ĐBSCL được đánh giá là có thế mạnh về du lịch sinh thái và biển đảo với những vườn cây ăn trái bạt ngàn, những hệ sinh thái đặc thù, hơn 700 km bờ biển và hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc... Tuy nhiên, lâu nay một thực trạng vẫn kéo dài là tiềm năng lớn nhưng khai thác và phát triển chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân là thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực.
Tại hội thảo “Liên kết phát triển du lịch đồng bằng- biển đảo” diễn ra ngày 21-12-2009 tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, vấn đề này một lần nữa được đặt ra.
* Du lịch biển đảo: bao giờ hết là tiềm năng?
ĐBSCL có diện tích tự nhiên hơn 40.000 km2, là một trong những châu thổ rộng lớn và phì nhiêu nhất châu Á, được bồi đắp bởi phù sa của sông Tiền và sông Hậu- hai nhánh của dòng sông Mê Công huyền thoại. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, thủy hải sản, ĐBSCL còn là vùng đất có tiềm năng lớn về loại hình du lịch đồng bằng và biển đảo bởi nơi đây là một vùng sinh thái đa dạng, có sự kết hợp hài hòa giữa miệt vườn sông nước, biển đảo và núi rừng.
Biển đảo là một loại hình du lịch rất phong phú, mang lại nguồn doanh thu rất lớn, đã phát triển từ lâu trên thế giới và ngày càng được ưa chuộng. ĐBSCL có đến 7 tỉnh nằm ven biển với tổng chiều dài bờ biển trên 700 km, có hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ... nhưng thế mạnh này đến nay vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Du khách rất thích ngắm biển và bắt con nhum tại Đầm Đước - một trong ba Hòn Đầm của quần đảo Bà Lụa - Kiên Giang. |
Biển Kiên Giang nằm trong vùng vịnh Thái Lan rộng trên 63.000 km2, có hơn 140 hòn đảo, có đường biên giới biển giáp Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Biển Kiên Giang có độ sâu trung bình 25-30 m, nơi sâu nhất là 50 m, ít có sóng lớn và không có sóng ngầm, có nhiều nguồn sinh cảnh biển, nhiều đảo và quần đảo gần bờ có hang động, cảnh quan thiên nhiên và điều kiện địa lý tuyệt vời... Ngoại trừ một số nơi như: Mũi Nai, Hòn Phụ Tử, Hòn Tre, Hòn Trẹm... và đảo Phú Quốc được chú trọng đầu tư, khai thác du lịch, những nơi còn lại vẫn còn bỏ ngỏ hoặc chưa được đầu tư, khai thác đúng mức. Chẳng hạn như quần đảo Bà Lụa với trên 45 hòn đảo lớn nhỏ và các hang động đẹp, được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long của phương Nam” nhưng đến nay các tour, tuyến tham quan vẫn hiếm hoi, còn cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư bao nhiêu.
Tương tự, các tỉnh khác có những vùng biển đảo để khai thác du lịch như Cà Mau có Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc; Tiền Giang có khu du lịch biển Tân Thành, đảo Cồn Ngang; Trà Vinh có Ba Động... Thế nhưng, việc khai thác các điểm du lịch biển đảo này vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Đơn cử như khu du lịch biển Tân Thành của Tiền Giang chỉ khai thác du lịch theo tuyến đường bộ qua quốc lộ 50, từ TP Hồ Chí Minh xuống hoặc từ TP Mỹ Tho qua, mà chưa có tuyến du lịch đường biển kết nối nên lượng du khách đến còn hạn chế.
Phú Quốc - hòn đảo ngọc nổi tiếng được Nhà nước và các doanh nghiệp khai thác du lịch quan tâm đầu tư vẫn chưa thật sự là một điểm đến lý tưởng bởi cơ sở hạ tầng còn yếu kém, hoạt động vui chơi giải trí còn nghèo nàn, hàng hóa phục vụ nhất là quà lưu niệm chưa được phong phú, giá cả sinh hoạt lại rất đắt so với đất liền... Ông Phùng Xuân Mai, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn- Phú Quốc, cho biết: “Chúng tôi đã rất nỗ lực để đầu tư xây dựng và quảng bá tiếp thị du lịch Phú Quốc nhưng điều kiện giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc và nhất là y tế tại Phú Quốc còn khá lạc hậu. Nhiều dự án đầu tư động thổ xong rồi bất động. Các dự án chỉ tập trung vào khách sạn, nhà hàng mà không chú trọng các sản phẩm du lịch đa dạng như: dịch vụ giải trí, mua sắm, thẩm mỹ- trị liệu, thể thao phiêu lưu và khám phá trên rừng dưới biển, các khu cắm trại, điểm dừng chân trên những đỉnh núi cao hùng vĩ... nên không kéo được du khách lưu trú dài ngày”.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, giai đoạn 2001-2008, lượng khách du lịch đến ĐBSCL tăng rất chậm, tốc độ tăng bình quân là 12,5%/ năm. Năm 2008, toàn vùng chỉ đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế (chiếm 9,4% lượng khách quốc tế của cả nước), 8 triệu lượt khách nội địa (chiếm 14% lượng khách nội địa cả nước).
