Nhà cung cấp dịch vụ khách sạn toàn cầu Hotels.com trung tuần tháng 5 này đã đưa vào sử dụng trang web tiếng Việt nhằm cung cấp dịch vụ khách sạn, đặt phòng trực tuyến đến khách hàng ở Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng người sử dụng Internet cùng với thu nhập gia tăng của tầng lớp trung lưu mới trong xã hội đã tạo điều kiện cho dịch vụ du lịch và lữ hành trực tuyến ở nhiều nước châu Á phát triển, mở ra cơ hội kiếm tiền cho các doanh nghiệp sớm nắm bắt được xu thế này.
Châu Á – mảnh đất màu mỡ cho du lịch trực tuyến
Đại diện Hotels.com cho biết, thông qua trang web http://vi.hotels.com/, khách du lịch và thương nhân ở Việt Nam có thể chọn và đặt phòng của hơn 135.000 khách sạn tại châu Á và thế giới. Theo lập trình tự động, trang web này sẽ ưu tiên giới thiệu đến người sử dụng Internet những khách sạn đang bán phòng giá thấp hoặc đang có chương trình ưu đãi, khuyến mãi.
Ông Johan Svanstrom, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hotels.com tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói rằng người tiêu dùng ở Việt Nam tùy thuộc vào mục đích của mình có thể lựa chọn dịch vụ lưu trú từ danh sách các khách sạn cũng như những thông tin du lịch cần thiết khác do trang web cung cấp. Ông nhận định Việt Nam là một trong những thị trường sẽ có mức tăng trưởng đáng kể ở loại hình du lịch trực tuyến bởi nơi đây có đủ điều kiện về hạ tầng như Internet băng thông rộng, dịch vụ dành cho điện thoại di động phong phú và lượng người sử dụng thẻ tín dụng tiếp tục gia tăng.
Một thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi ở châu Á đã có thói quen truy cập Internet khi quyết định đi du lịch, vừa để tìm kiếm thông tin vừa đặt chỗ cho các chuyến du lịch của mình qua mạng. Cũng chính những khách hàng có công việc và thu nhập ổn định này đã góp phần làm cho ngành du lịch châu Á đạt mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), từ năm 2004 đến nay, mặc dù phải trải qua không ít khó khăn như thiên tai (động đất, sóng thần), bất ổn chính trị và dịch cúm gia cầm nhưng nhiều điểm đến du lịch ở châu Á như Maldives, Bhutan, Thái Lan và Campuchia vẫn tăng trưởng 10% mỗi năm. Trên thực tế, ngành du lịch đang đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế như Úc, New Zealand, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Từ xu thế nói trên, nhiều trang web du lịch địa phương và quốc tế đã nhạy bén nắm bắt cơ hội kinh doanh. Hiện nay, quy mô của thị trường du lịch trực tuyến ở châu Á vẫn còn nhỏ so với các thị trường có nền thương mại điện tử phát triển như Mỹ, châu Âu. Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer (Mỹ), doanh thu của ngành du lịch trực tuyến ở khu vực châu Á năm 2011 này có thể đạt 25,6 tỉ đô la Mỹ, nhưng mới chỉ bằng khoảng một phần ba so với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, eMarketer dự báo, dịch vụ du lịch trực tuyến ở châu Á sẽ bùng nổ trong những năm tiếp theo. Trong giai đoạn 2006-2011, Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 59,9%/năm, Ấn Độ sẽ đạt mức 45,6%/năm, trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng 24,85/năm.
Xét về doanh thu từ ngành du lịch trực tuyến, Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang là hai thị trường lớn nhất châu Á (không kể Nhật Bản), với doanh thu tương ứng 300 triệu và 200 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, theo một số nhà phân tích, mức tăng trưởng về du lịch trực tuyến của thị trường Mỹ sẽ chậm lại do đa số người tiêu dùng đều đã sử dụng Internet và đã quá quen thuộc với các trang web kinh doanh loại hình dịch vụ này như Travelocity.com, Expedia.com hay Travelport.com.
Ở châu Á, các trang web du lịch trực tuyến đang chạy đua để thu hút những người mới bắt đầu sử dụng Internet và nỗ lực biến họ trở thành những khách hàng thân thiết của mình. “Ở Mỹ, các công ty phải rất vất vả tranh giành khách hàng cũ, trong khi ở châu Á vẫn còn nhiều cơ hội để thu hút thêm khách hàng mới – đó là những người sử dụng Internet lần đầu tiên”, Jeffey Grau, một nhà phân tích cấp cao của eMarketer, cho biết.
