Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Việt Nam: Mạnh ai nấy làm

Sắc diện du lịch Việt Nam mới hồng hào lại sau gần hai năm, nay đang có dấu hiệu trì trệ trở lại khi những cấp chính quyền, đơn vị liên quan tới ngành du lịch thiếu sự phối hợp cùng nhau.

Hàng không "bỏ rơi " du lịch?

Đại diện các công ty lữ hành ở phía Nam tham gia đoàn khảo sát các tỉnh Tây Bắc cùng Hanoitourist trong bữa cơm tại nhà dân Bản Lác

Hàng năm, từ tháng 10 các đơn vị lữ hành đã chào bán hàng loạt chương trình du lịch để đón khách. Còn năm nay, hy vọng bội thu khách du lịch vào dịp cuối năm và Tết sắp tới rất mong manh. Đến giờ này, các đơn vị lữ hành vẫn chưa dám niêm yết tour nội địa vì thông tin hàng không sẽ tăng giá vé máy bay vẫn chưa xác định hoặc nếu tăng thì tăng đến mức nào? Ông Lý Việt Cường, Giám đốc Công ty du lịch Nam Phương cho biết, hiện thời vé máy bay giá rẻ nhất mà ông đặt được cho khách đi Hà Nội là 2.045.000 đồng/lượt, không còn mua được hạng vé rẻ hơn nữa. "Vé máy bay nội địa đã tăng hồi tháng 5 vừa qua khiến các đơn vị lữ hành một lần mất khách. Nếu trong mùa du lịch cuối năm (mùa thu hút khách trong nước lẫn khách nước ngoài) mà giá vé tăng nữa sẽ triệt tiêu những nỗ lực của các đơn vị lữ hành trong suốt hơn một năm qua cho du lịch Việt Nam"- bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc điều hành Công ty Viettours tâm sự. Bên cạnh đó, các hãng lữ hành còn lo phải đối phó với tình trạng đầu cơ vé máy bay của các đại lý. Cho dù các hãng hàng không nói luôn có nhiều mức giá vé máy bay từ thấp đến cao, nhưng muốn chắc chắn công ty lữ hành phải mua vé hạng giá cao mới mong các đại lý "nhả" vé cho. Chưa biết giá vé máy bay sắp tới thế nào nên hầu như các đơn vị lữ hành chỉ mới tung các tour gần di chuyển bằng đường bộ, dẫu vậy vẫn chưa an tâm vì không dám chắc giá thuê xe, vé tàu lửa không "té nước theo mưa".

Người mong hợp sức, kẻ muốn độc quyền

Phải nhìn nhận, năm nay các đơn vị lữ hành rất năng động liên kết với các địa phương để mở ra các tuyến điểm mới để đưa khách du lịch từ miền Bắc, miền Trung vào Nam và ngược lại. Ở TP.HCM, các công ty lữ hành trong Hiệp hội Du lịch đã luân phiên đứng ra tổ chức khảo sát tour mới ở Long An, An Giang, Thanh Hóa…. Ở Đà Nẵng, Công ty Vitours đứng ra kết nối các tour miền Trung rồi giới thiệu đến các đơn vị lữ hành phía Nam phối hợp giới thiệu cho du khách. Chi nhánh tại TP.HCM của Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cũng đã phối hợp với hãng hàng không Air Mekong hỗ trợ hơn 40 công ty lữ hành phía Nam khảo sát các điểm ở Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai… Các tour khảo sát được các công ty quan tâm chú ý nghiên cứu cả phong tục, tập quán, văn hóa… của đồng bào thiểu số. Ông Hoàng Minh Tiến, Phó giám đốc chi nhánh Hanoitourist tại TP.HCM khẳng định, những công ty lữ hành có tinh thần hợp tác và không suy nghĩ việc đưa các đơn vị bạn cùng đi khảo sát tour, tuyến là "dẫn đường cho người đi buôn" chính là tín hiệu khả quan, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã biết khai thác thế mạnh chung - riêng và dung hòa lợi ích của các doanh nghiệp trong cùng ngành. Tuy nhiên, tình trạng một số đơn vị lữ hành mang tư tưởng "độc quyền" khai thác tour tuyến không phải đã hết. Ông Nguyễn Trọng Khoa, một du khách nhận xét: "Không thể có chuyện độc quyền một tour du lịch trong nước vì mỗi cảnh đẹp, mỗi dòng sông, bãi biển, núi non, làng bản… đều là tài sản chung mà mỗi người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài đến tận hưởng. Chưa kể việc cho độc quyền tour mới sẽ gây tình trạng độc quyền giá, hậu quả là cũng không thu hút du khách cho địa phương".

