Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Quảng Nam vượt qua khủng hoảng

Cùng với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự bùng phát của dịch cúm A/H1N1 trên diện rộng đã khiến cho ngành du lịch gặp không ít khó khăn. Tại Quảng Nam, nhiều đơn vị đã cho thấy khả năng vượt qua khủng hoảng nhưng vẫn còn đang giữ thế “cầm cự”…

alt
Trong tình trạng suy thoái kinh tế, từ đầu năm đến nay vẫn có hơn nửa triệu du khách quốc tế đến Quảng Nam.

Khẳng định “thương hiệu”

Từ đầu năm, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã dự báo, mùa du lịch trọng điểm hè 2009 có khả năng sẽ thưa vắng khách. Các đơn vị lữ hành có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở tour; kéo theo đó, các cơ sở lưu trú và dịch vụ song hành sẽ rơi vào cảnh ế ẩm... Tính đến lúc này, dự báo trên là cơ bản chính xác với một số địa phương. Riêng Quảng Nam, những khó khăn trong hoạt động du lịch cũng đã xuất hiện trong một vài thời điểm, tại một số doanh nghiệp cụ thể. Còn trên bình diện chung, may mắn là đã không xảy ra cảnh "chợ chiều". 

Qua tìm hiểu tại một số đơn vị kinh doanh du lịch, trong mùa du lịch hè năm nay, lượng khách đi theo đoàn, theo tour - nhất là tour ngắn ngày, hầu như không giảm. Trong khi đó, lượng khách đi lẻ, đi tự phát theo nhóm nhỏ thì có xu hướng tăng. Tại hai điểm đến chủ yếu là Hội An và Mỹ Sơn, ngay trong những thời điểm không có sự kiện, lượng khách tìm đến hằng ngày vẫn khá đông. Riêng trong các dịp lễ hay các sự kiện du lịch, hầu hết các điểm du lịch đều đông khách. Có lúc, gần như toàn bộ hơn 70 cơ sở lưu trú từ bình dân đến cao cấp đều kín phòng. Ngoài những dịp đặc biệt này, tại một số cơ sở kinh doanh lưu trú thi thoảng cũng xảy ra hiện tượng "cháy" phòng; riêng các khách sạn hạng trung bình và trên mức trung bình một chút thì tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn. Cạnh đó, đáng chú ý là các khách sạn cao cấp như Cát Vàng, Palm Garden, Victoria, Hoi An Beach Resort, Đông An, Dấu Ấn... không còn là "độc quyền" của khách quốc tế nữa...

alt
Trong tình trạng suy thoái kinh tế, từ đầu năm đến nay vẫn có hơn nửa triệu du khách quốc tế đến Quảng Nam.

Theo thống kê của ngành du lịch, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng có khoảng 200 nghìn lượt khách đến Quảng Nam. Trong đó, khách quốc tế chiếm hơn một nửa và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Với khách nội địa, tuy số người tìm đến Quảng Nam không nhiều bằng dự kiến song cơ bản vẫn đạt mức tăng khá: khách tham quan tăng hơn 32% và khách do các cơ sở lưu trú phục vụ tăng 33,6%. Riêng trong tháng 7, mặc dù dịch cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp, gây nhiều quan ngại cho bầu không khí du lịch, song lượng khách đổ về Quảng Nam vẫn đạt hơn 197 nghìn lượt người, trong đó có hơn 92 nghìn lượt khách quốc tế... Theo bà Lê Thị Xuyến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu cũng như trong nước gặp khó khăn do suy thoái kinh tế và dịch cúm, việc Quảng Nam có được một lượng khách như vậy là rất đáng mừng. “Điều đó chứng tỏ "thương hiệu" du lịch Quảng Nam đã và đang được biết đến rộng rãi hơn và Quảng Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người” - bà Xuyến nói.

Tự làm mới mình

Việc ngành du lịch Quảng Nam có được sự ổn định và tăng trưởng một phần còn nhờ vào khả năng ứng phó nhanh nhạy, kịp thời của địa phương và các công ty du lịch trước những dự báo về sự khó khăn trong hoạt động du lịch. Bên cạnh giải pháp kích cầu được triển khai từ cuối năm ngoái (giảm 30% phí cho khách tham quan lưu trú, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới...), một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã tăng cường quảng bá hình ảnh và thu hút khách thông qua việc chủ động mở thêm nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá phòng, tặng thêm ngày lưu trú. Riêng Hội An - một trung tâm du lịch lớn, giải pháp chủ yếu để tránh ế ẩm là "làm mới" chính mình. Theo đó, một mặt triển khai, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch gắn kết với văn hóa đặc trưng của địa phương, tạo tính đa dạng cho sản phẩm du lịch; đồng thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội; vận động các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với chương trình khuyến mãi phù hợp...

alt
Mỹ Sơn, một trong hai điểm đến ở Quảng Nam thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Rõ ràng, việc ngành du lịch Quảng Nam không rơi vào cảnh “chợ chiều” trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, khó khăn của ngành công nghiệp không khói vẫn còn. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện vẫn phải chấp nhận nghịch lý : đầu tư nhiều (cải thiện cơ sở vật chất, bổ sung sản phẩm du lịch...) nhưng doanh thu vừa phải, lợi nhuận thấp (do giảm giá dịch vụ, khuyến mãi...). Riêng với các cơ sở dịch vụ may mặc, bán hàng lưu niệm, khó khăn lớn nhất hiện nay là bán hàng rất chậm, do phần lớn du khách đi du lịch theo kiểu “sống chung với khủng hoảng kinh tế”, như hạn chế mua sắm, ưu tiên dồn tiền cho ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan... 

Theo bà Lê Thị Xuyến, vì những lẽ đó nên hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch - trong đó có 64 thành viên thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - đang hoạt động trong thế “cầm cự” là chính chứ chưa thể mở rộng đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, để ngành du lịch phục hồi và tiếp tục phát triển tương xứng một khi nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, cần có thêm sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp chính quyền và các tổ chức kinh tế.

(Theo BẢO ANH // Báo Quảng Nam )

  • Cần “làm mới” du lịch Tuy Phong
  • Khách đến Việt Nam bằng tàu biển sụt giảm mạnh
  • Thu hút khách dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long
  • Giá rẻ cho tour nội: Cần chiến lược dài hơi
  • 10.000 lượt khách đã bay với mức giá một chiều dưới 10 đô la
  • Phát hiện quần thể dơi ngựa lớn nhất Việt Nam
  • Vietnam Airlines giảm 60%- 70% giá vé
  • Hàng không thế giới có thể thua lỗ 11 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com