Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bảo hiểm du lịch, khách nội thờ ơ!

Bảo hiểm du lịch được đánh giá là một phân khúc còn khá rộng lớn và nhiều tiềm năng, bởi nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế. Nhưng theo nhận định của các công ty bảo hiểm, không dễ mở rộng thị phần ở phân khúc này, vì sự cạnh tranh đã diễn ra khá gay gắt trong cả khối bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ. Mặt khác, hiện nay, dù số tiền dành để mua bảo hiểm du lịch không lớn, nhưng vẫn ít được du khách trong nước quan tâm, vì cho rằng nó thiếu thiết thực.

Bảo hiểm du lịch cơ bản bao gồm 4 loại hình: người Việt Nam đi ra nước ngoài, người nước ngoài vào Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam đi ra nước ngoài và du lịch trong nước. Sản phẩm phổ biến mà các công ty bảo hiểm hiện đang triển khai là bảo hiểm cho người Việt Nam ra nước ngoài và người Việt Nam đi du lịch trong nước. Bảo hiểm du lịch nội địa thường có hạn mức bảo hiểm từ 10 - 50 triệu đồng/người; còn bảo hiểm du lịch cho người Việt Nam đi nước ngoài nếu không có hỗ trợ SOS thì tiền đền bù khi xảy ra sự cố là khoảng 10.000 USD/người, có SOS thì mức đền bù tối thiểu là 50.000 USD/người, có công ty còn đưa ra mức cao hơn, từ 200.000 - 300.000 USD/người.

Hiện nay, trên thị trường đã có khá nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm du lịch. Như Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm khách du lịch quốc tế có dịch vụ hỗ trợ SOS dành cho người Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài; Liberty có sản phẩm bảo hiểm du lịch Liberty TravelCare, có phạm vi bảo hiểm khá rộng và nhiều quyền lợi dành cho khách hàng;  AAA với bảo hiểm du lịch toàn cầu; GIC có bảo hiểm du lịch… Bảo Minh mới đây cũng ra mắt sản phẩm bảo hiểm mới mang tên “Bảo hiểm du lịch quốc tế”. Sản phẩm được chia thành hai loại hình là bảo hiểm theo nhóm và bảo hiểm cá nhân, với các hạn mức bảo hiểm khác nhau từ phổ thông (50.000 USD) đến thượng hạng (150.000 USD). Sản phẩm gồm có 22 quyền lợi được bảo hiểm được quy định rõ ràng, dễ hiểu. Ngoài những quyền lợi thông thường thì còn có thêm các quyền lợi mới như: bồi thường gấp đôi số tiền bảo hiểm khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng; trợ cấp nằm viện; trợ cấp học phí cho trẻ phụ thuộc; thiệt hại hành lý, tư trang; hỗ trợ du lịch toàn cầu; hành lý bị trì hoãn; mất giấy tờ thông hành; cắt ngắn hay hủy bỏ chuyến đi; lỡ nối chuyến; hỗ trợ tổn thất tư gia vì hỏa hoạn; bảo hiểm trong trường hợp bị khủng bố...

Có thể nói, sản phẩm bảo hiểm du lịch được các công ty bảo hiểm tung ra thị trường hiện đã rất tiên tiến, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi du lịch trong và ngoài nước của người dân. Tuy nhiên, khác biệt chính nằm ở đối tượng khách hàng. Theo một số công ty du lịch, hầu hết du khách quốc tế đều coi bảo hiểm du lịch là giấy tờ quan trọng thứ hai sau hộ chiếu. Chính vì vậy, sau khi quyết định mua tour, họ thường hỏi tỉ mỉ về giá trị bảo hiểm cũng như những quyền lợi được hưởng nếu chẳng may sự cố xảy ra. Trong khi đó, đa số khách hàng Việt Nam mua bảo hiểm chỉ để cho có.

Sông Hương, phóng viên một tờ báo lớn tại Hà Nội - Chi nhánh TP. HCM, vừa có chuyến công tác Singapore đột xuất, thủ tục xong hết, nhưng kẹt nỗi yêu cầu bắt buộc để được xuất ngoại là phải có bảo hiểm du lịch. Sau một hồi nghiên cứu, tìm hiểu các sản phẩm bảo hiểm du lịch hiện có, cô quyết định mua bảo hiểm du lịch của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam với mức phí khoảng 165.000 đồng cho chuyến đi Singapore 4 ngày. Thủ tục rất nhanh gọn, ngay sau khi có yêu cầu mua bảo hiểm, Hương đã được nhân viên bán bảo hiểm đọc số bảo hiểm và mang hợp đồng đến tận cơ quan. Sông Hương cho biết, vì yêu cầu bắt buộc nên cô chỉ chọn mua sản phẩm với mức phí rẻ nhất, mà không quan tâm nhiều đến quyền lợi được hưởng.

Theo quy định của Luật Du lịch, bảo hiểm du lịch không bắt buộc với  khách du lịch nội địa. Đây là lý do khiến cả doanh nghiệp du lịch và du khách thờ ơ với loại hình bảo hiểm này. Lý do cơ bản này cũng cho thấy, vì sao một năm ngành du lịch thu hút được hơn 20 triệu du khách cả nội địa và quốc tế, song thị phần bảo hiểm du lịch của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn dừng ở mức rất khiêm tốn, dù các công ty luôn gắng sức để đưa ra những sản phẩm bảo hiểm du lịch ngày càng tiên tiến và đa dạng. Bảo hiểm du lịch hiện nay vẫn nằm trong nghiệp vụ bảo hiểm con người và có tỷ trọng doanh thu rất thấp.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com