Bên cạnh tiềm năng du lịch biển đảo chưa được khai thác hiệu quả còn có rất nhiều nguyên nhân khiến ngành du lịch ĐBSCL chưa phát triển bằng các vùng miền khác. Các tỉnh, thành trong khu vực làm du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng yếu kém, sản phẩm du lịch ở các địa phương trùng lắp, chồng chéo và đơn điệu; chưa tạo được những tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc sắc, nguồn nhân lực cho ngành du lịch còn thiếu và yếu...
* Liên kết - nói dễ, làm khó...
Những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của ngành du lịch ĐBSCL từ lâu đã được các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp khai thác du lịch nhận thấy. Đã có nhiều hội thảo, hội nghị về du lịch qui mô khu vực được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp đồng bộ và hiệu quả để khai thác tiềm năng du lịch của ĐBSCL một cách xứng tầm. Trong đó, vấn đề liên kết để khắc phục những yếu kém, đưa ngành du lịch ngày càng phát triển, luôn được đặt ra nhưng đến nay vẫn mãi loay hoay và chưa có động thái nào cụ thể. Ngay cả bước đi đầu tiên là khảo sát cho từng điểm đến hấp dẫn của từng tỉnh cũng chưa làm; chưa có sự chọn lọc, kết nối hình thành các tuyến du lịch đặc sắc dựa trên hai loại hình cảnh quan là đồng bằng và biển đảo; chưa có sự thống nhất liên kết quản lý của tất cả các tỉnh về định hướng và chủ trương đồng bộ cho toàn khu vực...
Tại hội thảo “Liên kết phát triển du lịch đồng bằng- biển đảo” do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức mới đây, vấn đề liên kết để phát triển một lần nữa được mổ xẻ, bàn luận sôi nổi. Theo nhiều đại biểu, cần liên kết xây dựng tour- tuyến để du khách từ các địa phương không có biển đảo tham gia du lịch biển đảo và ngược lại; liên kết để sản phẩm du lịch đồng bằng và du lịch biển đảo là một gói sản phẩm thống nhất, vừa phong phú, đa dạng, vừa hấp dẫn để chào bán cho các vùng miền khác và du khách quốc tế... Việc liên kết này cần có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp khai thác du lịch.
Ông Trịnh Công Lý, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng, đề xuất: “Chúng ta có thể tham khảo những loại hình du lịch biển Vũng Tàu và một số vùng biển ở miền Trung hay miền Bắc để thiết kế tour du lịch biển đảo kèm những dịch vụ mới lạ hấp dẫn, kể cả nối tour với những loại hình du lịch khác trong vùng. Để đạt yêu cầu này, vấn đề chính là cần thống nhất trong quy hoạch vùng và quy hoạch của từng tỉnh về du lịch để tránh sự chồng chéo hoặc trùng lắp sản phẩm du lịch”. Bà Bùi Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, nói rằng: “Các doanh nghiệp nên thiết kế các chương trình du lịch gần gũi với thiên nhiên vùng biển, sông nước, vườn cây ăn trái gắn với các di tích lịch sử văn hóa nhưng coi trọng nét đặc thù để chương trình có nét độc đáo riêng biệt. Các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường liên kết, hợp tác với TP Hồ Chí Minh vì đây là đầu mối cung cấp nguồn khách du lịch cho các địa phương”.
Những giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá thương hiệu, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về du lịch... được các đại biểu phân tích và đưa ra cách làm cụ thể. Nhưng muốn những giải pháp này đi vào thực tiễn cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong khu vực và giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL là cầu nối cho việc ký kết hợp tác phát triển. Việc liên kết phải được thực hiện theo lộ trình, giải quyết từng việc cụ thể, cấp bách rồi tiến tới những giải pháp lâu dài, bền vững chứ không thể nóng vội. Qua mỗi giai đoạn, cần có chương trình sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đề nghị ĐBSCL nên thành lập Ban Điều phối du lịch đồng bằng - biển đảo để tạo điều kiện và hỗ trợ cho các tỉnh, thành khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến du lịch này. Năm 2010, Tổng cục Du lịch sẽ có thêm kinh phí từ nguồn Quỹ Xúc tiến Du lịch Quốc gia dự kiến 41 tỉ đồng, Quỹ Chương trình hành động Quốc gia du lịch dự kiến trên 30 tỉ đồng... để hỗ trợ cho du lịch ở các tỉnh, thành. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch ĐBSCL có thêm sự hỗ trợ về kinh phí để biến tiềm năng thành hiện thực. Nhưng nếu không có sự liên kết thực sự thì cơ hội sẽ trôi qua.
(Theo Bài, ảnh: LỆ THU/CT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com