Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Việt Nam: Ba đột phá để hội nhập

Du lịch VN vẫn còn nhiều khoảng trống

Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thằng Long - Hà Nội được coi là cơ hội “nghìn năm có một” để quảng bá du lịch Hà Nội và VN. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, du lịch Việt vẫn cần thêm những “cú hích” đủ mạnh để phát triển và hội nhập, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

Thật ít có ngành kinh tế nào lại có sức hấp dẫn và đem lại hiệu quả cao và toàn diện như du lịch. Đây là “ngành công nghiệp không khói”, khâu và lĩnh vực dịch vụ tổng hợp nhất, có tác động lan truyền và thúc đẩy mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội ở các lĩnh vực và địa phương có liên quan, tạo nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp, cải thiện thu nhập, xuất khẩu tại chỗ hàng hoá và dịch vụ, tăng nguồn thu, thúc đẩy đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật kinh tế và xã hội địa phương, góp phần nâng cao mức sống kinh tế, cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho cộng đồng dân cư địa phương và thúc đẩy sự thịnh vượng quốc gia ...

Du lịch là ngành vừa dễ lại vừa khó phát triển, vừa rất bình dân lại vừa phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, cũng như khả năng tổ chức mang tính chuyên nghiệp cao... Thực tiễn cho thấy, dù có nhiều thành công đáng ghi nhận, song để du lịch VN phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thời gian tới cần có ba đột phá lớn sau:

Đặc sản hoá và đa dạng hoá sản phẩm

Sản phẩm du lịch còn thiếu chuyên biệt, đa dạng và tinh tế là một trong những đặc trưng cố hữu và điểm yếu nhất trong du lịch VN.

VN có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển, cũng như đời sống văn hoá, đặc biệt có hàng chục ngàn  di tích và các  giá  trị văn hóa  vật thể và phi vật thể phong phú, trong đó nhiều di sản có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm, nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp nổi tiếng và được xếp hạng quốc gia và cả quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm và các trung tâm, khu và lạo hình du lịch có tính đặc sản và độc đáo cao. Đồng thời hết sức đa dạng, đa sở hữu, có quy mô lớn, tầm vóc quốc gia và khu vực, để thôngqua du lịch mang VN và các sản phẩm du lịch VN đến với thế giới, cũng như mang tinh hoa thế giới đến với VN.

Theo đó, trong thời gian tới cần có sự quy hoạch, sàng lọc, nghiên cứu và đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu  bài bản  nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, có quy mô và tính chất đặc trưng, độc đáo, làm sao để có sản phẩm du lịch cấp quốc gia và cấp địa phương, có tính liên kết cao hướng đến mọi loại nhu của và đối tượng thụ hưởng, trong đó tập trung vào những sản phẩm phát huy được các thế mạnh, bản sắc địa phương, vùng và cả nước và có tính hấp dẫn cao, bao gồm : Du lịch lễ hội - tâm linh - văn hoá - thể thao; Du lịch kỳ quan, thắng cảnh thiên nhiên, nhất là hang động, rừng; Du lịch biển và tắm khoáng, điều dưỡng, chữa bệnh và ẩm thực; Du lịch làng quê, vườn, leo núi  và sông nước; Du lịch hội thảo khoa học, hội nghị và kết hợp học tập; Du lịch hội chợ-làng nghề-kinh doanh; Du lịch khám phá và mạo hiểm; Du lịch quốc tế...

Du lịch biển, du lịch lễ hội, văn hoá-sinh thái và điều dưỡng sẽ ngày càng có triển vọng, nhất là hướng đến thị trường những người có thu nhập cao, về hưu. Như ở Nhật và một số nước khác có điều kiện tự nhiên hạn chế và khí hậu khắc nghiệt muốn sang VN du lịch kết hợp điều dưỡng thời gian dài. Đồng thời, nên quan tâm phát triển loại hình du lịch đồng quê, bình dân, trong đó du khách có thể cùng ăn ngủ và giao lưu chan hoà trong gia đình và cộng đồng  người dân bản địa để cảm nhận và hiểu biết sâu hơn  đời sống văn hoá – xã hội địa phương, nhất là các sinh viên và tầng lớp dân cư giữa các miền, vùng trong nước và quốc tế...

