Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Việt Nam - Nỗi lo giảm khách

Năm 2009, ngành du lịch Việt Nam (VN) về đích “âm”, chỉ đón được gần 3,8 triệu khách quốc tế, giảm 11% so với năm 2008. Ngay tại TPHCM - trung tâm du lịch của cả nước, dù đã điều chỉnh mục tiêu đón 2,6 - 2,7 triệu khách quốc tế so với con số 3 triệu khách ban đầu nhưng cũng chỉ đạt được 2,5 triệu khách. VN từng là một trong những quốc gia có tăng trưởng du khách dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương. Điều gì đang xảy ra khi mức sụt giảm 11% trong năm 2009 lại cao hơn nhiều so với mức giảm trung bình 5% của khu vực.

Du khách tham quan địa đạo Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG

70% du khách không trở lại Việt Nam

Chỉ đón gần 3,8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2009, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ngành du lịch VN có sự giảm sút khách mạnh như vậy. Càng buồn hơn khi khách trong nước đi du lịch nước ngoài vẫn trên đà tăng, trong khi khách từ nước ngoài đến lại giảm. Khách quốc tế đến VN trong năm 2009 đã về mức “âm”, giảm 11% so với năm 2008 và ngành du lịch VN đã mất gần 450.000 khách quốc tế trong năm 2009. Ngành du lịch vui vì thị trường khách du lịch nội địa tăng cao, đạt 25 triệu khách trong năm nay. “Bù qua xớt lại” doanh thu ngành du lịch vẫn được đảm bảo và vẫn có chút tăng trưởng! Và mục tiêu đạt 25 triệu khách cho năm 2010 đã đạt trước thời hạn. Tuy nhiên, mục tiêu đón 6 triệu khách quốc tế trong năm 2010 là điều quá sức với du lịch VN trong thời điểm hiện tại. Và trước khó khăn hiện nay, ngành du lịch VN chỉ dám đưa ra dự kiến đạt được 4,6 triệu khách quốc tế trong năm 2010. 

Trên đây là những con số ước chừng mà ngành du lịch đưa ra và chắc chắn đó không phải là những số liệu chính xác. Chúng ta tỏ ra không lo lắng lắm vì sự sụt giảm này đã có khủng hoảng kinh tế làm lý do! Tuy nhiên, chúng ta không nên lạc quan quá, vì thực tế, việc giảm sút khách quốc tế đã được cảnh báo trong nhiều năm nay. Số liệu “70% khách quốc tế đến VN - một đi không trở lại” thật sự là điều để ngành du lịch VN nhìn lại và suy ngẫm.

Trong năm 2009, các công ty du lịch sầu thảm với việc giảm sút khách nghiêm trọng, khách sạn cao cấp chỉ đạt 40%-50% công suất nhưng mức giảm của ngành du lịch đưa ra vẫn còn rất lạc quan. Hầu hết các tháng trong năm đều giảm, nhưng đùng một cái, tháng 11-2009, khách quốc tế đến VN tăng trên 70% so với tháng trước. Ngành du lịch hoan hỉ, khách quốc tế đã trở lại VN! Những ai quan tâm đến ngành du lịch bỗng vui vì đây là dấu hiệu tích cực. Thế nhưng thực tế thì sao? Rõ ràng, du lịch VN có được gần 3,8 triệu khách quốc tế trong năm nay là nhờ sự có mặt của hàng chục ngàn vận động viên các nước tham dự Giải Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (Asian Indoor Games III) diễn ra vào đầu tháng 11-2009. Nếu không có lượng khách từ Asian Indoor Games III thì có lẽ du lịch VN còn sầu thảm hơn! Rõ ràng, không hề có việc tăng khách quốc tế ngoạn mục ở đây!

kinh tế thế giới đã khởi sắc với sự hồi phục của nhiều nền kinh tế nhưng ngay khi đang vào mùa cao điểm đón khách quốc tế (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau), khách quốc tế đến VN chỉ nhích lên chút đỉnh. Công ty Liên doanh Du lịch APEX, chuyên về thị trường khách Nhật, cho biết, lượng khách đến VN qua công ty tăng khoảng 10% - 15% so với thời kỳ thấp điểm của năm 2009 và lượng khách cũng chỉ bằng với cùng kỳ năm 2008.

