Trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển, Ðà Lạt có nhiệt độ trung bình thay đổi từ 12 đến 20 độ C, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Trong không gian ấy, Ðà Lạt chứa trong mình tiềm năng giàu có để phát triển kinh tế du lịch với những rừng thông, với hệ thống thác và hồ nước tự nhiên cùng nhiều cảnh quan thiên tạo và nhân tạo khác. Trong số những thắng cảnh, di tích của Ðà Lạt - Lâm Ðồng, đã có 17 thắng cảnh, di tích cấp quốc gia, sáu thắng cảnh, di tích cấp tỉnh. Ðà Lạt là một trong số ít đô thị ở Việt Nam được quy hoạch tổng thể về xây dựng, kiến trúc từ rất sớm. Qua các thời kỳ, các chương trình chỉnh trang đô thị được tiến hành; việc xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường sinh thái trước đây rất được chú trọng. Tổng thể kiến trúc cảnh quan đô thị Ðà Lạt là sự phối hợp hài hòa giữa địa lý cảnh quan với nghệ thuật kiến trúc, đã tạo nên một phối cảnh mang giá trị thẩm mỹ cao. Từ các điều kiện trên, Ðà Lạt có thể phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, dã ngoại, sinh thái, hội nghị, hội thảo...
Từ những năm 90 thế kỷ 20, Chính phủ đã xác định thành phố Ðà Lạt là một trong 10 trung tâm du lịch của cả nước. Dự án VIE 89.003 của Tổ chức du lịch thế giới (OMT) đã coi Ðà Lạt là hạt nhân của vùng du lịch số ba. Quy hoạch tổng thể du lịch Ðà Lạt đến năm 2020 và quy hoạch chi tiết 10 khu du lịch tại thành phố này đã được phê duyệt và thực hiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng của Ðà Lạt ngày càng được cải thiện, đặc biệt là giao thông. Hệ thống đường bộ nối Ðà Lạt với các vùng lân cận đã khá hoàn thiện. Ðó là QL20, QL27, QL28, TL723, TL 721...đã nối liền Ðà Lạt với TP Hồ Chí Minh, Ðác Nông, Ðác Lắc, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ðồng Nai, Bình Phước... Tuyến đường cao tốc hiện đại nối Ðà Lạt với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ đang là một dự án khả thi, trong đó đoạn nối sân bay Liên Khương với Ðà Lạt sắp đến giai đoạn hoàn công. Ðường sắt Ðà Lạt - Phan Rang từng bước phục hồi. Cụm cảng hàng không Liên Khương vừa được nâng cấp sẽ mở nhiều tuyến bay nội địa và đến với các nước trong khu vực...
Phát triển chậm và thiếu bền vững
So với nhiều địa phương khác, du lịch Ðà Lạt đã, đang phát triển có phần chậm chạp.
Nhận định trên được kiểm chứng bằng lượng khách đến thành phố cao nguyên tăng rất chậm trong những năm qua. Nếu năm 1999, Ðà Lạt đón 603 nghìn du khách thì năm 2002 cũng mới chỉ đạt 905 nghìn người, năm 2003 gần 1 triệu. Ðến năm 2007, 2008, 2009, theo báo cáo của ngành du lịch, lượng khách đến đạt cao hơn nhưng cũng chỉ dừng ở con số khiêm tốn trên vài triệu người, trong đó, tỷ lệ khách quốc tế cũng chỉ đạt thấp. Công suất buồng phòng bình quân mới chỉ đạt 57,5% trên tổng số 12.500 phòng với sức chứa tối đa 43 nghìn lượt người/đêm tại 770 cơ sở lưu trú. Tỷ lệ lưu trú của du khách chỉ đạt khoảng 2, 3 ngày. Ðược xác định là ngành kinh tế động lực nhưng doanh thu từ du lịch của Ðà Lạt - Lâm Ðồng tăng không đáng kể qua các năm.
