Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xây dựng khu mua sắm phục vụ khách du lịch: Tại sao không?

Một người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, trong một dịp đến Đà Nẵng dự hội nghị, có nhờ tôi đưa đi mua quà cho gia đình. Tôi nói mua sản phẩm đá Non Nước thì bạn nói “đã mua trong lần trước đến Đà Nẵng rồi, mà nó nặng quá”. Dẫn bạn đến Siêu thị Big C, dạo một vòng cũng không mua được một món hàng lưu niệm nào của Đà Nẵng. Loay hoay mãi, cuối cùng tôi cũng hỏi được một nơi có bán đèn lồng Hội An và bạn tôi mua với giá đắt  gấp rưỡi so với ở Hội An.

Các tình nguyện viên đang hướng dẫn cho du khách các địa điểm mua sắm tại trung tâm thành phố.

Theo kết quả điều tra thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng năm 2008 do Trung tâm Xúc tiến du lịch tiến hành, mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế khác nhau, khách Nhật chi tiêu cao nhất, sau đó là khách Mỹ và tiếp theo là khách Pháp, Nga, Ý… Bình quân khách quốc tế chi tiêu từ 100-200 USD. Mức này là khá khiêm tốn so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan… Như vậy, nhiệm vụ của du lịch thành phố không chỉ dừng lại ở việc thu hút khách đến, mà còn ở việc kích thích chi tiêu của khách.  

Đã có thời Sở Thương mại (trước đây) tổ chức chợ đêm tại chợ Hàn và đường Hùng Vương, nhưng do nhiều nguyên nhân đều không thành công. Mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-xã hội xây dựng Đề án Phố Du lịch Bạch Đằng và các dịch vụ giải trí về đêm nhưng cũng không có kết quả. Một trong những nguyên nhân chính là ảnh hưởng đến giao thông. Vậy tại sao chúng ta lại không quy hoạch một khu vực dành riêng cho việc phát triển khu chợ đêm hoặc phố du lịch? Ngoài ra, cần phải áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các hộ dân bán hàng, thành lập được khu mua sắm và dần dần thu hút khách du lịch.


Nhiều người nói rằng, Đà Nẵng có Siêu thị Big C, Intimex, Metro… là đủ, thực ra tâm lý nhiều khách du lịch không thích vào siêu thị, một số vẫn thích vào các khu chợ mua sắm hơn. Khu vực chợ Hàn hiện được khách Thái Lan và khách tàu biển thích đến mua sắm. Nếu có định hướng phát triển chợ Hàn thành khu vực chuyên bán hàng lưu niệm, phát triển các mặt hàng phục vụ khách thì phù hợp nhất.

Về lâu dài, cần có chiến lược phát triển hàng lưu niệm và thủ công mỹ nghệ đặc trưng của Đà Nẵng. Ngoài mặt hàng đá Non Nước đã có tiếng từ lâu nay, Đà Nẵng cần nghiên cứu sản xuất các mặt hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ khác đặc trưng của mình để bán cho khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này không phải dễ dàng thực hiện được, nhất là trong thời điểm ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ gặp rất nhiều khó khăn để tồn tại, lại không được các nhà đầu tư quan tâm. Do đó, phát triển dịch vụ mua sắm tại Đà Nẵng hiện vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. 

(Theo HOÀNG NGỌC // Báo Hậu Giang Online)

  • Du lịch An Giang : Những bước đi đột phá
  • Nhà nghỉ dưỡng miền sơn cước: Điểm ngắm của “đại gia” Hà Nội
  • Kéo du khách nội địa không chỉ nhờ giảm giá
  • Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Phú Quốc giảm giá 5-10%
  • TPHCM lấy ý kiến góp ý cho sản phẩm du lịch
  • Khách quốc tế vẫn giảm trong mùa đông khách
  • Du lịch biển vì sao chưa hút khách?
  • Khai trương đường bay Hà Nội – Hải Khẩu (Trung Quốc)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com