Trong số các quốc gia và lãnh thổ ở châu Á, Trung Quốc đang nổi lên là thị trường hấp dẫn nhất đối với các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch trực tuyến. Theo dự báo của eMarketer, vào năm nay Trung Quốc sẽ qua mặt Đức để trở thành thị trường dịch vụ lữ hành dành cho doanh nhân và cá nhân lớn thứ ba trên thế giới với doanh thu mỗi năm ước đạt 300 tỉ đô la. Năm ngoái, thị trường này đạt doanh thu 134 tỉ đô la. Công ty dịch vụ lữ hành trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay là Ctrip.com đang chiếm 54,2% thị phần và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq (Mỹ).
Cơ hội nhiều, thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch châu Á có thể sẽ gặp thêm nhiều thách thức trên thị trường khi mà các trang web du lịch quốc tế đã tung ra nhiều dịch vụ mới và thực hiện nhiều chiến dịch tiếp thị để đón đầu. Trong số này điển hình là Carlton Wagonlit Travel (CWT), một công ty lữ hành chuyên về khách doanh nhân, có trụ sở đặt ở Paris, Pháp. CWT dự báo dịch vụ lữ hành trực tuyến dành cho giới doanh nhân ở bốn thị trường lớn nhất của châu Á - Thái Bình Dương là Úc, Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng trưởng 40% trong 3-4 năm tới. Còn IACI, công ty sở hữu các trang web Expedia.com và Hotels.com, đã chi 166,7 triệu đô la vào năm 2004 để mua lại 52% cổ phần của eLong - trang web đặt chỗ du lịch và lữ hành lớn thứ hai ở Trung Quốc xét về thị phần. Mặc dù eLong bị lỗ khoảng 2,1 triệu đô la vào năm 2006, nhưng IACI vẫn rất lạc quan về triển vọng của nó bởi tin tưởng rằng thị trường du lịch trực tuyến ở châu Á sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Trong quý 1-2011, lượng khách đặt chỗ trực tuyến của Expedia ở Úc, Trung Quốc, Nhật, châu Âu và một số nước khác đã tăng từ 25% lên 29% so với tổng lượng đặt chỗ trực tuyến toàn cầu.
Trong khi đó, Hotels.com ngoài việc thu hút khách hàng cá nhân còn nhắm đến khách đặt phòng khách sạn từ các công ty đang hoạt động ở Việt Nam. Ông Svanstrom nói việc thực hiện đặt chỗ du lịch trực tuyến trong khu vực, nhất là ở lượng khách là nhân viên công ty, đang trở nên phổ biến và họ muốn tự mình đặt chuyến bay và phòng khách sạn cho riêng họ qua mạng.
Theo đà đi lên của ngành du lịch trực tuyến, ngành kinh doanh dịch vụ đặt chỗ vé máy bay cũng đang có nhiều cơ hội để kiếm tiền, với sự cạnh tranh quyết liệt về giá cả và chất lượng của nhà cung ứng. Có thể nói những nhà cung cấp dịch vụ trong vai trò trung gian kết nối lợi ích của hành khách và các hãng hàng không như Priceline.com, Orbitz Worldwide, Expedia.com đang góp phần làm thay đổi bộ mặt của ngành dịch vụ này.
Sự cạnh tranh cũng đã trở thành yếu tố thúc đẩy sự thay đổi trong cách thức phục vụ khách hàng và bản thân các nhà điều hành trang web đều muốn tạo ra sự độc đáo cho dịch vụ của mình. Adam Goldstein, đồng sáng lập viên của trang web đặt chỗ du lịch Hipmunk.com, cho biết công ty ông đang tạo sự khác biệt cho mình bằng cách dự đoán những chuyến bay nào khách hàng sẽ thích đặt chỗ. Không như các trang web du lịch khác xem mức giá thấp là ưu tiên số một của chuyến bay, Hipmunk đề cao tính tiện lợi. Theo đó, trang web này sẽ loại bỏ những kết quả tìm kiếm nào có hành trình quá dài hoặc qua nhiều điểm trung chuyển. Việc sắp xếp các chuyến bay theo thứ hạng hợp lý đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Hipmunk. Bởi lẽ, phần lớn doanh thu của công ty đều đến từ khoản hoa hồng nhận được khi khách hàng mua vé. Bộ công cụ mà hãng sử dụng còn dự đoán đến cả những hãng hàng không hoặc sân bay mà người tiêu dùng yêu thích.
Trong khi đó, một số trang web lại liên kết với những mạng xã hội như Facebook hoặc với những công cụ như Google Earth để cung cấp cho khách hàng những thông tin mà họ không thể tìm thấy trên các trang web du lịch khác.
Tháng 4 vừa qua, Google đã đạt được thỏa thuận mua lại công ty phần mềm Mỹ ITA với giá 700 triệu đô la, qua đó, giành quyền sở hữu một trong những công ty cung cấp nhiều dữ liệu về chuyến bay nhất. Google cho biết hãng đang phát triển những công cụ tìm kiếm chuyến bay dành cho mọi đối tượng. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến mới trên thị trường vốn đang rất sôi động này.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // eMarketer)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com