Bên cạnh các sản phẩm-tour du lịch đó, cần phát triển các sản phẩm, hiện vật  lưu niệm cụ thể ngày càng đa dạng, đặc sắc, tạo nhu cầu chi tiêu cho khách du lịch, nhất là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những đặc sản làng quê và những kỷ vật có tính độc đáo và giá trị nhân văn, lịch sử... Đặc biệt, cần mạnh dạn đầu tư để mở các cuộc thi định kỳ và không định kỳ quy mô cấp tỉnh và cấp quốc gia thiết kế sản phẩm du lịch, trong đó có thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà điêu khắc, tạo hình, nghệ sĩ và hoạ sĩ, các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, văn hoá và đông đảo nhân dân, kể cả Việt kiều trên toàn thế giới, để tạo ra các ý tưởng và sản phẩm du lịch ngày càng có tính chuyên nghiệp cao, ngày càng có sức hấp dẫn và chất lượng cao hơn, khai thác tốt hơn mọi tiềm năng du lịch địa phương và quốc gia...

Đồng thời, cần chú ý thổi hồn vào các sản phẩm du lịch trên cơ sở những bài thuyết minh, những sự tích và lai lịch thắng cảnh, di tích lịch sử và di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Cần quan tâm và chuyên nghiệp hoá công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu du lịch và mở rộng tuyên truyền về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các địa danh, đường phố, các công trình kỷ niệm...

Các  hội chợ và lễ hội du lịch trên nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, kết hợp với Hội chợ hàng VN chất lượng cao, Hội làng nghề Tiểu thủ công nghiệp, Làng văn hoá ẩm thực, Lễ hội hoa  và triển lãm sinh vật cảnh... tất cả ngày càng cần được tổ chức thường xuyên, có tính chuyên nghiệp cao, trở thành những  sự  kiện văn hoá-du lịch có ý nghĩa không chỉ với cộng đồng các dân tộc VN, mà còn tạo nên ấn tượng tốt với các bạn bè quốc tế... Dành trọng tâm đầu tư  phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù mới ở các vùng biển đảo, biên giới, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và du lịch sinh thái - văn hoá - nghỉ dưỡng... chú ý cả lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. 

Xã hội hoá và hợp tác hoá tổ chức du lịch

Cần thúc đẩy những đột phá mới, căn bản hơn  về cơ chế, chính sách, và cơ sở hạ tầng du lịch tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, phát triển du lịch một cách chủ động, có tổ chức, có tính xã hội hoá cao và hợp tác hoá chặt chẽ, tăng liên kết giữa các sản phẩm, loại hình du lịch, cũng như giữa các vùng, miền và các DN và các tổ chức, hoạt động  du lịch và có liên quan...

Đặc biệt, cần tạo sự liên thông, liên kết, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và tạo sự thống nhất giữa giữa các sản phẩm du lịch và các ban, ngành, các khâu và các hoạt động  khách sạn- lữ hành- hàng không- thương mại trong việc tổ chức tua du lịch để tăng tính cạnh tranh quốc tế, đồng thời giảm thiểu sự cạnh tranh tự phát, thiếu lành mạnh giữa các tỉnh, địa phương, phát huy thế mạnh riêng của từng địa phương và đơn vị, tạo nên các tua, tuyến du lịch mang tính liên kết chặt chẽ và hấp dẫn du khách vì lợi ích phát triển chung.

Cần gia tăng các tour trọn gói tại các trọng điểm du lịch với sự tham gia chặt chẽ của các DN lữ hành, khách sạn và resort lớn, các hãng vận chuyển, nhà hàng, trung tâm mua sắm lớn trên mỗi địa phương và cả nước, cũng như có sự kết nối cao, chặt chẽ với các tổ chức và đối tác hữu quan ngoài nước.

Cần thu hút các khả năng của các sứ quán, cơ quan, tổ chức, DN và kiều bào VN ở nước ngoài tham gia làm cầu nối và tạo mạng liên kết bao phủ ngày càng rộng trên phạm vi trong nước và ở nước ngoài; nghiên cứu giảm, miễn thuế hỗ trợ các hoạt động du lịch; tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại, lưu trú và miễn lệ phí visa cho khách quốc tế vào VN; cho phép mở thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới, vừa giữ gìn và quảng bá văn hoá dân tộc, vừa  đáp ứng nhu cầu khách du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế;  cho phép các khách sạn từ 4 sao trở lên kéo dài thời gian phục vụ một số dịch vụ giải trí đến 24/24 giờ... Cần liên tục áp dụng giá vé máy bay khuyến mãi dành cho nhóm các DN du lịch tham gia giảm giá kích cầu...

Đồng thời, thúc đẩy việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án đào tạo chuẩn hóa các chức danh du lịch,  quảng bá văn hóa - đất nước - con người VN trên kênh truyền hình quốc tế BBC World News.

