Từ năm 2008, khách du lịch Nga đã nổi lên như một hiện tượng và được dự báo trở thành thị trường khách quốc tế tiềm năng, hấp dẫn đối với du lịch Việt Nam. Đến nay, lượng khách Nga đến Việt Nam tiếp tục tăng cao. Vào mùa du lịch cao điểm, Nga trở thành một trong 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất đến TPHCM.
Phan Thiết: Điểm đến số 1!
Theo các công ty du lịch khai thác thị trường khách Nga tại TPHCM, khách Nga đến du lịch Việt Nam không thích tham quan, khám phá nhiều điểm đến. Chủ yếu khách bay đến TPHCM rồi lên xe ra TP Phan Thiết (Bình Thuận). Tắm biển Phan Thiết là điểm đến số 1 của hầu hết khách Nga trong hành trình tour đến Việt Nam. Ở Phan Thiết, tận hưởng nắng gió, tắm biển, thưởng thức món ăn vùng nhiệt đới trong khoảng 3-4 ngày, du khách sẽ trở lại TPHCM, rồi xuống khám phá vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long trong 1-2 ngày. Thế là kết thúc hành trình đến du lịch tại Việt Nam. Phần lớn các tour đi trong 1 tuần, có một số đoàn đi về trong 2 tuần và cũng chủ yếu tận hưởng loại hình du lịch biển.
Các công ty du lịch Nga tìm hiểu thông tin đưa khách đến Việt Nam tại ITE HCMC 2010. Ảnh: Kim Ngân |
Tại Mũi Né (Phan Thiết) có nhiều resort chỉ chuyên phục vụ khách Nga. Tiếng Nga cũng đã thành ngôn ngữ du lịch được ghi trên các biển áp phích, quảng cáo tại các cửa hàng dịch vụ, mua sắm ở khu vực này. Anh Lê Văn Tuynh, một hướng dẫn viên tiếng Nga tại Bình Thuận cho biết, khách du lịch Nga tương đối dễ tính, gần gũi, phần lớn trẻ tuổi. Đặc trưng của khách Nga là du lịch hưởng thụ, không đòi hỏi cao về du lịch văn hóa như nhiều khách châu Âu khác. Một đặc tính hấp dẫn khác của du khách Nga là chi tiêu khá cao cho du lịch và thích mua sắm nhiều đồ lưu niệm. Nhiều hướng dẫn viên nhận xét, chi tiêu cho mua sắm trong du lịch của khách Nga được ví ngang với khách Nhật - vốn được xem là thị trường khách chịu tiêu tiền khi du lịch Việt Nam hiện nay.
Theo thông tin từ Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, du khách Nga hiện đứng đầu thị trường khách nước ngoài, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến đây. Trong 9 đầu tháng năm 2010, có khoảng 62.600 du khách Nga đến Bình Thuận, tăng hơn gấp đôi so với năm 2009. Và dự kiến lượng khách Nga đến Bình Thuận trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao, nhất là vào giai đoạn cao điểm tránh mùa đông bên Nga. Theo thống kê của ngành du lịch TPHCM, nơi trung chuyển khách Nga đến Bình Thuận và các tỉnh lân cận, lượng khách Nga đến TPHCM trong các tháng qua đều tăng khá cao so với năm 2009. Mức tăng trưởng thấp nhất khoảng 30%/tháng và cao nhất khoảng 200%. Tính đến giữa tháng 10-2010, khách Nga đứng trong top 15 thị trường khách quốc tế đến TPHCM. Mùa khách Nga đến Việt Nam nhiều nhất chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Việc thu hút khách Nga có phần tác động không nhỏ từ việc miễn thị thực (từ 1-1-2009) cho công dân Liên bang Nga mang hộ chiếu phổ thông, với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Thiếu hướng dẫn viên
Việc Hãng hàng không Vladivostok Air (Nga) chuẩn bị mở tuyến bay từ hai thành phố thuộc miền Viễn Đông Nga là Khabarovsk và Vladivostok đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) vào tháng 12 tới là thông tin tích cực thúc đẩy du lịch hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Và đây cũng là cơ sở chắc chắn để du lịch Việt Nam thu hút thêm khách du lịch Nga, ngoài những thị trường trọng điểm và truyền thống khác như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... Không chỉ Mũi Né - Phan Thiết đang có lợi thế về thu hút khách Nga, mà Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp thế giới cũng sẽ có cơ hội thu hút khách Nga đến du lịch.
Những con số tăng trưởng lượng khách đến cũng như cơ hội mang lại khi có thêm 2 đường bay từ Nga đến Việt Nam đã cho thấy khách Nga đang là một thị trường quan trọng đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Việc chuẩn bị, đón đầu cho việc khai thác tốt thị trường này đã và đang được nhiều doanh nghiệp lữ hành nhắm đến. Nhiều đơn vị đã chuyển sang khai thác thêm thị trường Nga. Tuy nhiên, điều mà các công ty du lịch cũng như nhà quản lý lo lắng lúc này là việc thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) biết tiếng Nga.
Từ nhiều năm nay, ngành du lịch đã báo động đến việc thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng HDV thuộc các ngoại ngữ hiếm như Nga, Hàn Quốc, Thái Lan… Đến nay, vấn đề này vẫn chưa được cải thiện. Tại TPHCM, năm 2008 có 34 HDV tiếng Nga đăng ký, đến năm 2010 con số này tăng lên 41 HDV. Tuy nhiên, trong số 41 HDV này chỉ có 32 HDV chính thức. Vào trang thông tin quản lý HDV của Tổng cục Du lịch Việt Nam tìm hiểu về số lượng HDV ở các địa phương, tình trạng chung là ít và hiếm! Nơi nhiều HDV tiếng Nga nhất hiện nay là Hà Nội, tiếp đến là TPHCM. Tại Bình Thuận - nơi được xem là thủ phủ của khách Nga, số HDV tiếng Nga đăng ký quá ít ỏi. Cho đến thời điểm này, chỉ mới có 1 HDV tiếng Nga ở Bình Thuận đăng ký.
(Theo MỸ HẠNH/sggp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com