Năm nay các đơn vị lữ hành rất năng động liên kết với các địa phương để mở ra các tuyến điểm mới để đưa khách du lịch từ miền Bắc, miền Trung vào Nam và ngược lại. Tuy nhiên, tình trạng một số đơn vị lữ hành mang tư tưởng "độc quyền" khai thác tour tuyến không phải là đã hết.
 
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, nhận thấy, phải thay đổi nhận thức về kinh doanh dịch vụ du lịch. Mỗi đơn vị có lượng khách nhất định, ôm khư khư một mình khai thác tuyến mới sẽ không tăng lượng khách lên. Nhiều đơn vị cùng biết tuyến điểm mới, thậm chí cùng giới thiệu chương trình tour như nhau sẽ phối hợp nhau tổ chức cho du khách có thể đi hàng tuần, hàng ngày dễ dàng, kéo giảm giá tour, hoàn thiện khâu dịch vụ khách đến ngày càng nhiều.

Hiểm họa tận thu và "về hưu sớm"

Nhiều đơn vị lữ hành cho biết: năm nào cũng vậy, họ luôn nơm nớp lo lắng vì sự tăng giá không đoán được từ các doanh nghiệp dịch vụ khách sạn. Theo các đơn vị lữ hành, các khách sạn 4, 5 sao thường công bố giá trước mỗi dịp lễ, tết, nếu có tăng giá thì chỉ khoảng 5 - 10% nên dễ tính giá tour, nhưng số khách sạn này không nhiều và giá cao nên kén khách. Trong khi nhu cầu khách sạn 2, 3 sao nhiều, nhưng đến cận những ngày cao điểm thu hút khách, họ mới niêm yết giá và mức tăng 50-100% là chuyện thường.

Các khách sạn 4, 5 sao thường công bố giá tăng trước mỗi dịp lễ, tết khoảng 5 - 10% nên dễ tính giá tour, nhưng số khách sạn này không nhiều và giá cao nên kén khách.

Một số đơn vị lữ hành chọn những doanh nghiệp đầu tư khách sạn thành chuỗi, có mặt ở nhiều địa phương trọng điểm du lịch vì tin rằng, họ vì thương hiệu sẽ phục vụ tốt. Thế nhưng, số sao là một chuyện, chất lượng sao là chuyện khác. Mới đây, những thành viên của đoàn Farmtrip đi các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa đã lên tiếng với quan chức ngành du lịch của tỉnh Bình Định cần đánh giá xếp "sao" lại một số resort ở Quy Nhơn vì tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Bên cạnh đó ở mỗi địa phương, tình trạng chính quyền địa phương với tư tưởng "tận thu" cũng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Đơn cử khi đến Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình), chưa kịp nghỉ ngơi sau một ngày đường dài, thì đại diện UBND xã đã đến thu 7.000 đồng/người, gọi là "phí tham quan danh lam thắng cảnh trên địa bàn xã". Khách ngỡ ngàng khi không nghe cán bộ này giới thiệu xã có thắng cảnh gì, chỉ bảo thu phí du khách ra vô xã! Trước đây thu 5.000 đồng/khách, từ 21/5/2007 thu lên 7.000 đồng/khách.

Không thu phí như xã Chiềng Châu, nhưng một số địa phương ở miền Tây Nam bộ lại đang diễn ra tình trạng lo "về hưu sớm" của các quan chức. Lười quảng bá du lịch, nhưng thay vì lo việc tổ chức đưa khách khai thác những tuyến điểm, cơ sở lưu trú đang có ở địa phương, chính những cán bộ này lại lo xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, điểm du lịch của riêng mình để cạnh tranh với dân, khiến cho chất lượng chung đều "liều biều", các hãng lữ hành cũng không làm gì khác được.

Tinh thần liên kết của các đơn vị lữ hành, giao lưu xúc tiến du lịch giữa các địa phương là những tín hiện tốt, nhưng có vẻ giấc mơ liên kết, cất cánh cùng du lịch cũng chỉ mới đi được một nửa chặng đường, việc tăng tốc cho du lịch Việt Nam còn không ít cản trở.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Cần 42,5 tỷ USD để phát triển du lịch 10 năm tới
  • Lữ hành quốc tế “vẽ đường” cho du lịch Việt Nam
  • Ngành du lịch Ai Cập sẽ phục hồi trong năm 2012
  • TP.HCM: Saigontourist có tour “Tây ăn Tết ta 2012”
  • Vụ lữ hành: Chưa nên tăng phí tham quan Hạ Long
  • Nghỉ tết dài ngày, du khách đặt tour nhiều hơn
  • Đà Lạt: Giá phòng tăng gấp đôi trong dịp festival hoa
  • Sốc' vì vé tham quan vịnh Hạ Long tăng gấp đôi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com