơn một triệu lượt du khách trảy hội chùa Hương
  • Huế phát động người nghèo cùng phát triển du lịch
  • Du lịch tự chủ hút giới trẻ
  • Xây dựng thương hiệu du lịch chung cho miền Trung
  • "Xuất khẩu tại chỗ" chưa được quan tâm đúng mức?
  • Thưởng thức “Món ngon Tứ Xuyên” tại Đồng Khánh
  • Hà Nội xuất hiện ôtô mang biển số 'khủng'...40X
  • Đón thu châu Âu cùng VYC
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com