Có thể nói, sức hút của du lịch Ðà Lạt hiện nay chưa cao. Du khách đã lên tiếng than phiền khi xứ sở du lịch đã không làm thỏa mãn được niềm yêu mến cũng như nhu cầu của họ. Nhiều du khách đến Ðà Lạt theo "thói quen" chứ không phải bởi sức hút của những sản phẩm du lịch. Họ không tìm được những sản phẩm mới, và vì vậy, ít phải tiêu tiền một cách thỏa đáng ở thành phố này. Khách nhớ đến Ðà Lạt như là một nơi "trốn" cái nóng và sự ồn ào của các đô thị lớn trong một dịp nào đó chứ không phải là một điểm đến hút hồn như niềm kỳ vọng của chính họ.
Nguyên nhân từ đâu? Ðiều đầu tiên cần phải nói tới, đó là sự xuống cấp của các danh lam, thắng cảnh, di tích - những địa chỉ được coi là thế mạnh của xứ sở này. Lâu nay, các danh lam, thắng cảnh, di tích ở Ðà Lạt được "tận thu" như một thứ hàng xén. Sự đầu tư manh mún, khai thác thiếu đồng bộ và thực dụng trong nhiều năm qua cùng với cách quản lý không có một "kịch bản" thống nhất dẫn tới nhiều sản phẩm du lịch trùng lắp, đơn điệu và tẻ nhạt. Chính vì thế mà hồ Xuân Hương ở trung tâm thành phố trở thành nơi bị ô nhiễm cục bộ nước thải, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Hồ Than Thở bị thu hẹp, mùa mưa thì ngầu đục, mùa khô thì cạn nước trơ cả đáy. Thác Liên Khương đã cạn kiệt nguồn nước, cảnh quan khu vực thác bị phá hủy hoàn toàn. Thác Gougah đã biến mất trong lòng hồ thủy điện Ðại Ninh. Trong nội ô thành phố, thác Prenn và Cam Ly nhiều năm qua không hề có một hạng mục đầu tư mới nào, dòng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng...
Ăn ư ? Không. Ngủ ư? Cũng không... Họ không chỉ đến với thành phố này bởi những nhu cầu chung chung đó. Du khách muốn khám phá và thưởng thức ở miền rừng núi cao nguyên những điều cao khiết và sang trọng hơn thế. Nhưng tất cả những điều ấy đều không mang lại cho họ một cách trọn vẹn. Một môi trường tự nhiên đầy trong lành và lãng mạn bị phá vỡ đến xót xa. Một không gian đô thị từng tồn tại như một bảo tàng kiến trúc cảnh quan mang nhiều dấu ấn châu Âu bị xuống cấp và bị biến dạng đến nỗi khó nhận ra nét hào hoa, kiêu sang xưa cũ. Du khách hoài cổ không tìm thấy lại được những dấu ấn xa xưa một cách trọn vẹn. Du khách đi tìm cảm giác mới lạ cũng khó tìm thấy nó ở thành phố này.
Hy vọng và chờ đợi !
Bao giờ du lịch Ðà Lạt cất cánh? Câu hỏi này đã được đặt ra từ lâu. Ðể ngành "công nghiệp không khói" ở thành phố cao nguyên có bước đột phá rất cần những chiến lược, sách lược cụ thể, một "kịch bản" thống nhất và khoa học. Ðể đưa du lịch vào quỹ đạo phát triển, gần đây, tỉnh Lâm Ðồng và thành phố Ðà Lạt đã thể hiện một vài động thái mới. Một trong những chuyển động rõ nét nhất là xúc tiến một số dự án lớn như: khu du lịch quốc tế Ðăng Kia - Suối Vàng, khu du lịch chuyên đề hồ Tuyền Lâm, khu du lịch văn hóa Lang Bian, khôi phục quỹ biệt thự Ðà Lạt... Bên cạnh đó, tỉnh và thành phố cũng đang ráo riết thực hiện nhiều giải pháp nhằm chỉnh trang đô thị như những gì nó vốn có và cần phải có. Các hoạt động như hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch và xúc tiến đầu tư... nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch và làm cầu nối giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của địa phương để mời chào, bán sản phẩm, kêu gọi đầu tư từ trong và nước ngoài cũng đã liên tục được tổ chức. Nhưng, nhìn thẳng vào thực tế, những cố gắng đó mới chỉ là bước đầu.