Tích cực chỉ đạo các cơ quan quản lý du lịch địa phương, Cty kinh doanh lữ hành và các khách sạn tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống cúm trong ngành, bảo đảm an toàn nơi làm việc, lưu trú của khách; cập thật thông tin đầy đủ thường xuyên cho khách hàng, tránh thông tin sai lệch gây hoang mang cho du khách, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Du lịch VN.

Chuyên nghiệp hoá- hiện đại hoá cơ sở hạ tầng

Tuy là hoạt động dịch vụ có tính đại chúng và xã hội hoá cao, song tính chuyên nghiệp và hiện đại trong cơ sở hạ tầng và tổ chức hoạt động du lịch vừa là yêu cầu đặc trưng, vừa là thước đo và điều kiện đảm bảo cạnh tranh thành công trong bối cảnh hội nhập của du lịch VN. Cần xác định đúng tầm quan trọng của đầu tư và chuẩn hoá cơ sở hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch du lịch của địa phương, tăng cường xúc tiến và quảng bá du lịch VN ở nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch như là những nhiệm vụ trọng tâm để đón đầu sự phục hồi của ngành công nghiệp này trong tương lai, được dự đoán là “không xa”. Cần tăng đầu tư và liên kết với các đối tác nước ngoài đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, tập trung vào các thị trường trọng điểm và đối tượng khách cần ưu tiên. Thu hút và khai thác các tiềm năng Việt kiều cho công tác tổ chức và quảng bá du lịch ở nước ngoài, nhất là ở thị trường Pháp,  Trung Quốc, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, khu vực ASEAN và Tây Bắc Âu.

Cần tăng cường đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động trong ngành, nhất là lĩnh vực thông tin tuyên truyền du lịch, hướng dẫn viên du lịch, giám đốc khách sạn, nhà hàng...

Cần tăng cường hơn về giáo dục, tuyên truyền vận động ý thức nhân dân trong kinh doanh du lịch, đón tiếp du khách, nhất là ở các thành phố, trung tâm du lịch, xây dựng ý thức “toàn dân cùng làm du lịch” vì lợi ích chung.

Cải tiến các thủ tục xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho du khách; tăng cường đầu tư các điểm đón khách ở cửa khẩu, bến cảng du lịch; xây dựng các trạm dừng chân dọc những tuyến đường, quốc lộ cho du khách; tăng cường đầu tư bảo đảm môi trường, cảnh quan; Thường xuyên thực hiện và giám sát thực hiện tốt các quy định và hoạt động  cải tạo, làm vệ sinh, giữ gìn môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; xây dựng và tu bổ nhà vệ sinh cho du khách ở các điểm tham quan, địa phương du lịch...

Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy Du lịch VN sẽ ngày càng có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển  và hội nhập chung của đất nước. Đồng thời, thực tế cũng đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc và đột phá toàn diện hơn nữa của các cơ quan quản lý, đề cao vai trò nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch, của các chính quyền địa phương, đặc biệt là các DN lữ hành và những ngành kinh doanh có liên quan đến du lịch, cả trong công tác tổ chức và giám sát, cũng như trong  thực hiện các yêu cầu về tiêu chuẩn hoá và chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá, đa dạng hoá những sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể hoá và linh hoạt theo thị trường, trong sự cạnh tranh  lành mạnh và hợp tác nhằm khai thác và phát triển bền vững các tiềm năng và cơ hội du lịch trong và ngoài nước...

Thực tế đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc và đột phá toàn diện hơn nữa của các cơ quan quản lý, đề cao vai trò nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch, đặc biệt là các DN lữ hành và những ngành kinh doanh có liên quan đến du lịch, cả trong công tác tổ chức và giám sát, cũng như trong thực hiện các yêu cầu về tiêu chuẩn hoá và chuyên nghiệp hoá, đa dạng hoá những sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể hoá và linh hoạt theo thị trường...

TSNguyễn Minh Phong - Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế - Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tàu du lịch Diamond Princess nhập cảng Nha Trang
  • Ai Cập dự kiến đón 15 triệu khách du lịch năm 2010
  • Vân Phong hút nhiều dự án du lịch sinh thái biển
  • Hà Nội Kids - những sứ giả văn hóa của Thủ đô
  • ASEAN - điểm đến hấp dẫn
  • Thu hút khách quốc tế: Đừng để hạ tầng và dịch vụ cản bước
  • Loay hoay du lịch ĐBSCL. Bài 1: Hấp dẫn văn hóa phương Nam
  • Sắp phát sóng kênh truyền hình du lịch Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com