Ngay khi tham dự buổi đón đoàn khách quốc tế “xông đất” TPHCM trong ngày đầu năm 2010, những người trong ngành tham dự cũng cảm nhận rằng, khách quốc tế đến TPHCM trong ngày đầu năm mới không bằng năm trước. Các công ty du lịch lớn trong những ngày đầu năm chỉ có vài tour khách nước ngoài, tour nhiều khách nhất chỉ hơn chục khách.

Hình ảnh du lịch: Chưa cải thiện!

Thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 thị trường khách truyền thống, luôn nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế vào VN. Nhưng trong năm 2009, khách đến từ 2 thị trường này lại sụt giảm nhiều nhất, Hàn Quốc giảm gần 20%, khách Nhật giảm 9%. Các công ty du lịch chuyên về thị trường khách Nhật chia sẻ, hệ lụy từ việc giá phòng khách sạn tăng cao trước đây đang là một trong những nguyên nhân. Việc này đã làm mất lòng các công ty, đối tác bên Nhật đã hướng khách đến những điểm đến khác trong khu vực. Trong khi đó, sau một năm áp dụng chính sách “thà bán được 1 phòng hơn bỏ trống”, với nhiều chính sách giảm giá phòng, khuyến mãi kèm theo thì đến thời điểm này, một số khách sạn bắt đầu điều chỉnh tăng giá.

Việc cải thiện, xây dựng hạ tầng tại VN cũng là một nguyên nhân tác động đến việc giảm khách du lịch. Trong năm 2009, đã có 2 đoàn khách bị lỡ chuyến bay bởi vì “lô cốt”, kẹt xe. Kẹt xe bây giờ đang là nỗi ám ảnh lớn cho các công ty lữ hành. Tại nhiều điểm đến của du lịch VN tình trạng ăn xin, chèo kéo khách vẫn chưa được cải thiện. Sản phẩm du lịch nhàm chán, việc xây dựng sản phẩm mới lại chậm chạp. Ngay tại TPHCM, dù đã có lực lượng bảo vệ du khách nhưng vẫn không thể nào dứt điểm được tình trạng này. Do vướng nhiều cơ chế nên lực lượng hoạt động còn mỏng và ngành du lịch TP dường như vẫn chưa có biện pháp mạnh tay trong giải quyết vấn đề này. Đến nay, cách giải quyết rốt ráo của TP Đà Nẵng vẫn được xem là một điển hình, nhiều địa phương muốn làm theo nhưng vẫn không thể làm được. 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế năm rồi, qua chiến lược phát triển thu hút khách du lịch tại nhiều quốc gia trong khu vực mới thấy họ làm du lịch chuyên nghiệp và đồng bộ đến cỡ nào! Trên bảo dưới nghe, tất cả doanh nghiệp trong ngành hợp lực để có được mục đích chung. Nếu cứ mãi so sánh như thế này thì ngành du lịch VN vẫn cứ mãi hụt hơi! Chiến lược xây dựng giá tour giảm, để bù lại bằng việc “móc túi” qua các dịch vụ mua sắm, quà tặng được các nước khai thác trong thời buổi khó khăn. Thế nhưng, điều này lại quá khó với VN.

Trong khi các hãng hàng không quốc gia, hàng không giá rẻ của các nước thi nhau giảm giá, khuyến mãi để hút khách từ VN, thì chương trình cho khách inbound (từ nước ngoài vào VN) của Vietnam Airlines (VNA) vẫn cứ trầy trật, các doanh nghiệp lữ hành bỏ cuộc và chương trình dường như không triển khai được. Năm qua, VNA đã đóng góp nhiều trong kích cầu tour nội địa, nhưng rõ ràng ngành du lịch VN không thể làm gì hơn. Tour đi nước ngoài vẫn rẻ hơn tour đi trong nước là vì vậy.

(Theo Mỹ Hạnh // SGGP Online)

  • Lạng Sơn kêu gọi đầu tư, liên kết phát triển du lịch
  • Năm 2010 sẽ là cơ hội vàng của du lịch Việt Nam
  • Hành trình về nơi phát tích triều Đinh ở Ninh Bình
  • Chất lượng nhân lực: Chìa khóa phát triển du lịch
  • Du lịch Việt Nam nhiều cơ hội thu hút khách
  • Thừa Thiên-Huế kết nối tour du lịch với làng nghề
  • Việt Nam sẽ có khách sạn thương hiệu Holiday Inn
  • Thành lập Liên minh du lịch Tàu biển châu Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com