Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðầu tư để du lịch Mộc Châu phát triển

Trải qua một hành trình 200 cây số, du khách sẽ đến với Mộc Châu (Sơn La), đến với vẻ đẹp quyến rũ hoang dại của vùng núi Tây Bắc, với những cánh hoa ban mỏng manh trắng muốt kiêu hãnh vươn lên giữa núi rừng thơm ngát; với những rừng đào, rừng mận đã đến thì kết trái; những cô gái Thái, Mông trong trang phục rực rỡ sắc mầu, trong không khí mát lành của những buổi sáng mai, những đàn chim sơn ca ríu rít, du khách say sưa thưởng trà đặc biệt Mộc Châu, lòng khoan khoái nghĩ đến hành trình chinh phục đỉnh Phiêng Luông, ngắm thác Dải Yếm, xuống Hang Dơi hoặc lên rừng hái quả...

Một chương trình mới nghe giới thiệu đã thấy thú vị, nhưng đáp lại sự mong chờ của du khách chỉ là sự hụt hẫng đến khôn cùng: bởi tua du lịch quá nghèo nàn, dịch vụ hạn chế, và các sản phẩm, nét văn hóa đặc sắc của Mộc Châu chưa được đầu tư, phát triển. Theo Giám đốc công ty Hand in Hand Travel & Tours Nguyễn Ngọc Dzũng, hiện nay chỉ có một số ít công ty lữ hành triển khai tua du lịch Mộc Châu để đáp ứng nhu cầu của du khách. Phần đông thích du lịch tự khám phá vì du lịch Mộc Châu chưa phát triển. Du lịch Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung còn những hạn chế nhất định về đầu tư, xúc tiến quảng bá nên tua du lịch Mộc Châu mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, chưa thật sự hình thành chuyên nghiệp.

Thực tế đã phản ánh rõ điều đó, hiện nay, các tua du lịch đi Mộc Châu đều chỉ đáp ứng được nhu cầu điểm đến chứ chưa làm hài lòng du khách. Ngoài chợ tình ngày 2-9 có phần đặc sắc thì các tua đến Mộc Châu đều thực hiện theo một "lối mòn": tới động Sơn Mộc Hương, rừng thông, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông... Ðó là chưa nói, mùa này thác Dải Yếm, một trong những trọng tâm du lịch Mộc Châu cũng khô nước, chỉ lác đác hai dòng nước chảy mà không thấy đâu dải yếm nước tung bay trắng xóa đã từng ghi dấu trong thi ca. Các danh thắng hầu như còn hoang sơ, chưa có sự đầu tư tôn tạo, sửa chữa sân bãi, đơn cử như cây cầu bắc qua con kênh dẫn đến thác Dải Yếm cũng do hộ dân tự đầu tư xây dựng và thu vé manh mún. Việc dẫn khách tham quan các địa danh chưa được tổ chức, sắp xếp mà tự phát do một số người dân bản địa kết hợp hoặc thuê mướn nhân viên khách sạn không chuyên. Sự đầu tư cho dịch vụ du lịch cũng dè chừng, hiện tại trên địa bàn thị trấn mới có hai khách sạn và chưa có một điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm phục vụ khách du lịch nào.

Nhiều người làm du lịch cho rằng, sở dĩ du lịch Mộc Châu chưa bứt phá được cũng là do nhu cầu du lịch của khách đến địa danh này còn ít. Cứ tổ chức các tua, đoàn đến địa phương thì sẽ nảy sinh phát triển dịch vụ. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều, nên có định hướng cụ thể phát triển du lịch vùng trước khi đưa vào khai thác dịch vụ tua, nếu ít kinh phí thì đặt ra kế hoạch phát triển du lịch theo từng giai đoạn mang tính trọng điểm, tận dụng những lợi thế sẵn có về điểm đến để xây dựng những tua đặc trưng riêng của vùng núi Tây Bắc. Chẳng hạn, ngành nên có chính sách tạo điều kiện, khuyến khích hộ gia đình địa phương mở các nhà hàng phục vụ đặc sản núi rừng, thôn bản (gà, bê, lợn mán, măng rừng...) cho du khách (nhấn mạnh theo hướng phát triển bền vững, không thịt thú rừng...) Hoặc nói đến Mộc Châu, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những đồi chè bát ngát, sản phẩm sữa đã quá quen thuộc với người tiêu dùng cả nước, vậy tại sao không hướng đến xây dựng những tua ngắm cảnh vùng rừng núi trong sương sớm uống trà xanh, sinh hoạt cộng đồng cùng bà con dân làng và đặc biệt phối hợp cùng các công ty lữ hành tổ chức tham quan các cơ sở chế biến sữa; tham quan rừng chè, giới thiệu với du khách mô hình canh tác truyền thống, công nghệ chế biến chè; thưởng thức các sản phẩm và đồng thời tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư vận tải du lịch Hoàng Việt Vũ Quyết Thắng bày tỏ: "Ai đi du lịch cũng muốn mua những sản phẩm đặc trưng vùng về làm quà, làm kỷ niệm, tuy nhiên khách du lịch rất khó mua những sản phẩm Mộc Châu ngay tại bản địa dù nhiều sản phẩm trong số này rất phổ biến, nổi tiếng với người dân cả nước. Thêm vào đó, hoa ban và hoa đào vốn được xem như đặc sắc của vùng rừng núi Tây Bắc cũng cần có sự chỉ đạo quy hoạch thành vùng du lịch, tránh sự tàn phá, khai thác tự phát, làm mất đi một nét đẹp tự nhiên đặc trưng của vùng miền".

Dù không có điểm nhấn về thắng cảnh, nhưng Mộc Châu có nhiều phong cảnh đẹp, núi rừng hùng vĩ, khí hậu trong lành mát mẻ. Ðây là những  tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Cùng với định hướng đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói của cả nước, các nhà quản lý du lịch tỉnh nên chăng có một kế hoạch tổng thể về đầu tư, xúc tiến quảng bá, liên kết bắt tay với các công ty lữ hành để có thể cung cấp các tua hiệu quả cho du khách, đánh thức một tiềm năng to lớn của địa phương vẫn còn bị lãng quên...

(Theo Thu Huyền // Báo Nhân dân)

  • Nghỉ dưỡng cao cấp và kích cầu: Động lực du lịch 2010
  • Kích cầu du lịch 2010: Có gì mới?
  • Du lịch trên hành lang kinh tế Đông - Tây (*)
  • Khu du lịch Silver Shores Hoàng Đạt (Đà Nẵng): Kinh doanh trái quy định
  • Ngày hội du lịch TPHCM - Nhiều chương trình đặc sắc
  • Du lịch Việt đang “được mùa” khách ngoại
  • Furama Resort Đà Nẵng: Khách sạn xanh
  • Dạy khách Tây tráng bánh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com